Trong bối cảnh hàng loạt các chính sách phòng vệ thương mại được dựng lên nhằm ngăn chặn nguy cơ lẩn tránh thuế của các nước, đặc biệt từ Trung Quốc, thì việc Việt Nam liên tục nhập khẩu mạnh mặt hàng sắt thép giá rẻ từ quốc gia này đang là một tín hiệu rất đáng lo ngại.

Thép giá rẻ Trung Quốc vào Việt Nam và các nước ASEAN tăng đột biến

tuyetnhung | 26/11/2019, 06:05

Trong bối cảnh hàng loạt các chính sách phòng vệ thương mại được dựng lên nhằm ngăn chặn nguy cơ lẩn tránh thuế của các nước, đặc biệt từ Trung Quốc, thì việc Việt Nam liên tục nhập khẩu mạnh mặt hàng sắt thép giá rẻ từ quốc gia này đang là một tín hiệu rất đáng lo ngại.

Số liệu mới nhất được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 10 vừa qua đã có hơn 12,24 triệu tấn sắt thép các loại được nhập khẩu vào Việt Nam với kim ngạch nhập hơn 8,1 tỉ USD. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 2,95 tỉ USD, tương ứng khoảng 4,64 triệu tấn.

Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong tổng lượng sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam thì lượng thép có xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu về nhiều nhất, chiếm 42,4% trong tổng lượng và chiếm 39,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước. Tiếp đến là thép từ thị trường Hàn Quốc đứng thứ 2, chiếm 14,1% và Nhật Bản đứng thứ 3 chiếm 14% trong tổng kim ngạch.

Liên quan đến hoạt động nhập khẩu mặt hàng sắt thép trong thời gian gần đây, Hiệp hội Thép VN (VSA) cho hay ngành thép Việt Nam đã trở thành "tâm điểm" kiện phòng vệ thương mại của nhiều nước, đặc biệt sau khi thương chiến Mỹ - Trung bùng nổ. Theo đó, khả năng lẩn tránh thuế hòng chuyển tải bất hợp pháp một loạt các sản phẩm thép của Trung Quốc qua các nước ngày càng tăng mạnh.

Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian gần đây, không riêng gì thị trường Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia ASEAN đang có sự dư thừa về nguồn cung thép. Trong đó, lượng thép có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm số lượng khá lớn.

Cụ thể, theo dữ liệu mới công bố của Hiệp hội Thép thế giới, sản lượng thép thô toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất lịch sử 925,06 triệu tấn. Trong bối cảnh Trung Quốc tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sản lượng thép của quốc gia này tăng 9,9% lên 492,16 triệu tấn, vượt xa mức trung bình toàn cầu.

Chính vì nguồn cung thép thế giới đang dư thừa, trong khi Trung Quốc là một trong những quốc gia đóng góp sản lượng cao nên quốc gia này tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, tạo áp lực lên ngành sản xuất thép trong nước.

Một chuyên gia trong lĩnh vực thép phân tích, để thúc đẩy nền công nghiệp sản xuất sắt thép trong nước, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất sắt thép của nước này. Vì vậy, sau thời gian dài phát triển, Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu thép lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại với Mỹ đãkhiến cho thị trường xuất khẩu của nước này có phần bị hạn chế, thu hẹp lại, nên họ phải tìm cách đẩy nguồn cung dư thừa sang các quốc gia khác với giá cả rất cạnh tranh khiến cho nền sản xuất thép của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, bị ảnh hưởng ít nhiều.

"Điều này không chỉ đe dọa đến nền sản xuất sắt thép trong nước, mà đáng lo ngại hơn là nguy cơ lẩn tránh nguồn gốc, xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu đi nước khác. Đây mới là vấn đề không chỉ các doanh nghiệp trong ngành cần quan tâm,mà cơ quan quản lý phải có biện pháp phòng ngừa một cách hiệu quả hơn để bảo vệ nền sản xuất trong nước phát triển bền vững hơn", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Trong khi đó, với khối lượng sắt thép nhập khẩu lớn vào Việt Nam ngày càng nhiều, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng Tổng cục Hải quan cần công khai danh tính của công ty nào ở Việt Nam nhập khẩu số lượng hàng hóa này. "Chúng ta cần công khai và minh bạch mọi thứ trước khi phía cơ quan chức năng của Mỹ lên tiếng cảnh báo và vào cuộc. Bởi nếu Mỹ chứng minh được Việt Nam lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, lúc đó sẽ là tai họa lớn đối với nền kinh tế của ta", TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thép giá rẻ Trung Quốc vào Việt Nam và các nước ASEAN tăng đột biến