Trục đường Lê Lợi (quận 1) sẽ tiếp nối trục đi bộ Nguyễn Huệ kết hợp với vòng xoay trước chợ Bến Thành hình thành quảng trường; đồng thời hình thành thêm trục đi bộ phủ xanh kéo dài từ khu Ba Son đến quảng trường trước chợ Bến Thành và công viên 23.9.

TP.HCM sẽ cải tạo vòng xoay chợ Bến Thành thành quảng trường

Phan Thị Diệu | 27/11/2019, 11:25

Trục đường Lê Lợi (quận 1) sẽ tiếp nối trục đi bộ Nguyễn Huệ kết hợp với vòng xoay trước chợ Bến Thành hình thành quảng trường; đồng thời hình thành thêm trục đi bộ phủ xanh kéo dài từ khu Ba Son đến quảng trường trước chợ Bến Thành và công viên 23.9.

Ngày 27.11, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biếtUBND TP đãduyệt nhiệm vụ tuyển chọn “ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành”.

Theo UBND TP.HCM, cuộc thi tuyển chọn “ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm nhà ga Bến Thành” nhằm lựa chọn ý tưởng thiết kế đô thị về không gian cảnh quan công cộng cho khu vực quảng trường trước chợ Bến Thành (quảng trường Quách Thị Trang cũ) và trục đường Lê Lợi.

Trong đó, việc thiết kế phải kết hợp, kế thừa phương án tổ chức không gian, cảnh quan trục đường Lê Lợi đã được đơn vị tư vấn Idom Ingeniería Consultoria S.A (Tây Ban Nha) thực hiện nghiên cứu rất khoa học trong cuộc thi “thiết kế ý tưởng về cảnh quan và bố cục không gian khu phố đi bộ trong khu trung tâm TP.HCM”.

Cuộc thi cũng nhằm lựa chọn ý tưởng thiết kế không gian ngầm trong khu vực gồm không gian ngầm bên dưới quảng trường trước chợ Bến Thành (bao gồm nhà ga Bến Thành và trung tâm thương mại ngầm), không gian thương mại ngầm dưới đường Lê Lợi (đoạn từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố), không gian thương mại ngầm dưới chợ Bến Thành (đi kèm giải pháp phương án kỹ thuật bảo vệ công trình chợ Bến Thành cần bảo tồn bên trên).

UBND TP.HCM cho rằng, chợ Bến Thành, trụ sở Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn là công trình kiến trúc có giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được bảo tồn. Khu vực vòng xoay Quách Thị Trang cũ sẽ được bố trí thành quảng trường công cộng, điểm nhấn cho cảnh quan khu vực, đồng thời cũng là điểm giao thông kết nối giữa đường Phạm Hồng Thái và đường Hàm Nghi.

Trục Lê Lợi sẽ trở thành trục thương mại với mật độ cao, dành nhiều không gian cho người đi bộ và sẽ tiếp nối trục đi bộ Nguyễn Huệ kết hợp với vòng xoay trước chợ Bến Thành hình thành quảng trường. Đồng thời, Thành phố sẽ mở rộng sang hướng Đông phía sau Nhà hát Thành phố, hình thành thêm trục đi bộ phủ xanh kéo dài từ khu Ba Son đến quảng trường trước chợ Bến Thành và công viên 23.9.

Công trình ngầm bên dưới quảng trường Quách Thị Trang gồm 4 tầng, trong đó tầng ngầm 1 (kết nối tầng ngầm bên dưới đường Lê Lợi) có chức năng là quảng trường ga trung tâm và khu trung tâm thương mại. Trông khi đó, tầng ngầm 2, 3 và 4 là các khu đón tàu, chuyển tàu và bộ phận kỹ thuật của nhà ga. Công trình ngầm bên dưới đường Lê Lợi, đoạn tiếp nối từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phốcó chức năng là trung tâm thương mại ngầm.

Về trung tâm thương mại ngầm Bến Thành, hồi tháng 10.2015, UBND TP.HCM đãchấp thuận cho Công ty Toshin Development và Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và bất động sản Sài Gòn Star nghiên cứu lập đề xuất và triển khai thực hiện dự án từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp. Cuối năm 2016, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý triển khai dự án, TP.HCM được giao nghiên cứu phương án vay toàn bộ nguồn vốn ODA.

Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành sẽ nằm dưới khu vực ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành (của tuyến metro số 1) và dọc trục đường Lê Lợi. Dự án trung tâm thương mại ngầm có 4 tầng hầm với diện tích khoảng 45.500m2, trong đó gồm khu vực phố đi bộ (21.620m2), quảng trường, cửa hàng mua sắm, vui chơi… (16.850m2) và các công trình phụ trợ.

Về cơ cấu đầu tư, UBND TP.HCM sẽ xây dựng lối đi công cộng, quảng trường và các công trình phụ trợ. Trong khi đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng và quản lý khu vực cửa hàng, khu giải trí... bằng hình thức đầu tư trực tiếp. Đồng thời, nhà đầu tư sẽ tham gia xây dựng một phần dự án công bằng nguồn vốn của mình theo hình thức BT…

Theo lãnh đạo của Công ty Toshin Development, mục đích của họ không chỉ là xây dựng một trung tâm thương mại, mà xa hơn là hướng đến một thành phố ngầm dưới lòng đất có quy mô lớn ở khu vực Đông Nam Á.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM sẽ cải tạo vòng xoay chợ Bến Thành thành quảng trường