Người dân thờ ở với dịch bệnh, không chịu hợp tác; còn những con kênh, rạch thì đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Đó là những gì đang diễn ra ở địa bàn quận Bình Thạnh - nơi dẫn đầu số ca nhiễm vi rút Zika ở địa phương có số lượng người mắc bệnh này nhiều nhất nước là TP.HCM.
Nhiều nguy cơ phát sinh
Có thể nói địa bàn quận Bình Thạnh là một trong những địa phương ở TP.HCM có nhiều kênh, rạch nhất, nào là Thị Nghè, Cầu Bông, Văn Thánh, Thanh Đa, Xuyên Tâm... Sau thời gian một số kênh, rạch trên đã được cải tạo, nâng cấp, nhưng vẫn còn không ít kênh, rạch ở địa phương này khiếnngười dân vẫn phải đối mặt với ô nhiễm.
Con rạch Xuyên Tâm chạy qua địa bàn của các phường 22, 24, 26... của quận Bình Thạnh với nhiều ngôi nhà lụp xụp được che chắn bằng lá hoặc bằng những tấm tôn ọp ẹp.
Cây cầu Long Vân bắt qua một nhánh của con rạch Xuyên Tâm đầy rác rưởi, vật chết khiến cho con rạch này đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Dọc theo nhánh con rạch này là khá nhiều căn nhà lụp xụp, ẩm thấp.
Trong số 8 ca nhiễm vi rút Zika của địa phương này thì địa bàn phường 24 có đến 4 ca (các phường khác như: phường 2,17,22 và phường 25 mỗi phường có 1 ca). Đây chính là phường có các hộ dân sống dọc theo con rạch Xuyên Tâm. Phần đông những hộ dân này là lao động nghèo, nhà cửa tuềnh toàng, ẩm thấp, đầy những vật dụng lỉnh khỉnh trong nhà.
Bà V. (ngụ tổ 32 ) – nơi cạnh nhánh của một con rạch Xuyên Tâm cho biết, ở tổ 32 này vừa phát hiện người nhiễm vi rút Zika nên mấy ngày qua bà cảm thấy lo sợ, nhất là đứa con gái 26 tuổi của bà đang mang thai được hơn 4 tháng tuổi.
“Trước đây nhà tui ngủ có máng mùng gì đâu, vì đâu thấy có muỗi mòng gì nên cũng không quan tâm, nhưng từ ngày xem ti vi thấy có bệnh Zika lây truyền qua muỗi chích, lại được chính quyền địa phương đến đây tuyên truyền, hướng dẫn phun thuốc diệt muỗi, chỉ cách diệt lăng quăng nên mấy ngày qua mới phun xịt thuốc diệt muỗi”, bà V. cho hay.
Căn nhà bà V. ở có 6 người nhưng khá ẩm thấp, trong nhà chứa đầy những vật dụng cũ kỹ, nhếch nhác, những thực phẩm ăn uống để dưới nền đất trông rất cáu bẩn. Gia đình bà như thế, phía sau nhà là con rạch ô nhiễm nhưng nhiều năm qua cả nhà bà không hề diệt muỗi, diệt lăng quăng, đã vậy còn ngủ không hề máng mùng.
Một nhánh của con rạch Xuyên Tâm thuộc địa bàn phường24, quận Bình Thành đen ngòm, bốc mùi hôi thối
Bà Thái Hồng Nga - Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho rằng sở dĩ các ngành, các cấp ở địa phương đã nỗ lực trong việc diệt lăng quăng, diệt muỗi và thực hiện nhiều biện pháp khác nhưng số người nhiễm vi rút Zika vẫn cao nhất TP là do địa phương có nhiều kênh rạch ô nhiễm; nhiều dự án đang thi công và chưa thi công; người dân chưa chịu hợp tác...
Theo bà Nga, 2 con rạch đang ô nhiễm nhất trên địa bàn quận này là rạch Xuyên Tâm và rạch Bà Láng. Mặc dù rạch Xuyên Tâm đã được địa phương cho nạo vét nhiều lần nhưng tình trạng vứt rác, phóng uế bừa bãi của người dân khiến cho con rạch này vẫn cứ ô nhiễm. Trong khi đó, địa bàn quận có đến hơn 140 dự án lớn nhỏ. Nhiều dự án đang bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm, nước đọng tràn langây phát sinh muỗi, lăng quăng.
Người dân chưa chịu hợp tác
Tại buổi giám sát về ứng phó dịch bệnh sốt xuất huyết và vi rút Zika của Ban Văn hóa xã hội - Hội đồng Nhân dân TP.HCM trên địa bàn quận Bình Thạnh vào chiều nay (16.11), lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh cho biết địa phương này đã huy động gần như toàn bộ các tổ chức, đoàn thể vào cuộc để tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh vi rút Zika. Từ chính quyền địa phương đến các tổ chức, đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Mặt trận tổ quốc... trực tiếp tham gia tuyên truyền phòng, chống vi rút Zika đến với người dân.
Bà Thái Hồng Nga cho biết toàn bộ 17 nghìn tờ rơi về phòng chống vi rút Zika được TP chuyển cho quận đã phát hết toàn bộ cho người dân. Ngoài ra địa phương còn photo thêm 84 nghìn tờ rơi về bệnh vi rút Zika để phát đến các hộ dân. Các tổ chức, đoàn thểphát động tổng vệ sinh vào các ngày thứ7, chủ nhật; đến từng nhà dân tuyên truyền về virút Zika; tổ chức phun xịt hóa chất...
“Tuy nhiên cứ mỗi lần nghe báo số ca mắc vi rút Zika ở quận tăng lên, tôi buồn lắm. Thực tế cái khó hiện nay là người dân chưa chịu hợp tác phun xịt hóa chất trong nhà, vì họ sợ mùi hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, một số nhà cao tầng, nhiều khu vực nước đọng ở sân thượng người dân không muốn cho chúng tôi tiếp cận để xử lý”, bà Nga chia sẻ.
Nhiều nhàdândọc theo khu vực con kênh này ẩm thấp, nhếch nhác
Chưa kiểm tra và có chế tài xử lý
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng trong thời điểm này quận Bình Thạnh cần dồn sức tập trung phòng chống vi rút Zika. “Việc khai thông cống rãnh, cắt cỏ là cần thiết để vệ sinh môi trường nhưng đây không phải là biện pháp để phòng, chống vi rút Zika. Địa phương phải tập trung diệt lăng quăng, diệt muỗi, phun xịt hóa chất trên diện rộng ở các điểm xảy ra ca bệnh và những nơi có nguy cơ”, ông Hưng đề nghị.
Bên cạnh đó, ông Hưng cũng chỉ ra điểm yếu trong công tác phòng chống dịch bệnh vi rút Zika khiến cho địa phương này có số ca mắc bệnhcao nhấtTP là do chưa có cơ chế kiểm tra, chế tài.
“Địa phương giao cho khá nhiều tổ chức, đoàn thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh vi rút Zika nhưng chưa kiểm tra kết quả thực hiện như thế nào, có đạt yêu cầu không. Nếu không đạt yêu cầu phải có hình thức xử lý nhưng điều này địa phương chưa làm được”, ông Hưng chỉ rõ.
Theo ông Hưng, dù số mẫu phát hiện nhiễm vi rút Zika trong những tuần gần đây có giảm nhưng tuần nào cũng có mẫu dương tính với vi rút Zika từ 3 đến 5 mẫu cho thấy, vi rút Zika đang lưu hành tại TP và có khả năng xuất hiện thêm nhiều ca mắc nữa.
Hiện có 13/ 24 quận – huyện có ca nhiễm vi rút Zika không có nghĩa các quận huyện khác không lưu hành vi rút Zika. Vì thực tế hiện nay có đến 80% bệnh nhân nhiễm vi rút Zika không có triệu chứng, bệnh tự khỏi nên không đi tầm soát, không phát hiện.
“Do đó số bệnh nhân nhiễm vi rút Zika thực tế hiện nay ở TP.HCM cao hơn nhiều so với con số báo cáo là 38 trường hợp. Số ca nhiễm vi rút Zika có thể còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới”, ông Hưng nói.
Ông Hưng cũng thừa nhận một thực tế hiện nay người dân ở TP hiểu biết về vi rút Zika thì nhiều nhưng số người hành động để phòng chống dịch bệnh này thì rất thấp, chỉ có khoảng 40% đến 50% trong số đó thực hiện. Người dân biết mà không thực hiện có nhiều nguyên nhân, trong đócó nguyên nhânchủ quan vì nghĩ không thể tới mình.
“Địa phương phải tích cực hướng dẫn, vận động người dân thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi... Nếu đã hướng dẫn, vận động mà người dân không thực hiệnthì xử lý nghiêm theo Nghi định 176. Chúng ta phải làm như thế mới có thể ngăn chặn được tình trạng dịch bệnh này”, ông Hưng đề nghị.
Hồ Quang