Kinh tế Mỹ đang một lần nữa trở thành niềm hy vọng của cả thế giới sau sự kiện nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) – Brexit, khi cả thế giới đều hy vọng sự tăng trưởng cao của nền kinh tế số 1 thế giới sẽ bù đắp những tổn thất do Brexit gây ra, trong khi những nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản và Trung Quốc đang phải vật lộn với sự trì trệ.

Trạng thái mới của nền kinh tế Mỹ: Tăng trưởng ổn định nhưng chậm chạp.

Nhàn Đàm | 28/07/2016, 08:46

Kinh tế Mỹ đang một lần nữa trở thành niềm hy vọng của cả thế giới sau sự kiện nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) – Brexit, khi cả thế giới đều hy vọng sự tăng trưởng cao của nền kinh tế số 1 thế giới sẽ bù đắp những tổn thất do Brexit gây ra, trong khi những nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản và Trung Quốc đang phải vật lộn với sự trì trệ.

Tuy nhiên, một tin tức đáng buồn là nền kinh tế số 1thế giới này lại đang có xu hướng bước vào một giai đoạn mới không lấy gì làm quá tích cực: đồ thị kinh tế hình chữ H. Sau khoảng thời gian 7 năm tăng trưởng liên tục sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009, kinh tế Mỹ đang bước vào một chu kỳ mới – chu kỳ gạch ngang trong đồ thị hình chữ H – với một trạng thái mới: tăng trưởng ổn định nhưng với tốc độ thấp và chậm chạp.

Các báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất của kinh tế Mỹ trong quý 2/2016 đang có xu hướng trở thành những dẫn chứng cho nhận định bi quan của một số nhà kinh tế và đầu tư Mỹ rằng: nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với một thời kỳ suy trầm mới. Cụ thể, theo báo cáo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ ở Atlanta, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý 2/2016 có thể chỉ đạt khoảng 2,3%, dù cao hơn mức 1,1% trong quý 1/2016 nhưng cũng chỉ ngang bằng với mức tăng trưởng 2,3% trong quý 2/2015. Quý 2và quý 3thường là khoảng thời gian mà kinh tế Mỹ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong cả năm (so với quý 1và quý 4), vì vậy việc tăng trưởng trong quý 2/2016 chỉ ngang bằng với cùng kỳ năm 2015 đang là một trong những dấu hiệu rõ rệt cho thấy nền kinh tế số 1thế giới đang chững lại sau khoảng thời gian 7 năm tăng trưởng liên tục kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009.

Có nhiều lý do khiến các nhà kinh tế, các nhà đầu tư và cả người dân Mỹ lo ngại về một giai đoạn suy trầm của nền kinh tế, trong đó tốc độ tăng trưởng tuy ổn định nhưng lại tương đối thấp và kéo dài. Theo Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER), thì chu kỳ bình quân cho mỗi đợt suy thoái kinh tế tại Mỹ kể từ sau thế chiến thứ hai là 5 năm, và hiện nó đang trùng khớp với chu kỳ này sau 7 năm kinh tế Mỹ tăng trưởng liên tục. Các dấu hiệu cho một chu kỳ suy thoái cũng xuất hiện tương đối nhiều trong nền kinh tế Mỹ từ đầu năm 2016 đến nay, đó là số lượng việc làm được tuyển dụng đã tăng trưởng chậm lại, đầu tư kinh doanh cũng có chiều hướng đi xuống, các ngành sản xuất công nghiệp vẫn chưa thực sự phục hồi. Cụ thể, số việc làm mới được tạo thêm ở nền kinh tế Mỹ trong tháng 5.2016 vừa qua chỉ đạt 38.000 việc làm, thấp nhất kể từ năm 2010 đến nay. Theo nhận định của hãng Barclays, thì tính từ năm 1960 đến nay việc tốc độ tăng trưởng việc làm thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thường là báo trước cho một đợt suy thoái kinh tế kéo dài 9-18 tháng.

Tuy nhiên, một kịch bản dường như còn tồi tệ hơn có vẻ như đang ở trước mắt nền kinh tế Mỹ, theo đó nền kinh tế số 1thế giới sẽ không rơi vào suy thoái, mà sẽ tăng trưởng ổn định nhưng với tốc độ thấp và sẽ duy trì trạng thái đó trong nhiều năm. Một thực tế là ngành công nghiệp sản xuất của Mỹ vẫn chưa thực sự hồi phục kể từ năm 2009, và đây là một tín hiệu đáng ngại, khi theo hãng Prestige Economics LLC thì kể từ năm 1919 đến nay cứ mỗi khi sản xuất công nghiệp suy giảm quá lâu thì bao giờ cũng đi kèm với một cuộc suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, một thực tế là khả năng sản xuất công nghiệp của Mỹ đã suy giảm khá mạnh trong giai đoạn 2014-2016 mà lại không dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế trên diện rộng. Nói cách khác, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ rơi vào tình trạng sụt giảm sản xuất công nghiệp mà không rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế. Đó dường như là một trạng thái mới chưa từng có tiền lệ trong lịch sử mà nền kinh tế Mỹ đang gặp phải.

Những người bi quan đang gọi tình trạng hiện nay của kinh tế Mỹ là trạng thái “bình thường mới”, trong đó tốc độ tăng trưởng tuy ổn định nhưng sẽ chậm chạp, trong đó mọi chỉ số vĩ mô đều sẽ thấp: tăng trưởng tín dụng thấp, dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp, tăng trưởng lương cũng thấp hơn và kéo theo lạm phát thấp, và tất cả những điều này có thể khiến nước Mỹ đi theo vết xe của Nhật Bản cách đây hơn hai thập niên, đó là một xã hội ổn định nhưng trì trệ, dần lão hóa và e ngại rủi ro.

Nguyên nhân của tình trạng này là sự chuyển đổi cách thức tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng 2008-2009. Trong giai đoạn những năm 1990 và những năm 2000, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh chủ yếu dựa vào nợ và đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, khi mô hình tăng trưởng này lên tới đỉnh điểm và phát sinh những mặt trái do đòn bẩy tài chính vượt mức cho phép, đã dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, và hiện nay chính phủ Mỹ cũng như Cục Dự trữ liên bang (Fed) đều đang cố gắng tránh lặp lại kịch bản này bằng cách kiềm chế tăng trưởng tín dụng trong giới hạn cho phép. Nó đã tạo ra được sự tăng trưởng ổn định cho kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng, nhưng lại kéo theo nguy cơ trì trệ về lâu dài cho nền kinh tế do thiếu đi những đòn bẩy tài chính quan trọng cần thiết để kích thích tăng trưởng.

Có thể chính phủ mới của Mỹ sau khi cuộc bầu cử tổng thống 2016 kết thúc sẽ tìm cách đảo ngược chính sách kinh tế hiện nay để thúc đẩy tăng trưởng trở lại, nhưng khi mà Fedvẫn đang được dẫn dắt bởi những người có xu hướng thận trọng để tránh sự bất ổn sau khủng hoảng quay trở lại như bà Janet Yellen, thì vị tân tổng thống cũng khó lòng có thể xoay chuyển cục diện, khi mà Fedhoạt động tương đối độc lập với chính phủ Mỹ. Nhưng, bất kể những điều đó, thì dĩ nhiên là một nền kinh tế năng động và luôn có xu hướng trẻ hóa thông qua chính sách nhập cư như Mỹ sẽ có nhiều điều kiện hơn để chống lại nguy cơ trì trệ hơn một nền kinh tế khô cứng và lão hóa như Nhật Bản, nếu như người Mỹ thực sự muốn điều đó.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg, Reuters/Cafebiz)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trạng thái mới của nền kinh tế Mỹ: Tăng trưởng ổn định nhưng chậm chạp.