“Tuyệt đối không để người dân bệnh dẫn đến tử vong do thiếu thuốc, thiếu dung dịch cao phân tử cần thiết trong quá trình điều trị”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

TP.HCM: Tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết trước khi vào cao điểm

Tú Viên | 15/06/2022, 20:58

“Tuyệt đối không để người dân bệnh dẫn đến tử vong do thiếu thuốc, thiếu dung dịch cao phân tử cần thiết trong quá trình điều trị”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Chiều 15.6, Thành ủy TP.HCM tổ chức cuộc họp báo cáo tình hình và giải pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại thành phố do Bí thư Thành ủy TP.HCM chủ trì.

Ngành y tế TP.HCM đánh giá, hiện nay dịch ở giai đoạn đầu và theo dự báo từ các chuyên gia, đến giai đoạn cao điểm dịch sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Qua báo cáo thống kê dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM, cơ quan chuyên môn nhận định thành phố có số ca mắc và tử vong đang tăng cao; trong đó đối tượng mắc bệnh nằm trong nhóm nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, trẻ em có bệnh nền, trẻ em béo phì…

kkmml.jpeg
Ngành y tế TP.HCM sẽ tập huấn cho hơn 3.600 bác sĩ, điều dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh sốt xuất huyết - Ảnh: P.V

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, dịch sốt xuất huyết là dịch bệnh lưu hành hàng năm, gia tăng nhiều vào mùa mưa. Hiện nay không có bất thường khi chủng lưu hành phổ biến nhất là D1. Tuy nhiên, trong năm 2022, dịch bệnh có xu hướng gia tăng rõ rệt.

Đứng trước tình hình và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu TP.HCM phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch ở mức độ cao hơn trước khi dịch sốt xuất huyết vào giai đoạn cao điểm. Trong đó, toàn hệ thống chính trị TP.HCM phải xác định công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết là nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị quan trọng và thường xuyên.

Các cơ quan truyền thông phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đối với cơ quan ban ngành, các đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, ngành giáo dục, hệ thống chính trị cơ sở... ông Nên yêu cầu tập trung tuyên truyền theo chiều rộng gắn với tuyên truyền miệng một cách đồng bộ từ cấp thành phố đến cấp cơ sở, đặc biệt tuyên truyền đến từng hộ gia đình như đã từng tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 vừa qua.

Ông Nên nhấn mạnh phải diệt lăng quăng và muỗi kết hợp với tổng vệ sinh môi trường; đồng thời nhắc nhở các hộ gia đình nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh xung quanh nơi sinh sống. Cùng với đó, tổ chức các đoàn kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt nghiêm và công khai các trường hợp không thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh.

Đối với ngành y tế TP.HCM, vừa tham mưu và vừa tập huấn cho cả hệ thống y tế từ cấp cơ sở, y tế cộng đồng, các bệnh viện, trạm xá, nhất là các cơ sở y tế tuyến cuối để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng chống và điều trị bệnh.

Đồng thời, tăng cường hướng dẫn cho người dân biết cách xử lý khi mắc bệnh; phát hiện và nhận biết dấu hiệu bệnh chuyển nặng để kịp thời nhập viện điều trị, tránh tình trạng chuyển viện chậm dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, chuẩn bị các phương án, đáp ứng đầy đủ trang thiết bị y tế, thuốc men, dung dịch cao phân tử để điều trị cho người dân mắc bệnh sốt xuất huyết.

Bí thư Nguyễn Văn Nên lưu ý, tuyệt đối không được chủ quan với dịch bệnh sốt xuất huyết; phải chủ động ngăn chặn từ xa trước khi dịch có diễn biến xấu, phức tạp khó lường hơn; triển khai đồng loạt các giải pháp càng sớm càng tốt. Qua đó hạn chế thấp nhất những rủi ro và kiểm soát được khi dịch vào giai đoạn cao điểm.

“Tuyệt đối không để người dân bệnh dẫn đến tử vong do thiếu thuốc, thiếu dung dịch cao phân tử cần thiết trong quá trình điều trị”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Về dịch bệnh sốt xuất huyết, TP.HCM có số ca mắc, tử vong cao nhất trong số 20 tỉnh, thành phía Nam.

Cụ thể, tính đến ngày 9.6, số ca mắc tích lũy là hơn 39.000 ca, tăng hơn 87% so với cùng kỳ năm 2021. Quận, huyện có số ca mắc cao nhất là các quận Bình Tân, Tân Phú, quận 12 và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

Tính đến ngày 15.6, tại TP.HCM ghi nhận 9 ca tử vong, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 6 ca so với trung bình giai đoạn 2015-2020.

Bài liên quan
TP.HCM dôi dư hơn 1 nghìn cán bộ sau sáp nhập phường
Theo thống kê, trong số 3.137 cán bộ công chức, viên chức tại các địa bàn được sắp xếp sẽ chỉ còn 2.115 người được giữ lại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
1 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết trước khi vào cao điểm