Nếu bạn chung sống một cách đau khổ nhục nhã, bạn đã làm xấu hổ cả tổ tiên mình!
Có độc giả 20 tuổi hỏi mình là, người yêu nổi giận tát một cái, rồi khóc lóc xin lỗi. Giờ bỏ hay giữ?
Có độc giả 30 tuổi hỏi mình cũng vụ tương tự: Chồng đập xong lại ngọt nhạt xin lỗi, bỏ thì thương lũ con nhỏ dại, mà ở nữa thì biết còn bị đập bao trận nữa?
Có độc giả 40 tuổi thì hỏi, hồi xưa bị chồng đánh, không làm to chuyện, cứ nghĩ cơm chẳng lành canh chẳng ngọt nhà nào cũng có. Còn hôm qua tôi bị em chồng đánh. Giờ làm sao đây? Ý hỏi là, chịu cho chồng đánh rồi, em chồng chẳng lẽ không chịu được?
Có độc giả 60 tuổi ở tận Đà Lạt thì hỏi, tôi bị chồng đánh trước mặt con rể. Tôi phải làm sao đây khi cả con rể tôi cũng coi đánh vợ là chuyện đương nhiên, có vẻ vào hùa. Con gái tôi nó nghĩ gì và rồi nó sống thế nào?
Trời ơi, làm sao để nói với cô gái 20 rằng, sự chịu đựng mang lại cho người đàn bà cái gì? Là cái tát của người yêu cô hôm nay có thể sẽ trở thành trận đòn của con rể sau này, vì bản chất của cô là hôn hít lên bàn tay vừa tát mình.
Nếu bạn sợ li hôn, bạn hãy nghĩ rằng, lịch sử dân tộc Việt Nam thực ra là lịch sử của một cuộc ly dị vĩ đại. Tổ tiên chúng ta đã ly hôn để tạo dựng nên nước Việt Nam và duy trì dòng dõi người Việt. Một nửa con đã theo bố xuống biển và một nửa con đã đi theo mẹ.
Nhưng cuộc ly hôn ấy đã vô cùng tốt đẹp vì Lạc Long Quân chưa từng bôi nhọ chửi bới vợ. Họ chia tay vì tôn trọng sự khác biệt và cá tính của nhau, tôn trọng nhu cầu sống và tôn trọng cả những giá trị thiêng liêng của cộng đồng, đó là mục tiêu chung giữ vẹn toàn lãnh thổ, là cùng giữ không gian sống văn hóa văn minh, là lời thề sẽ luôn giúp đỡ nhau mỗi khi gặp khó khăn. Và không chỉ bố mẹ giúp đỡ nhau, anh em trong nhà dù chia đôi ra vẫn luôn phải có mặt những khi cần thiết.
Nên nếu bạn chung sống một cách đau khổ nhục nhã, bạn đã làm xấu hổ cả tổ tiên mình!
Nguồn: Facebook Trang Hạ