Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu yêu cầu ngành thanh tra thành phố tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc chậm tiến độ, còn tồn đọng trong quý 1/2022, chậm nhất đến quý 2/2022.
Năm 2021, dịch COVID-19 với làn sóng lần thứ 4 khiến TP.HCM phải thực hiện giãn cách đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ công việc của ngành thanh tra. Để đảm bảo nguyên tắc phòng dịch, các đoàn thanh tra phải tạm dừng; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra và công tác xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo… bị tồn đọng.
Dù vậy, theo Thanh tra TP.HCM, năm qua, ngành đã triển khai 213 cuộc thanh tra hành chính, trong đó 152 cuộc thanh tra đã ban hành kết luận; tiến hành 5.719 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, chuyển cơ quan điều tra xử lý 21 vụ việc.
Ngoài ra, Thanh tra TP.HCM cũng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 354 kết luận thanh tra hành chính và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó 121 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% nội dung thực hiện (chiếm 34,18% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra). Ngành thanh tra thành phố còn tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo hơn 6.606 đơn và xử lý được 6.557 đơn (tỷ lệ 99,3%); giải quyết 510/763 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (tỷ lệ 66,8%).
Theo Thanh tra TP.HCM, ngoài ảnh hưởng dịch COVID-19, một nguyên nhân khác dẫn đến nợ đọng trong lĩnh vực thanh tra, nhất là thanh tra chuyên ngành là việc xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và ban hành kết luận thanh tra mất nhiều thời gian. Đặc biệt, khâu chậm nhất trong quá trình thanh tra liên quan đến báo cáo, giải trình chi tiết, cung cấp hồ sơ…
Về vấn đề trong lĩnh vực xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trong thanh tra chuyên ngành, sau khi kết thúc thanh tra, đoàn cần có nhiều thời gian đối chiếu quy định pháp luật, xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, báo cáo người ra quyết định thanh tra, xây dựng dự thảo kết luận thanh tra… Do đó, với quy định 30 ngày để hoàn tất việc báo cáo kết quả thanh tra và ban hành kết luận thanh tra là chưa phù hợp thực tế, nhất là với các cuộc thanh tra quy mô lớn và có tính chất phức tạp.
Về việc giải quyết tồn đọng của ngành thanh tra thành phố, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu yêu cầu, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc chậm tiến độ, còn tồn đọng trong quý 1/2022, chậm nhất đến quý 2/2022.
Theo Chánh Thanh tra TP.HCM Đặng Minh Đạt, trong năm 2022, ngành thanh tra thành phố sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các kết luận thanh tra, kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, của bộ ngành Trung ương và của Kiểm toán Nhà nước.
Bên cạnh đó, Thanh tra TP.HCM tập trung tham mưu cho Thành phố tổ chức thực hiện kết luận thanh tra liên quan đến việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh... Đồng thời tham mưu tổ chức thực hiện kết luận thanh tra về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn), việc thực hiện thí điểm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM và kết luận thanh tra liên quan đến một số nội dung tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.