Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng với nhiều cảnh quan tươi đẹp và sản vật trù phú có trong tự nhiên nên rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch tâm linh và du lịch sinh thái.
Trải nghiệm du lịch ĐBSCL
Trung tuần tháng 7, chúng tôi khởi đầu hành trình du lịch đồng bằng vùng sông nước Cửu Long với chuyến đi 4 ngày. Từ TP.Cà Mau (Cà Mau) chúng tôi di chuyển sang TP.Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) trên tuyến đường Xuyên Á. Trưa, bụng đói chúng tôi ghé điểm dừng chân là quán cơm với cái tên thật yểu điệu “Cơm Đảm Đang”. Tại đây, chúng tôi bắt đầu gọi món ăn. Với những món dân dã, đậm chất quê hương như lẩu mắm kho, sườn kho mặn, cá kho tộ… do bụng đói nên tất cả ăn ngon lành.
Cơm nước xong, anh tài xế vừa rít vội điếu thuốc lá rồi chia sẻ, trong những lần chở khách đi tham quan, anh thường giới thiệu cho khách dùng bữa trưa tại quán cơm này. Tuy những món ăn không phải món cao lương mỹ vị, nhưng nếu ai thích cảm giác trải nghiệm, thưởng thức những món ăn dân dã, đặc trưng vùng miền thì quán cơm này rất phù hợp. Thêm nữa, quán sạch sẽ, thoáng mát, thức ăn thơm ngon nhưng giá thì rất… bình dân, hợp túi tiền.
Như bữa ăn của chúng tôi, 5 người gồm 3 người lớn, 2 trẻ nhỏ nhưng chỉ có 200.000 đồng. Khi lên xe, chủ quán còn lịch sự nở nụ cười hiền và vẫy tay thay lời chào tạm biệt.
Đến TP.Rạch Giá, chúng tôi tiếp tục hành trình xuôi về Hòn Đất (Kiên Giang). Để đến được điểm du lịch Núi Sam ở TP.Châu Đốc, nhóm phải đi qua các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên của tỉnh An Giang.
Dọc đường đi, hình ảnh những cánh đồng lúa vàng óng ánh đang thu hoạch bổng chốc trở nên lạ mắt với những đứa con nhà tôi. Khung cảnh trên cánh đồng, những chiếc máy gặt đập liên hợp đang ngược xuôi cắt lúa trong tiếng cười nói rôm rả của người nông dân, rồi người khuân vác, kẻ cầm bao hứng những hạt lúa vàng óng tuôn ra từ chiếc máy gặt đập liên hợp khiến tôi như trở về thời thơ ấu với ký ức nơi miền quê đồng ruộng.
Trải qua hơn 200 km đường bộ, cuối cùng chúng tôi cũng đến với Núi Sam ở TP.Châu Đốc. Sau khi lấy phòng nghỉ, tắm gội xong. Nhóm đã bước chân xuống sảnh khách sạn để bắt xe đi tham quan đỉnh Núi Sam bằng cáp treo. Tại đây, không có xe honda ôm mà chỉ có duy nhất mỗi phương tiện vận chuyển khách đi vòng vòng trung tâm TP.Châu Đốc là xe đạp lôi.
Lên xe, anh tài xế hì hục đạp chở nhóm 5 người vượt qua những sườn dốc để đến khu vực bán vé lên đỉnh Núi Sam. Cảm giác lần đầu tiên đi xe đạp lôi trong tôi rất lạ, vừa hồi hộp, vừa lo sợ. Bởi dàn xe của anh tài trông rất mỏng manh, dễ vỡ. Anh tài xế cho biết chiếc xe này có giá trên 10 triệu đồng.
Mồ hôi ướt đẫm anh tài xế chia sẻ rằng mình đã có thâm niên mưu sinh ở khu du lịch này trên 10 năm. Mỗi ngày, anh kiếm từ hơn 300.000 đồng. Mỗi cuốc xe không xa, chỉ tầm 1,5 – 2 km là anh bỏ túi 20.000 đồng/du khách. Đi nhóm 4 – 5 người anh cũng chở được.
Lần đầu đi cáp treo lên đỉnh núi Sam, tôi cảm thấy vừa hồi hộp lại vừa phấn khích.
Cáp di chuyển không nhanh mà từ từ. Tại đây, du khách có thể đắm mình từ trên cao để ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên tươi đẹp phía dưới. Du khách đã đến Châu Đốc mà không đi cáp treo để tham quan đỉnh Núi Sam là một điều thiệt thòi. Giá vé tính cho cả lên và xuống chỉ 150.000 đồng/người (trẻ em được miễn phí).
Lên đỉnh núi Sam, chúng ta có thể tham quan nhiều di tích, danh lam thắng cảnh ở khu vực. Khi mệt, cả nhóm ghé vào một quán trên đỉnh núi của một cụ già để thưởng thức ly nước thốt nốt mát lạnh.
Sau khi tham quan núi Sam và xuống núi cũng bằng cáp treo, chúng tôi vào chùa Bà Chúa Xứ để thắp hương, khấn vái bà để cầu bình an, sức khoẻ và công việc làm ăn của gia đình, người thân được thuận buồm xuôi gió. Sau đó, chúng tôi gọi xe lôi đi ăn tối. Đặc sản ở nơi đây là các món từ bò. Bò có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, nào là bò nhúng dấm, nhúng mẻ, bò xào, bò cuộn sả, gỏi bò… Và đặc trung của vùng đất này người dân rất thích ăn ngọt, bởi thế khi đến đây, du khách có thể dặn dò đầu bếp nêm nếm, gia giảm theo khẩu vị riêng vùng miền của mình.
Ăn xong, cả nhóm lại bắt xe đạp lôi di chuyển một vòng TP.Châu Đốc để chiêm ngưỡng cảnh sắc về đêm của vùng núi nơi đây. Đêm ấy, chúng tôi nghỉ lại Châu Đốc.
Hôm sau là hành trình đi TP.Hà Tiên (Kiên Giang). Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là bãi biển Mũi Nai.
Vào những ngày này, miền Tây đang hứng chịu một cơn áp thấp nhiệt đới rất nghiêm trọng nên trời mưa liên tục. Vì thế, chúng tôi đã không tắm biển. Sau khi ăn trưa tại một nhà hàng nhỏ, gia đình tôi bắt hành trình tham quan Thạch Động ở Hà Tiên. Cơn mưa chiều như trút nước, cả nhóm phải mặc áo mưa để đi tham quan. Cảnh sắc còn hoang sơ, chưa được nhân tạo nhiều của Thạch Động tạo nên vẻ đẹp riêng của điểm đến.
Mưa vẫn không ngớt thậm chí ngày càng to hơn. Cuối cùng, nhóm lên xe di chuyển về TP.Cần Thơ. Tại đây, chúng tôi đã đến những điểm du lịch sinh thái như Làng du lịch Ông Đề, Khu du lịch Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Cách đó khoảng 20 km về hướng Cà Mau, du khách có thể tham quan, ăn uống ở làng bè Hai Khanh (Hậu Giang) với những món ăn thơm ngon mà không cần bận tâm về giá. Ở Cần Thơ, du khách không thể bỏ qua Bến Ninh Kiều, xuống du thuyền tham quan dòng sông Hậu, tham quan chợ nổi Cái Răng sáng sớm tinh mơ là một trải nghiệm thú vị của miền Tây sông nước.
Cà Mau, Bạc Liêu không ngừng quảng bá
Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Cà Mau không ngừng quảng bá hình ảnh, con người Cà Mau qua các sự kiện nổi bật như "Tuần văn hoá – du lịch", "Hương rừng U Minh". Địa phương giới thiệu, quảng bá với du khách trong và ngoài nước về những tiềm năng, lợi thế của mình với những sản vật như mật ong, khô cá bổi, lẩu mắm… Đặc biệt, tỉnh Cà Mau cũng đã xác lập kỷ lục “Tổ ong và lẩu mắm lớn nhất Việt Nam” diễn ra tại sự kiện "Hương rừng U Minh" diễn ra hồi đầu năm.
Đến với Cà Mau, du khách không thể bỏ lỡ việc tham quan U Minh – vùng đất có nhiều sản vật nổi tiếng với các khu du lịch sinh thái, Homestay rất độc đáo. Đặc biệt, trải nghiệm cảm giác đi ăn ong hay tự mình đặt trúm bắt lươn, giăng câu bắt cá trong rừng tràm…
Ngoài ra, đến với Khu du lịch Mũi Cà Mau du khách còn được tận mắt ngắm nhìn mặt trời lặn, mọc ở biển Đông vô cùng thích thú.
Mới đây, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp báo để công bố sự kiện “Ngày hội văn hóa – Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022”. Sự kiện chính thức diễn ra từ 27-29.11 tới đây.
“Ngày hội văn hóa – Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022” diễn ra với chuỗi các hoạt động chính như: Liên hoan Đờn ca tài tử, khảo sát đánh giá tiềm năng, sản phẩm du lịch mới của tỉnh, Liên hoan nhạc Ngũ âm và múa dân gian Khmer, tổ chức không gian “Hội tụ tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể đại diện các vùng, miền” (gồm Dân ca quan họ, ca trù, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, nghệ thuật Bài chòi, hát Chèo, đờn ca tài tử Nam Bộ), tổ chức Ngày hội tôm và muối Bạc Liêu, hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh, tổ chức hội thảo góp ý đề án xây dựng sản phẩm OCOP “Khu du lịch cộng đồng Vườn nhãn Bạc Liêu” và tổ chức công nhận Chùa Xiêm Cán là điểm du lịch tiêu biểu vùng ĐBSCL…
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh: “Với chủ đề "Bạc Liêu tiềm năng và lợi thế phát triển", Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, con người Bạc Liêu đến với bạn bè, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến. Mục đích cuối cùng địa phương hướng đến là xây dựng tỉnh Bạc Liêu ngày càng phát triển nhanh và bền vững, giúp cho đời sống của người dân được ấm no, hạnh phúc”.
Với các hoạt động quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, tin rằng ngành du lịch vùng ĐBSCL sẽ vươn mình phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tiếp tục gặt hái nhiều thành công rực rỡ. Và ĐBSCL sẽ là điểm đến tham quan, du lịch lý tưởng không thể bỏ lỡ của khách thập phương trong và ngoài nước.