PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng dù nợ thuế một đồng cũng phải nộp, không thể viện lý do ít hay nhiều để đặc cách, ngoại lệ.
Tài chính và đầu tư

Tranh cãi cấm xuất cảnh do nợ thuế: Chuyên gia nói gì?

Lam Thanh 18/06/2024 21:44

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng dù nợ thuế một đồng cũng phải nộp, không thể viện lý do ít hay nhiều để đặc cách, ngoại lệ.

Gần đây, chi cục thuế các địa phương trên cả nước liên tục phát đi những thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với nhiều chủ doanh nghiệp do nợ thuế. Thậm chí nhiều người nợ thuế chưa tới 1 triệu đồng.

Ví dụ, ngày 18.5 vừa qua, người đại diện pháp luật Công ty TNHH Thương mại hóa chất Gia Thăng bị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp này nợ thuế 997.000 đồng, chưa gồm các khoản phạt chậm nộp.

Theo Bộ Tài chính, hiện số lượng người nộp thuế nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn, đa số là nợ kéo dài. Việc cấm xuất cảnh là một trong nhiều giải pháp để tăng cường thu thuế nợ quá hạn.

Các chuyên gia cho rằng đây là biện pháp nằm trong nỗ lực tăng cường tuân thủ pháp luật thuế. Biện pháp này không chỉ nhắm vào việc xử lý nghiêm những người nợ thuế mà còn mang tính chất răn đe mạnh mẽ. Dù vậy, với việc cấm xuất cảnh với người nợ thuế ở con số rất nhỏ, không ý ít kiến cho rằng điều này là cứng nhắc.

thue.jpeg
Hoạt động tại một cơ quan thuế

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng Luật Thuế đã quy định thì mọi người phải tuân thủ, dù nợ thuế một đồng cũng phải nộp, không thể viện lý do ít hay nhiều để đặc cách, ngoại lệ.

“Đây là biện pháp mạnh mẽ để tăng cường thu hồi nợ thuế. Thực ra với mức nợ thuế khoảng 1 triệu đồng, không có gì khó khăn để nộp cả. Việc các lãnh đạo doanh nghiệp không nộp dẫn đến bị cấm xuất cảnh chủ yếu do chủ quan, chây ì”, ông Thịnh nói và nhấn mạnh đây là vấn đề ý thức tuân thủ pháp luật chứ không phải do doanh nghiệp khó khăn.

Theo ông Thịnh, người đại diện pháp luật phải tự tính toán, kê khai và chấp hành việc nộp thuế. Hơn nữa, việc tra cứu thông tin về thuế hiện nay rất đơn giản, dễ dàng, thuận tiện. Thậm chí trước khi đề nghị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh thì cán bộ thuế đã thông báo, nhắc nhở, thậm chí mời làm việc, chứ không tự dưng đề nghị cấm xuất cảnh.

thue-2.jpeg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SB Law cho rằng cơ quan thuế nên đề xuất mức nợ thuế khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh như một cá nhân nợ thuế trên 100 triệu đồng hay doanh nghiệp nợ hơn 1 tỉ đồng.

Theo ông Hà, doanh nghiệp nào trong diện nợ thuế thì cán bộ thuế luôn quyết liệt nhắc nhở, thông báo, thậm chí có thể áp dụng biện pháp không cho xuất hóa đơn và phong tỏa tài khoản ngân hàng, phạt hành chính với việc chậm nộp thuế…

Trả lời báo chí về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính, ông Đặng Ngọc Minh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết đây là một trong những biện pháp đảm bảo thu hồi thuế, chống chây ì, nợ thuế. Việc quản lý cấm xuất cảnh chủ yếu tập trung vào những người đại diện pháp luật của pháp nhân nợ thuế.

Đại diện cơ quan thuế nhấn mạnh có nhiều biện pháp để xác định trường hợp cấm xuất cảnh, trong đó sẽ tập trung vào trường hợp có nguy cơ, chứ không phải là tất cả.

"Theo quy định của luật, người có khoản nợ thuế hơn 30 ngày, cơ quan thuế sẽ nhắn tin đôn đốc. Thông thường cơ quan thuế sẽ tập trung vào các pháp nhân có nợ thuế lớn, người Việt Nam có kế hoạch ra nước ngoài định cư có nợ thuế. Cơ quan thuế sẽ xem xét từng hồ sơ cụ thể", ông Minh cho hay.

Bộ Tài chính đánh giá việc tạm hoãn xuất cảnh là một biện pháp cứng rắn cũng như cảnh báo cho người nộp thuế đang nợ thuế để đảm bảo việc hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Cơ quan này cho biết người nộp thuế có thể chủ động tra cứu nợ thuế của mình trên hệ thống của ngành thuế để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh.

Theo Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Nhà chức trách không quy định cụ thể ngưỡng nợ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế này.

Tại thông cáo mới đây, Bộ Tài chính dẫn Luật Quản lý thuế cho biết, nếu quá hạn 30 ngày, cơ quan quản lý thông báo cho người nộp thuế về số tiền nợ, ngày chậm nộp. Người nộp thuế cũng được nộp dần tiền nợ trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng.

Để người dân thuận tiện tra cứu thông tin, tại công văn ngày 18.6, Tổng cục Thuế đề nghị các địa phương rà soát thông báo liên quan tới tạm hoãn xuất cảnh, đăng tải đầy đủ trên trang thông tin điện tử của cục thuế.

Năm nay, Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ đọng trên tổng số thực thu ngân sách nhà nước đến ngày 31.12 không vượt quá 8%; tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm nay cũng không được vượt quá 5%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh cãi cấm xuất cảnh do nợ thuế: Chuyên gia nói gì?