Sáng 5.8, phiên chất vấn kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục nóng với các vấn đề liên quan tới nhà ở, đất đai như việc chủ đầu tư đem chung cư thế chấp ngân hàng, cải tạo chung cư cũ, tình trạng phân lô, tách thửa...
Vấn đề “nhạy cảm”
Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi cho Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa về cách xử lý của thành phố với các dự án nhà ở mà chủ đầu tư đã mang thế chấp ngân hàng.
Đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa (quận 11) hỏi rằng việc cấp chủ quyền mua nhà tại các dự án đã thế chấp ngân hàng đến nay ra sao? Người dân rất muốn nghe ý kiến của UBND TP.HCM về vấn đề này.
Trả lời vấn đề này, ông Lê Văn Khoa nói rằng đây là vấn đề “nhạy cảm”, được người dân hết sức quan tâm, đặc biệt là những người đã bỏ tiền mua nhà chung cư nhưng bị chủ đầu tư thế chấp ngân hàng. Trên thực tế, thời gian qua, tại thành phố đã có tình trạng chủ đầu tư đem dự án thế chấp ngân hàng, ảnh hưởng đến việc cấp giấy chủ quyền cho người mua nhà.
Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo thành phố là nếu người dân đã bỏ tiền mua chung cư, thực hiện nghĩa vụ chính đáng của mình thì được đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng.
Do đó, để giảm thiệt thòi cho người mua nhà cũng như góp phần làm lành mạnh thị trường bất động sản, thành phố đã giao Sở TN&MT công khai 77 dự án có thế chấp ngân hàng để người dân và cơ quan quản lý biết. Thành phố cũng đã kiểm tra và xử lý 2 chung cư làBảy Hiền và Harmona.
Mặc dù vậy, ông Khoa nói bấy nhiêu đó chưa đủ, thế nên Thường trực UBND TP cùng Sở TN&MT sẽ tiếp tục nghiên cứu để minh bạch thêm các thông tin nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân và nhà đầu tư.
Hoàn tất việc kiểm định 474 chung cư cũ trong năm 2016
Trong khi đó, về chung cư cũ, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt (quận 3) đặt câu hỏi về công tác di dời tháo gỡ, cải tạo chung cư cũ hiện nay trên địa bàn thành phố.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết cải tạo chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp để lo chỗ ở cho người dân nằm trong chương trình chỉnh trang đô thị của thành phố. Qua khảo sát, thành phố hiện có 474 chung cư hư hỏng cần xử lý.
Theo ông Khoa, cải tạo chung cư cũ, hư hỏng là vấn đề cần thiết, thế nhưng việc thực hiện rất khó khăn. Bởi lẽ, trước khi tháo gỡ, cải tạo các chung cư này thì thành phố phải chuẩn bị chỗ ở tạm, chỗ di dời cho người dân.
Lãnh đạo thành phố cũng đã làm việc với Thủ tướng và được Thủ tướng đồng ý cho phép TP.HCM chọn lựa nhà đầu tư để tháo dỡ, cải tạo chung cư cũ. Vì vậy, Thành ủy và UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2016, TP.HCM sẽ hoàn tất việc kiểm định 474 chung cư cũ, xuống cấp. Hết nhiệm kỳ 2016-2021, thành phố sẽ tháo gỡ 50% chung cư hư hỏng.
Trong phần chất vấn, đại biểu Nhựt cũng thông tin thêm về chung cư lô A và lô B2 ở 590 đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Chung cư này được đưa vào sử dụng từ năm 2008, tuy nhiên đến nay chủ đầu tư vẫn chưa tổ chức hội nghị chung cư để bầu Ban quản trị. Chưa kể, theo thiết kế và quy hoạch, chung cư này có trường mẫu giáo nhưng khi xây dựng thì chủ đầu tư không thực hiện. Đặc biệt, 10 năm nay, 220 hộ dân ở chung cư này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở.
Đối với vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP nói đã giao Giám đốc Sở Xây dựng cùng với UBND quận 3 kiểm tra và sẽ báo cáo với UBND TP về hướng xử lý.
Nếu cần, sẽ có văn bản thay thế quyết định 33
Về tình hình phân lô, tách thửa trên địa bàn thành phố theo quyết định 33/2014 của UBND TP.HCM, ông Lê Văn Khoa nói rằng quyết định này ra đời đã đáp ứng được nhu cầu tách thửa của người dân. Thế nhưng, khi áp dụng vào thực tế lại xuất hiện mặt trái là tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan.
Theo ông Khoa, nguyên nhân dẫn tới mặt tiêu cực này là do sự quản lý của các cơ quan, đặc biệt là quận huyện chưa được chặt chẽ. Nhiều địa phương đã buông lỏng quản lý.
Như vậy, quyết định 33 bản chất đúng đắn, nhưng lại sai ở chỗ quản lý lỏng lẻo. Để xử lý vấn đề trên, thành phố sẽ tích cực chỉ đạo các sở, ngành và UBND quận, huyện nghiên cứu, bổ sung quyết định này. Nếu cần, thành phố sẽ thay thế bằng một văn bản khác, vừa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân vừa khắc phục được những hạn chế của văn bản trước.
Phan Diệu