Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bắt kịp xu hướng chung của thế giới là giải pháp cần thiết cho sự quay trở lại của các hoạt động du lịch sau đại dịch COVID-19, và giúp cho ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững.

Nỗi lo nhân lực chất lượng phục vụ trong ngành du lịch

Thiên Di | 04/08/2022, 15:52

Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bắt kịp xu hướng chung của thế giới là giải pháp cần thiết cho sự quay trở lại của các hoạt động du lịch sau đại dịch COVID-19, và giúp cho ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững.

Du lịch có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế

Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống, trong đó ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Tổ chức Du lịch thế giới dự báo, cần phải mất 2 - 3 năm sau, ngành du lịch mới phục hồi bằng mức năm 2019. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, ngành du lịch xác định, du lịch nội địa là cứu cánh của du lịch Việt Nam trong năm 2022.

Ông Patrick Basset, thành viên cấp cao của Asset Management với nhiều kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực điều hành các đơn vị kinh doanh khách sạn thế giới, quản lý nhiều dự án quan trọng cho tổ chức hệ thống Accor toàn cầu nhận định, du lịch là ngành công nghiệp không khói đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Nghiên cứu mới nhất từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) cho biết, mức đóng góp của ngành Du lịch có thể là 8,6 nghìn tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022, thấp hơn chỉ 6,4% so với trước đại dịch COVID-19.

Theo ông Patrick Basset, Việt Nam thời kỳ “hậu COVID” có nền kinh tế phục hồi nhanh với xu hướng tăng qua các chỉ số tăng trưởng và đầu tư nước ngoài. Việt Nam sở hữu nhiều điểm đến ấn tượng và ngành du lịch có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế nước nhà.

Sau khi mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15.3.2022, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những tín hiệu tích cực. Khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Những kết quả đạt được của ngành du lịch đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, cải thiện doanh thu và lợi nhuận đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, lưu trú du lịch và vận tải du lịch.

Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có liên quan đến lĩnh vực du lịch có sự gia tăng ấn tượng, trong đó: Dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.065 doanh nghiệp, tăng 27,7% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm, du lịch đạt 3.902 doanh nghiệp, tăng 23,4%. Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng rõ ràng hơn khi số doanh nghiệp trong lĩnh vực này quay trở lại hoạt động tăng cao. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.362 doanh nghiệp, tăng 63,5% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm và du lịch đạt 2.215 doanh nghiệp, tăng 50,5%.

Theo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

Mục tiêu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700-1.800 nghìn tỉ đồng (tương đương 77 – 80 tỉ USD), tăng trưởng bình quân 13 – 14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 – 14%; tạo ra khoảng 5,5 – 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 – 14%/năm. Phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 – 14%/năm và khách nội địa từ 6 – 7%/năm. 

nnn_6578.jpg
Từ trái qua, ông John A. Daly, bà Vũ Khánh Linh và ông Patrick Basset trong buổi ra mắt học viện đào tạo mang chuẩn Thụy Sĩ tại Việt Nam Hotel Academy Phu Quoc. Những chuyên gia này đã có nhiều chia sẻ về mối quan tâm đến việc đào tạo nhân lực cho ngành du lịch khách sạn

Chất lượng lao động ngành du lịch Việt Nam: thiếu và yếu

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp trong bậc thang năng lực quốc tế. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến chất lượng lao động ngành du lịch Việt Nam khá nặng nề, lực lượng lao động bị mất việc làm khá lớn, một phần có việc làm nhưng tâm lý chưa thật ổn định.

Trong một hội thảo vào tháng 5.2022 tại TP.HCM, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, nếu như trước dịch COVID-19, ngành du lịch thành phố trăn trở về nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng, tính chuyên nghiệp, thì sau dịch COVID-19, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng lẫn số lượng.

Và mối lo này không chỉ của riêng du lịch TP.HCM mà của rất nhiều địa phương, tỉnh thành khác.

Trong báo cáo kết quả nghiên cứu của TS. Hoàng Thị Lan (Trường Đại học Thương mại) hồi tháng 5 cũng cho thấy, Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, số lượng lao động ngành Du lịch cần năm 2020 là trên 3 triệu lao động, trong đó có khoảng hơn 1 triệu lao động trực tiếp. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn kéo dài hiện nay, con số này khó có thể khả thi và cần có chiến lược phát triển phù hợp.

Năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành du lịch lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động cầm chừng chiếm 10%.

nganhdulich.jpg
Sau đại dịch COVID-19, nhiều lao động trong ngành du lịch chuyển việc, nghỉ việc, càng khiến cho nguồn nhân lực trong ngành thêm thiếu và yếu - Ảnh mang tính minh họa

Phát triển nhân lực – con người luôn là then chốt

Cựu giám đốc Điều hành Tập đoàn Accor Patrick Basset cũng lưu ý rằng, việc phát triển nhân lực là then chốt, khi mà trong 2 năm dịch COVID-19 như bão quét qua thì ngành du lịch vốn đã thiếu và yếu nhân sự thì càng trầm trọng hơn. Doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt với khủng hoảng nhân lực khi chi phí tuyển và đào tạo cao, khiến việc quay lại thị trường của hoạt động du lịch càng khó khăn hơn. Và yêu cầu đặt ra đối với chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch, hospitality là một vấn đề rất quan trọng.

Cũng theo ông Patrick, so với 10 năm trước thì các thương hiệu khách sạn cao cấp đến Việt Nam rất nhiều, do vậy, sự cạnh tranh nhân lực cao mà cung không đủ cho cầu, từ cấp nhân viên cho đến cấp quản lý.

danhgia.png
Đánh giá kỹ năng của nhân viên trong lĩnh vực lưu trú

Trong một cuộc trò chuyện mới đây, bà Vũ Khánh Linh, nhà tư vấn, Giám đốc Sáng lập Key Hospitality Consulting (Pháp), Tổng giám đốc của Cityland Education, Việt Nam cũng khẳng định, cho dù công nghệ phát triển đến mấy nhưng con người vẫn là trọng tâm của sự phát triển. Ngay cả khách đi du lịch trải nghiệm cũng cần sự trải nghiệm với con người.

Ông John A. Daly, Tổng giám đốc của Học viện đào tạo nhân sự cho ngành Hospital Hotel Academy Phú Quốc cho biết, nguồn cung – cầu của nhân lực trong ngành không đồng đều. Như Phú Quốc, nơi học viện Hotel Academy đặt nền tảng đầu tiên tại Việt Nam thì Phú Quốc phát triển cơ sở hạ tầng, có nhiều khách sạn, dự án cao cấp nhưng nhân lực và chất lượng dịch vụ chưa tương xứng, đặc biệt là một vài nơi chưa đáp ứng được dịch vụ “chuẩn 5 sao” đúng như yêu cầu của đẳng cấp thương hiệu. Chính vì vậy, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành rất quan trọng.

doanh-nghiep-600x349.png
Số liệu trên cũng phần nào cho thấy, khi du lịch hồi phục trở lại đòi hỏi nguồn cung lớn về nhân lực làm việc trong lĩnh vực. Đây cũng là "thời điểm vàng" cho việc đào tạo nhân lực trong ngành có kỹ năng, thái độ, tư duy hiếu khách cùng chuẩn mực quốc tế

Ông cũng cho biết thêm, Hotel Academy là học viện đầu tiên tại Việt Nam xây dựng chương trình dựa trên khung năng lực của Thụy Sĩ -  một quốc gia nổi tiếng trong việc đào tạo trong ngành hospitality. Học viện Hotel Academy đào tạo nghề các cấp độ trong ngành như Kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ buồng phòng và nghiệp vụ khách sạn, lưu trú… với việc thực hành nhiều và quá trình học toàn bộ giao tiếp bằng tiếng Anh, đồng thời. Và ông hy vọng việc đào tạo học viên trong ngành sẽ giúp giải quyết được phần nào nhu cầu nhân lực chất lượng cho thị trường du lịch Việt Nam hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo nhân lực chất lượng phục vụ trong ngành du lịch