Đó là thông tin tại cuộc họp báo về phòng chống COVID-19 trên địa bàn TP.HCM vào chiều 26.8.
Tại cuộc họp báo, ông Lê Mạnh Hà, phó trưởng Phòng tham mưu cho biết Công an TP có quy định rõ việc đi tiêm vắc xin, đi tái khám, đi lấy thuốc nếu có lịch hẹn, có bệnh án, có thông tin đến ngày lấy thuốc chứng minh được ra đường cần thiết thì được di chuyển và không cần có giấy đi đường.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Công an TP.HCM không cấp giấy đi đường cho các phương tiện mà chỉ cung cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng, cá nhân thuộc diện được phép lưu thông.
Đối với các phương tiện vận chuyển thuốc men, vật tư y tế…, Công an TP đã có văn bản chỉ đạo các đối tượng, phương tiện chở bình oxy, thuốc men, vật tư y tế... phục vụ công tác chống dịch khi có đầy đủ giấy tờ chứng minh như giấy đăng ký kinh doanh, hợp đồng chuyên môn vận chuyển... thì được phép lưu thông không cần giấy tờ cá nhân. Với các cá nhân tái khám, có bệnh án, đến hạn lấy thuốc… chỉ cần đưa sổ tái khám thì được di chuyển, không cần giấy đi đường.
Chia sẻ tại cuộc họp báo, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết lượng xe lưu thông trên đường phố 3 ngày qua đã giảm 90% so với trước đó. Để tạo thuận lợi cho các đơn vị vận tải, ngày 25.8, Sở Giao thông vận tải TP.HCM tiếp tục có văn bản số 9438/SGTVT-KT thông tin thêm về công tác cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR. Trong đó hướng dẫn cụ thể về các đầu mối để các tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ (các đầu mối này sẽ chuyển về Sở GTVT - tất cả hồ sơ này sẽ chuyển về Sở GTVT qua phần mềm zalo hoặc phần mềm liên thông).
Sau khi nhận hồ sơ từ các đầu mối, Sở Giao thông vận tải sẽ giải quyết và trả kết quả trong vòng 24 giờ, phương thức trả qua phần mềm liên thông hoặc phần mềm zalo để các tổ chức, cá nhân in mã QR.
Đặc biệt, “đối với phương tiện chở hàng hóa là vật tư y tế do Sở Y tế là đầu mối, đề nghị Sở GTVT giải quyết trong thời gian 8 giờ (1 ngày làm việc); với phương tiện chở oxy: Sở GTVT giải quyết trong thời gian 4 giờ để có QR code”, ông Phan Công Bằng khẳng định.
Trả lời về việc cấp giấy đi đường cho các tổ chức thiện nguyện, bếp ăn từ thiện, ông Lê Mạnh Hà cho biết, hiện nay Công an TP nhận được rất nhiều yêu cầu cấp giấy đi đường cho các tổ chức này nhưng không thể giải quyết. Việc thiện nguyện mang tính chất nhỏ lẻ, di chuyển trên đường gây nguy cơ dịch bệnh, không đúng tinh thần giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó".
"Các tổ chức thiện nguyện trong thời gian này có thể liên hệ với Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ vận chuyển các suất ăn. Việc này cũng giúp các lực lượng kiểm soát, tránh tình trạng người làm thiện nguyện lợi dụng giấy đi đường lưu thông khi không cần thiết", ông Hà thông tin.