Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đánh giá, sau 16 giờ thực hiện việc tăng cường giãn cách xã hội đã đạt được hiệu quả tích cực, nhất là phương tiện giao thông giảm đáng kể, công tác tuyên truyền tốt.

TP.HCM sau 16 giờ thực hiện quy định “ai ở đâu ở yên đó” như thế nào?

Hồ Quang | 23/08/2021, 19:04

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đánh giá, sau 16 giờ thực hiện việc tăng cường giãn cách xã hội đã đạt được hiệu quả tích cực, nhất là phương tiện giao thông giảm đáng kể, công tác tuyên truyền tốt.

Phương tiện giao thông ra đường giảm đến 85%

Chiều 23.8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình thực hiện việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 kể từ 0 giờ ngày 23.8 với quy định “ai ở đâu ở yên đó”.

Theo ông Phạm Đức Hải – Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, thống kê của cơ quan công an cho thấy, tính từ 0 giờ đến 16 giờ ngày 23.8 số phương tiện giao thông, nhất là mô tô ra đường giảm khoảng 85% so với ngày 22.8. “Đây là một con số rất vui đối với TP trong việc thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19”, ông Hải nhấn mạnh.

tphcm-sau-16-gio-thuc-hein-ai-o-dau-o-yen-do-nhu-thenao-hin-anh(1).png
TP.HCM trong ngày đầu thực hiện "ai ở đâu ở yên đó"- Ảnh: PV 

Theo ông Hải, để đạt được kết quả trên, công tác tuyên truyền của các cơ quan truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng. Ông Hải đánh giá cao các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền đến người dân thực hiện văn bản số 2789/BCĐ-VX ngày 20.8 của UBND TP.HCM về tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 từ 0 giờ ngày 23.8 đến hết ngày 6.9.2021.

“Các cơ quan truyền thông đưa những hình ảnh từ sáng đến giờ tương đối là tốt. Những hình ảnh các chú bộ đội, công an, lực lượng vũ trang cung cấp thực phẩm đến tận nhà người dân, đưa túi an sinh kịp thời đến người dân, đi chợ giúp dân… là rất đẹp”, ông Hải nói. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông cần thông tin đầy đủ, đồng bộ. “Chúng ta phải xác định đây là việc thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch với phương châm triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt và hiệu quả. Trong đó, người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng chống dịch”, ông Hải nói.

Để cung cấp cho các cơ quan truyền thông liên tục, thường xuyên về công tác phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM, ông Hải cho biết, trước mắt Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM sẽ cung cấp thông cáo báo chí và tổ chức họp báo vào 16 giờ mỗi ngày.

Đề cập đến việc người dân cần mua thuốc, người dân mắc bệnh hoặc mắc COVID-19 trong thời gian TP.HCM thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, ông Hải cho biết, các tiệm thuốc tây vẫn mở cửa, nhưng người dân không được đi mua, vì để thực hiện nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội. Lúc này tổ công tác đặc biệt tại mỗi phường xã sẽ giúp người dân thực hiện việc mua thuốc.

Trong trường hợp người dân mắc các bệnh khác, không liên quan đến COVID-19 thì người dân cứ đến bệnh viện; còn nếu mắc COVID-19 thì liên hệ với tổ phản ứng nhanh hoặc trạm y tế lưu động (thành phố đang khẩn trương thành lập 400 trạm y tế lưu động) và trung tâm cấp cứu 115.

Riêng những bệnh nhân F0 chuyển biến nặng đã có 260 xe của công ty Phương Trang chuyển đổi công năng được phân về 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức. Những xe này sẽ đưa các F0 chuyển biến nặng đến những bệnh viện điều trị.

Có 5 thuận lợi để thực hiện việc tăng cường giãn cách xã hội

Ông Hải cho rằng, lần này TP.HCM thực hiện công điện số 1099/CĐ-TTg của Thủ tướng về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 có 5 thuận lợi: lực lượng được tăng cường; phương tiện được nhiều hơn; thuốc được nhiều hơn; hệ thống tổ chức cơ sở có kinh nghiệm hơn; tỷ lệ người tiêm vắc xin phòng COVID-19 đã nhiều hơn.

Trước khi Thủ tướng có công điện số 1099/CĐ-TTg về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, TP ban hành kế hoạch thực hiện xét nghiệm toàn bộ vùng xanh, vùng vàng; còn vùng cam, vùng đỏ chỉ xét nghiệm ở những nơi bị phong tỏa.

Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng có công điện trên, TP đã ban hành kế hoạch 2817 vào ngày hôm qua (22.8) đã có sự thay đổi. Theo đó, vùng xanh, vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ đều xét nghiệm hết.

“Như vậy, khi chúng ta xét nghiệm nhiều như thế, dự báo số F0 sẽ tăng. Lúc này, các trường hợp F0 phải hết sức bình tĩnh và liên hệ với trạm y tế lưu động, tổ phản ứng nhanh COVID-19… để được tư vấn. Trong trường hợp có điều kiện điều trị tại nhà thì điều trị tại nhà”, ông Hải nói và cho biết thêm: “Hiện nay Trường Đại học Y dược TP.HCM phối hợp với UBND quận 10 hỗ trợ điều trị F0 tại nhà với số lượng 2.200 người thì có đến 80% đã khỏi bệnh. Đây là điều mà các F0 phải tự tin, bình tĩnh điều trị tại nhà, không có điều gì lo lắng”.

Về tình hình tiêm vắc xin phòng COVID-19, ông Hải cho biết, trong ngày 22.8, số người được tiêm là 52.212 người. Như vậy, tính đến hết ngày 22.8, TP có đến 5.447.056 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Trong khi đó, trong 24 giờ qua (từ 18 giờ ngày 21 đến 18 giờ ngày 22.8), TP đã thực hiện xét nghiệm được 115.360 người.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM sau 16 giờ thực hiện quy định “ai ở đâu ở yên đó” như thế nào?