TP.HCM đã tiêm được hơn 6 triệu liều vắc xin; cơ bản xét nghiệm xong vùng đỏ, vùng cam; 150.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà; tổ chức 411 trạm y tế lưu động.

TP.HCM về cơ bản đã xét nghiệm xong vùng đỏ, vùng cam

Tú Viên | 30/08/2021, 20:56

TP.HCM đã tiêm được hơn 6 triệu liều vắc xin; cơ bản xét nghiệm xong vùng đỏ, vùng cam; 150.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà; tổ chức 411 trạm y tế lưu động.

Chiều 30.8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP. Phó Trưởng Ban Phòng chống dịch COVID-19 TP Phạm Đức Hải chủ trì buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết, về công tác an sinh xã hội, trong những ngày qua, TP đã hỗ trợ 2.181 tỉ đồng cho người dân bị ảnh hưởng dịch COVID -19 theo Nghị quyết 09 HĐND TP và Nghị quyết số 68/NQ-CP. Bên cạnh đó, đã vận chuyển hơn 1 triệu túi an sinh đến người dân bị ảnh hưởng dịch COVID -19. Về số người tử vong do COVID-19 tại TP đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể: ngày 22.8 số người tử vong là 340 người, đến 23.8 giảm xuống 292, ngày 24.8 là 266 và ngày 29.8 còn 245.

Thông tin về tình hình dịch bệnh, ông Phạm Đức Hải cho biết, đến 6 giờ ngày 30.8, TP có 210.425 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 209.980 nhiễm trong cộng đồng, 445 trường hợp nhập cảnh. Hiện có 40.133 người đang được điều trị. Trong ngày 29.8, có 2.372 bệnh nhân xuất viện, cộng dồn từ ngày 1.1.2021 là 107.216 người; 245 trường hợp tử vong trong ngày, cộng dồn số ca tử vong đến nay là 8.869. Về vắc xin, tổng số mũi tiêm đến ngày 29.8 là 6.123.510 mũi, tăng 258.234 mũi so với ngày 28.8.

Về công tác tiêm vắc xin, TP đã tiêm 6.123.510 liều vắc xin COVID-19, trong đó tổng số mũi 1 là 5.791.291, mũi 2 là 332.219, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 638.786 người.

Đối với đội ngũ giao hàng (shipper), Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải khẳng định: việc xét nghiệm cho shipper là miễn phí 100%. Thời gian xét nghiệm hàng ngày vào lúc 5 giờ đến 6 giờ sáng do lực lượng quân y thực hiện có 411 trạm y tế lưu động và 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP. Đội ngũ shipper ở quận, huyện nào đến quận, huyện đó đăng ký xét nghiệm. “Sở y tế cam kết sẽ phục vụ cho đội ngũ shipper”, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải nhấn mạnh.

hhhhh.jpeg
Lấy mẫu xét nghiệm CIVID-19 - Ảnh: Internet

Về tình hình tiếp nhận đối tượng cơ nhỡ, lang thang sinh sống nơi công cộng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết, từ ngày 23.8 đến 30.8, TP đã tiếp nhận 775 đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội. Đối với đối tượng nghiện ma túy, TP đã đưa 102 người nghiện vào cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy và Trung tâm Hỗ trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trả lời báo chí về túi thuốc điều trị cho F0, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, tổng số túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà có 3 loại túi gồm: túi A (thuốc hạ sốt và các loại thuốc nâng cao thể trạng bệnh nhân), túi B (thuốc kháng viêm, kháng đông) và túi C (thuốc kháng virus Molnupiravir).

Hiện Sở Y tế đã chuẩn bị được 150.000 túi thuốc A, B và đã giao 74.000 túi về các Trung tâm y tế quận, huyện để chuyển xuống các phường xã. 66.000 túi còn lại đang ở kho của Bệnh viện Nhi đồng 1 và sẵn sàng phục vụ nhu cầu của bệnh nhân F0.

“Túi thuốc A, B đảm bảo đầy đủ, thậm chí dư để cung ứng cho F0. Riêng túi thuốc C là chương trình nghiên cứu của Bộ Y tế nên TP.HCM chỉ được nhập 16.000 liều và không cung ứng đủ cho bệnh nhân F0 trên địa bàn TP.HCM. Dự kiến 1-2 ngày nữa, TPHCM sẽ được cung ứng thêm 34.000 liều, hy vọng đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân F0”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, phác đồ túi thuốc trong điều trị F0 của Sở Y tế chỉ là những thuốc cơ bản, nhưng chúng ta có thể cho thêm một số loại thuốc khác như thuốc đông dược, các loại vitamin, các sản phẩm dinh dưỡng… và thận trọng khi thêm kháng sinh vào trong các túi thuốc.

Bà Phong Lan cho biết, một số túi thuốc còn bổ sung thuốc ho, kháng sinh. Điều này là sai lầm, bởi kháng sinh sử dụng một cách bừa bãi sẽ dẫn gây lờn thuốc. Các F0 điều trị tại nhà, họ chưa có triệu chứng của suy hô hấp nhưng có thể sốt, ho thì sử dụng thuốc hạ sốt, thuốc tăng thể trạng, thuốc ho.

“Ngay cả đối với những trường hợp cảm cúm thông thường, chúng tôi cũng khuyến cáo bệnh nhân không nên sử dụng kháng sinh”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh và cho biết, có nhiều đơn vị, cá nhân, tổ chức chủ động ủng hộ các túi thuốc, thường thêm nhiều loại thuốc tăng cường thể trạng hoặc những nước xông hơi, xịt họng, vitamin, thuốc bổ… Tuy nhiên, có những thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng sinh thì phải có ý kiến chuyên môn một cách rõ ràng, kẻo có hại cho bệnh nhân.

Trao đổi thêm với các cơ quan báo chí, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết, trong 15 ngày qua, TP đã thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội. TP cơ bản đạt mục đích phòng chống dịch đã đề ra. Cụ thể, TP đã tiêm được hơn 6 triệu liều vắc xin; cơ bản xét nghiệm xong vùng đỏ, vùng cam; 150.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà; tổ chức 411 trạm y tế lưu động.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM về cơ bản đã xét nghiệm xong vùng đỏ, vùng cam