TP.HCM có chủ trương mở cửa lại dịch vụ ăn uống tại chỗ khi tình hình dịch được cải thiện, nhưng mở tới đâu thì phải đảm bảo các tiêu chí an toàn
Bên lề kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 15, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, dự kiến ngày 25.10, TP.HCM sẽ công bố cấp độ dịch.
Cùng với đánh giá cấp độ dịch, thành phố sẽ xây dựng cơ chế giám sát và cảnh báo dịch. Đặc biệt, Thành phố cũng nghiên cứu thí điểm mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ, mở lại một số hoạt động dịch vụ khác. Người đứng đầu UBND TP.HCM khẳng định: “TP.HCM có chủ trương mở cửa lại khi tình hình dịch được cải thiện, nhưng mở tới đâu thì phải đảm bảo các tiêu chí an toàn”.
Ông Mãi giải thích:” Ví dụ như khu vực này ở cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới) được mở nhiều dịch vụ hơn địa bàn dịch ở mức 2, 3 (nguy cơ trung bình, cao). Các hoạt động sinh kế cũng theo đó mà mở cửa"
Hiện nay, ở cùng thời điểm nhưng có phường, xã đạt mức 1, có phường ở mức 2, có phường vẫn ở mức 3. Địa bàn nào đạt mức 1 thì các hoạt động được mở nhiều hơn địa bàn có cấp độ dịch mức độ 2, mức độ 3.
Từ 1.10, dịch vụ ăn uống tại TP.HCM được hoạt động nhưng chỉ bán hàng mang đi, không phục vụ tại chỗ. Hôm 19.10, Sở Công thương thành phố kiến nghị UBND TP.HCM cho cơ sở dịch vụ ăn uống được bán bằng cả hai hình thức bán mang đi và phục vụ tại chỗ, trừ loại hình kinh doanh bia, rượu.
Điều kiện để các cơ sở này được hoạt động là đáp ứng yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch của ngành y tế và theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Các quán chỉ được hoạt động đến 21h, với công suất phục vụ tối đa 50%; mật độ phục vụ không quá 2 người mỗi bàn, khoảng cách các bàn ăn tối thiểu 2 m.