TP.HCM bắt đầu vào mùa mưa, với các cơn mưa lớn khiến nhiều tuyến đường đang bị ngập nặng. Tuy nhiên, tình trạng xử lý lấn chiếm hệ thống thoát nước vẫn diễn ra rất chậm và tỷ lệ xử lý vẫn chưa nhiều.

TP.HCM: Hệ thống thoát nước bị lấn chiếm, chống hoài vẫn… ngập

Phan Diệu | 30/05/2017, 05:39

TP.HCM bắt đầu vào mùa mưa, với các cơn mưa lớn khiến nhiều tuyến đường đang bị ngập nặng. Tuy nhiên, tình trạng xử lý lấn chiếm hệ thống thoát nước vẫn diễn ra rất chậm và tỷ lệ xử lý vẫn chưa nhiều.

Xử lý lấn chiếm kênh rạch còn rất chậm

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, hiện tại TP.HCM có 22 tuyến đường ngập do mưa. Trong số này, có nhiều tuyến ngập trên dưới 2 giờ mới rút, nhiều tuyến ngập do mưa lớn và ngập do rác thải nhiều bít hệ thống thoát nước.

Mặc dù nhiều tuyến đường đang bị ngập nặng nhưng tình trạng xử lý lấn chiếm hệ thống thoát nước vẫn diễn ra rất chậm và tỷ lệ xử lý vẫn chưa nhiều.

Cụ thể, về lấn chiếm kênh rạch, tính đến đầu năm 2017, TP còn 67 vị trí kênh rạch bị lấn chiếm, đã xử lý 7 vị trí, còn 60 vị trí đang tiếp tục xử lý.

TP đang có 88 tuyến cống bị lấn chiếm với chiều dài 13.841km và 392 hầm ga. Thế nhưng, đến nay TP mới khắc phục 5 vị trí, còn 83 vị trí đang phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục xử lý. Trong số 97 vị trí lấn chiếm hầm ga, TP mới khắc phục 12 vị trí.

Đáng lưu ý, trên địa bàn còn 53 vị trí lấn chiếm cửa xả bị lấn chiếm, làm hạn chế khả năng thoát nước mưa. Trung tâm chống ngập và các địa phương mới xoá được 2 vị trí, còn 51 vị trí cửa xả bị xâm hại.

Hiện tại, TP.HCM bắt đầu vào mùa mưa, với nhiều cơn mưa lớn. Do đó, công tác khắc phục các vị trí ảnh hưởng do thi công dự án, các vị trí lấn chiếm kênh rạch, tuyến cống, hầm ga, cửa xả bị lấn chiếm cần tập trung làm tốt hơn.

Để xử lý các trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước, đại diện Trung tâm Chống ngập nói rằng đang tiếp tục phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc tiến độ khắc phục các vị trí lấn chiếm.

Trong thời gian chưa hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm, TP đã tập trung đầu mối về tổ chức, bộ máy để thực hiện công tác quản lý, duy tu hạ tầng thoát nước đô thị, kết nối, mở hướng thoát nước, tăng khả năng thu nước cục bộ…

Đồng thời, TP đã cho vận hành đồng bộ 5 cống kiểm soát triều lớn tại Bình Triệu, Bình Lợi, Rạch Lăng, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè để góp phần xóa giảm ngập cho các khu vực.

Đánh giá về tình trạng này, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa nói rằng việc xử lý lấn chiếm hệ thống thoát nước chuyển biến quá chậm. Vì vậy, ông Khoa đề nghị các quận huyện và Trung tâm chống ngập TP phải phối hợp tính toán và đề ra lộ trình thực hiện cụ thể, không thể để kéo dài tình trạng lấn chiếm này vì nó là nguyên nhân gây ngập cho TP.

Hạn chế tối đa thiệt hại do ngập nước

Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do ngập nước gây ra trong mùa mưa bão, UBND TP.HCM đã yêu cầu các quận huyện phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình Chống ngập nước TP hoàn tất công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước trước ngày 15.6, nhất là đối với các trục đường chính có mật độ lưu thông cao, cơ sở công cộng.

Bên cạnh đó, cơ quan này phải thành lập các tổ ứng cứu khẩn cấp để giải quyết kịp thời tình trạng ngập úng cho từng khu vực, hạn chế thấp nhất thiệt hại và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Không những vậy, Trung tâm Chống ngập cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xóa, giảm các điểm ngập trên địa bàn TP cũng như công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ hệ thống thoát nước, không xả rác vào hệ thống thoát nước, không lắp chặn các miệng thu nước…

Trong khi đó, UBND các quận huyện có nhiệm vụ tháo dỡ ngay các chướng ngại vật xây dựng trái phép tại các vị trí giữa lòng đường và bó vỉa của các tuyến đường trên địa bàn TP; tổng kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các trường hợp xâm lấn, lấn chiếm trái phép các vị trí miệng cửa xả, hệ thống kênh rạch.

UBND TP giao Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm phân luồng giao thông khi có sự cố trong mưa, bão hoặc cấm đường trong trường hợp có sự cố nghiêm trọng; tăng cường tuần tra, kịp thời phát hiện và khắc phục các sự cố trên hệ thống cầu, đường bộ, chiếu sang.

Đặc biệt, các địa điểm, khu vực có nguy cơ sạt lở cao như: khu vực huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, quận 9, quận Bình Thạnh, quận 12, quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn cần phải được chú trọng.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng cần hoàn chỉnh phần mềm dự báo khu vực, tuyến đường sẽ bị ngập và báo những khu vực, tuyến đường đang bị ngập; đồng thời hoàn thành công trình hệ thống thoát nước trên tuyến An Dương Vương do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư vào tháng 9.2017.

Sở Xây dựng được giao tổ chức kiểm tra các trang thiết bị bơm nước ở tầng hầm của các tòa nhà, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ ngập cao; hướng dẫn chủ tòa nhà sơ đồ thoát nước, cách thức ngăn chặn nước tràn vào hầm.

UBND TP cũng yêu cầu chủ đầu tư các công trình xây dựng có hạng mục thoát nước khẩn trương hoàn thành các công trình nạo vét sông kênh rạch trên địa bàn TP đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; tổng kiểm tra hệ thống rào chắn, biển báo thuộc phạm vi công trình nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa.

Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành công trình lắp đặt hệ thống thoát nước trên đường Hồng Bàng và đường Mai Xuân Thưởng trước ngày 15.6.2017 để giải quyết 5 điểm ngập nước trên đường Hậu Giang, Lê Quang Sung, Cao Văn Lầu, Mai Xuân Thưởng và Hồng Bàng.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Hệ thống thoát nước bị lấn chiếm, chống hoài vẫn… ngập