Cách ghi nhãn mác hiện hành khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về xuất xứ hàng hóa.

Tràn ngập thực phẩm Trung Quốc đội lốt "made in VN"

Một Thế Giới | 01/11/2014, 06:36

Cách ghi nhãn mác hiện hành khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về xuất xứ hàng hóa.


Thịt bò “made in Viet Nam” vẫn được gắn mác là bò Úc. Túi xách được may tại Việt Nam, xin gắn mác Trung Quốc. Vỏ đồng hồ sản xuất tại Việt Nam nhưng xin được ghi xuất xứ là Nhật Bản... ThS Vũ Xuân Hưng (Phó Trưởng phòng Pháp chế VCCI TP.HCM), người có nhiều năm công tác liên quan đến xuất xứ hàng hóa, cho rằng hiện có sự nhầm lẫn trong việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa. Người tiêu dùng (NTD) cần biết cách nhận diện xuất xứ hàng hóa để khỏi bị nhầm lẫn.

.Thịt bò giết mổ tại Việt Nam vẫn được khoe là bò Úc nhưng nấm Trung Quốc thì lại ghi “xuất xứ Việt Nam”. Liệu có sự nhập nhằng trong cách xác định xuất xứ hàng hóa theo kiểu “tốt khoe, xấu che” không, thưa ông?

Thạc sĩ Vũ Xuân Hưng

+ ThS Vũ Xuân Hưng: Nghị định 89/2006 về ghi nhãn hàng hóa cho phép doanh nghiệp (DN) được ghi xuất xứ bằng cách ghi “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại” hoặc “xuất xứ” kèm tên nước hay vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó. Quy định này vô hình trung tạo ra sự đồng nhất giữa khái niệm “sản xuất, chế tạo” (made in) và “xuất xứ hàng hóa” (origin of goods) khi ghi nhãn hàng hóa.
Quy định này nên được sửa đổi, làm rõ để tránh sự nhầm lẫn cho NTD. Bởi lẽ để xác định xuất xứ hàng hóa (origin of goods) và cấp giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin - C/O) tuân theo các quy tắc xuất xứ ưu đãi, quy tắc xuất xứ không ưu đãi, có sự phân biệt rạch ròi các khái niệm “made in” hay “origin”.

Việc xác định “made in” hay “origin” đúng cách phải như thế nào, thưa ông?

+ Theo Nghị định 19/2006 về xuất xứ hàng hóa thì rất nhiều trường hợp hàng hóa tuy được sản xuất tại Việt Nam (có made in Viet Nam) nhưng chỉ là “gia công, chế biến giản đơn” hoặc không đáp ứng các tiêu chí về xuất xứ nên không được coi là có xuất xứ (origin) Việt Nam. Ví dụ, DN nhập khẩu các bán thành phẩm của bàn ghế về Việt Nam sau đó lắp ráp thành sản phẩm, “lắp ráp” được coi là “sản xuất” theo Nghị định 19/2006 nhưng việc lắp ráp này chỉ được coi là gia công giản đơn không xét cấp C/O, hàng hóa này không có xuất xứ Việt Nam mặc dù nó được sản xuất tại Việt Nam.
DN có thể nhập con bò từ Úc về, theo Nghị định 19/2006, công đoạn giết, mổ động vật được coi là chế biến giản đơn không xét cấp C/O, thịt bò không có xuất xứ Việt Nam và DN vẫn có thể ghi thịt bò đó có xuất xứ từ Úc nếu họ có bằng chứng về xuất xứ khi nhập khẩu bò về Việt Nam.
DN nhập nấm, nhập rau củ… được trồng tại Trung Quốc về, phân loại, ngâm trong nước muối để bảo quản, đóng gói lại cũng là chế biến “giản đơn” nên made in có thể là Việt Nam nhưng origin không thể là Việt Nam. Cách ghi nhãn “xuất xứ Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam” đều có thể gây hiểu nhập nhằng rằng nấm này trồng tại Việt Nam!
Với một số sản phẩm cần xác định rõ về xuất xứ, ví dụ táo, lê, cam... liệu NTD có cách phân biệt không?

+ Người bán nói trái cây xuất xứ Úc, Mỹ theo đúng nghĩa về xuất xứ hàng hóa thì phải có các bằng chứng về xuất xứ hàng hóa (thông thường là C/O) kèm theo hàng.

Nếu cửa hàng bán trái cây chỉ là cửa hàng bán lẻ, không nhập trực tiếp, chỉ mua lại một ít từ DN nhập khẩu thì làm sao để có C/O? Giả như họ có C/O, song họ dùng C/O đó cho cả táo Mỹ lẫn táo Trung Quốc, NTD làm sao biết được?

+ Chỉ nên nói hàng nhập khẩu về từ Úc, Mỹ vì hàng được nhập khẩu từ một nước nào đó không đồng nghĩa là hàng có xuất xứ từ nước đó. Để NTD biết chính xác về nguồn gốc hàng hóa, ngoài C/O có thể xem xét các thông tin về xuất xứ hàng được ghi trên bao bì và nhãn hàng hóa khi được các tổ chức, cá nhân nhập khẩu về để phân phối, bán lẻ (căn cứ tin cậy để ghi nhãn liên quan xuất xứ là C/O).
Theo Nghị định 89/2006 về ghi nhãn hàng hóa thì việc ghi nhãn cho các sản phẩm nhập khẩu là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu. Tuy nhiên, xuất xứ phải được hiểu theo đúng bản chất, không đồng nhất với khái niệm “xuất xứ” với “sản xuất” như đã nêu trên.

Có DN nhập vải từ Trung Quốc về Việt Nam để sản xuất ba lô, túi xách và xuất sang Mỹ. DN muốn được ghi “made in China”, liệu có phù hợp không, thưa ông?

+ Mỹ hiện chưa cho Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), Việt Nam chưa ký với Mỹ hiệp định thương mại tự do (FTA) nào. Do vậy, việc xác định xuất xứ cho hàng xuất sang Mỹ phải áp dụng theo các quy định về quy tắc xuất xứ không ưu đãi của Việt Nam, cụ thể là Nghị định 19/2006 nói trên và các thông tư hướng dẫn.

Tham khảo quy định về xuất xứ không ưu đãi hiện hành của Mỹ, với sản phẩm là ba lô, túi xách (mã HS 42.02) thì cách xác định xuất xứ của Việt Nam và Mỹ là tương đồng nhau, đều xác định dựa vào “công đoạn cắt, ghép nối, thành hình” và mã số của nguồn nguyên liệu.
Nếu nguyên liệu nhập từ Trung Quốc có mã hàng khác mã HS 42.02 và DN Việt Nam cắt, ghép nối, thành hình cái túi xách thì ghi “made in Viet Nam” đồng thời cũng là “Origin of Viet Nam”, không thể ghi “made in China” được. DN có thể ghi “nguyên liệu Trung Quốc”, “sản xuất tại Việt Nam”, không dẫn đến việc hiểu sai lệch về xuất xứ.

“Động cơ Trung Quốc, vỏ máy Việt Nam”

DN Việt Nam sản xuất vỏ mặt sau đồng hồ, sau đó xuất khẩu sang Nhật Bản để lắp ráp đồng hồ hoàn chỉnh. Nhà nhập khẩu yêu cầu DN Việt Nam ghi “made in Japan” trên vỏ mặt sau đồng hồ, vậy có phù hợp hay không?

ThS Vũ Xuân Hưng (Phó Trưởng phòng Pháp chế VCCI TP.HCM) cho rằng đây có lẽ là một trường hợp phát sinh trong thương mại. Theo quy định, rõ ràng mặt sau đồng hồ đã sản xuất tại Việt Nam nên phải ghi made in Viet Nam để hiểu vỏ này được sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ bản thân vỏ mặt sau đồng hồ khi gắn vào đồng hồ thì nó mang ý nghĩa khác, nếu ghi made in Viet Nam, có thể gây hiểu nhầm rằng toàn bộ chiếc đồng hồ sản xuất tại Việt Nam (điều mà nhà nhập khẩu không mong muốn).
Có lẽ cần sửa đổi một số quy định cho phép DN sản xuất các chi tiết, bộ phận cho sản phẩm được ghi nhãn hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa nhưng không làm sai lệch bản chất của hàng hóa.

Trong khi chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, DN có thể thực hiện như một số DN hiện đã làm, họ ghi “made in” theo kiểu “vỏ mặt sau sản xuất tại Việt Nam, máy đồng hồ sản xuất tại Nhật Bản”. Nếu đáp ứng tiêu chí về xuất xứ của Nhật Bản, có thể ghi origin theo kiểu “vỏ mặt sau xuất xứ Việt Nam, đồng hồ xuất xứ Nhật Bản”. Tôi thấy nhiều đồng hồ vẫn ghi ở mặt sau là “Movement China. Case Vietnam” (động cơ Trung Quốc, vỏ máy Việt Nam).

Theo Quỳnh Như/ Pháp luật
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tràn ngập thực phẩm Trung Quốc đội lốt "made in VN"