Những hộ gia đình, chủ nguồn thải không phân loại rác và chuyển giao đúng nhóm chất thải theo quy định, sau khi đã nhắc nhở nhiều lần, đơn vị thu gom sẽ thông báo cho chính quyền địa phương biết để xử lý theo quy định.

TP.HCM: Không phân loại rác có thể bị phạt đến 20 triệu đồng

Phan Diệu | 16/11/2018, 20:50

Những hộ gia đình, chủ nguồn thải không phân loại rác và chuyển giao đúng nhóm chất thải theo quy định, sau khi đã nhắc nhở nhiều lần, đơn vị thu gom sẽ thông báo cho chính quyền địa phương biết để xử lý theo quy định.

Đây là quy định mới về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố vừa được UBND TP.HCM ban hành.

Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại trước khi tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người.

Cụ thể, chất thải rắn được phân thành 3 nhóm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) và chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

Chất thải rắn phải được lưu chứa trong túi rác, thùng rác, đảm bảo vệ sinh môi trường, không quy định màu sắc. Thành phố cũng khuyến khích người dân sử dụng túi có màu trắng, màu xanh để chứa chất thải hữu cơ và màu sắc khác (trừ màu trắng, màu xanh) để chứa chất thải còn lại. Đồng thời, sử dụng thùng rác chuyên dùng của các nhà sản xuất có màu xanh để chứa chất thải hữu cơ và thùng rác có màu xám để chứa chất thải còn lại.

Túi chứa chất thải hữu cơ hoặc túi chứa chất thải còn lại được phân biệt bằng các hình thức như: dán nhãn, ghi dòng chữ trên túi, màu sắc túi hoặc đánh dấu để nhận biết trước khi chuyển đến điểm tập kết hoặc giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển.

Đối với nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (hay còn gọi là phế liệu), hộ gia đình, chủ nguồn thải có thể bán hoặc cho các tổ chức, cá nhân thu mua phế liệu hoặc các tổ chức, cá nhân thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Trường hợp không bán hoặc cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu thì chủ nguồn thải, hộ gia đình bỏ chung với thùng chứa rác còn lại.

Chất thải hữu cơ sẽ được tổ chức thu gom vào các ngày thứ hai, tư, sáu, chủ nhật trong tuần. Chất thải còn lại sẽ được tổ chức thu gom vào các ngày thứ ba, năm, bảy trong tuần.

Ngoài ra, TP.HCM cũng khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thân thiện với môi trường.

Các hộ gia đình, cá nhân có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải có trách nhiệm tự trang bị túi, thùng để phân loại, chứa chất thải rắn phát sinh hàng ngày. Cạnh đó, thực hiện ký hợp đồng chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại theo quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên thành phố…

Với những hộ gia đình, chủ nguồn thải không phân loại rác và chuyển giao đúng nhóm chất thải theo quy định, sau khi đã nhắc nhở nhiều lần, đơn vị thu gom sẽ thông báo cho chính quyền địa phương biết để xử lý theo quy định. Quy định này có hiệu lực từ ngày 24.11.2018.

Trước đó, vào tháng 11.2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, có quy định sẽ phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, bình quân một ngày TP.HCM thu gom và xử lý 10.334 tấn rác. Hiện tại, thành phố có 4 đơn vị xử lý rác hiện hữu là Công ty cổ phần VietStar, Công ty TNHH Tâm Sinh Nghĩa, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM.

Đáng chú ý, mỗi năm TP.HCM phải chi khoảng 4.000 tỉ đồng để thu gom rác thải, trong đó có gần 1.200 tỉ đồng dành cho việc xử lý nước thải sinh hoạt, 700 tỉ đồng chi cho việc quét rác, 88 tỉ đồng chi cho việc phân loại rác tại nguồn, 1.800 tỉ đồng chi cho khâu xử lý rác thải… Mặc dù kinh phí dành cho việc thu gom rác thải khá cao song hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Không phân loại rác có thể bị phạt đến 20 triệu đồng