Hiện tại, hàng chục ngàn căn hộ tại TP.HCM bị “treo” sổ hồng vì nghẽn ở khâu tính tiền sử dụng đất khiến doanh nghiệp và khách hàng điêu đứng. Việc tắc tiền sử dụng đất cũng khiến ngân sách thất thu, doanh nghiệp chịu cảnh "bội tín" với khách hàng.

TP.HCM: Doanh nghiệp kêu cứu vì hàng chục ngàn căn hộ bị ‘treo’ sổ hồng

Phan Thị Diệu | 10/09/2020, 22:01

Hiện tại, hàng chục ngàn căn hộ tại TP.HCM bị “treo” sổ hồng vì nghẽn ở khâu tính tiền sử dụng đất khiến doanh nghiệp và khách hàng điêu đứng. Việc tắc tiền sử dụng đất cũng khiến ngân sách thất thu, doanh nghiệp chịu cảnh "bội tín" với khách hàng.

Thông tin này được nhiều doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo "Tắc tiền sử dụng đất" tổ chức ngày 10.9.

Doanh nghiệp, khách hàng bức xúc vì không được cấp sổ

Tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết việc tắc tiền sử dụng đất khiến hàng chục ngàn căn hộ bị “treo” sổ hồng là vấn đề bức xúc của khách hàng lẫn doanh nghiệp thời gian qua. Số liệu thống kê của HoREA cho thấy hiện có đến 11 doanh nghiệp với 44 dự án gồm hơn 22.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng. Điều này đồng nghĩa với 22.000 hộ gia đình bức xúc.

Ông Châu nói rằng HoREA đã đề xuất tháo gỡ khó khăn nhưng quy trình sử dụng tính tiền đất phải qua rất nhiều khâu và việc tắc tiền sử dụng đất có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, có một điểm chung là hồ sơ trình lên Sở Tài nguyên - Môi trường (Sở TN-MT) xin được cấp sổ hồng hiện đều giải quyết rất chậm.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Sơn Kim Land nói rằng thời gian qua cư dân chung cư Gateway Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) phải kêu trời vì chậm cấp sổ hồng. Năm 2016, chung cư này đã được nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng. Từ năm 2018, doanh nghiệp đã có hàng loạt văn bản gửi Sở TN-MT đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho khách hàng, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Việc chưa được cấp sổ hồng dẫn đến bức xúc của hàng trăm khách hàng tại dự án này.

“Doanh nghiệp sống được nhờ khách hàng và nhu cầu cấp sổ hồng của cư dân là nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Bản thân tôi cũng đi mua chung cư mà chưa được cấp sổ hồng thì rất bức xúc, trong khi vướng mắc là từ phía cơ quan chức năng. Vì vậy, rất mong cơ quan chức năng ưu tiên cấp sổ hồng cho cư dân”, ông Sơn nhấn mạnh.

Mất 5 - 7 năm vẫn chưa được thông qua giá đất

Ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cũng cho biết doanh nghiệp này có 13 dự án, tương đương 8.791 căn hộ chưa được Sở TN-MT cấp sổ hồng vì hầu hết bị vướng ở khâu xác định tiền sử dụng đất. Trước đây, khâu tính tiền sử dụng đất do Sở Tài chính phụ trách theo Luật Đất đai 2003. Thế nhưngsau năm 2014, Luật Đất đai 2013 và Nghị định 44 quy định công tác này được giao Sở TN-MT lập kế hoạch định giá đất cụ thể và tổ chức thực hiện việc xác định giá đất. Đây là điểm “tắc nghẽn” khiến nhiều chung cư không được cấp sổ.

“Nếu với các dự án bất động sản thực hiện ngoài TP.HCM, trung bình chỉ mất 3 - 4 tháng đã có kết quả thẩm định và phương án tính tiền sử dụng đất thì tại TP.HCM, hầu hết hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết xong hoặc bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng. Quá trình thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian, doanh nghiệp phải từ 3 năm mới nộp được tiền sử dụng đất. Thậm chínếu doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất trước khi công nhận, chủ đầu tư cũng mất đến 5 - 7 năm vẫn chưa được thông qua phương án giá đất”, ông Dũng thông tin.

Theo ông Dũng, việc chậm trễ thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất dẫn đến việc chưa cấp sổ hồng được cho cư dân là lỗi xuất phát từ cơ quan thẩm quyền, không phải do lỗi của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp đang phải gánh chịu trách nhiệm, thiệt hại nặng nề. Đó là sự “bội tín” bất đắc dĩ với khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu đã gầy dựng trên thị trường, vướng các tranh chấp, kiện tụng không đáng có.

Do vậy, ông Dũng nói rằng UBND TP.HCM cần đặc biệt quan tâm, xem xét, có chỉ đạo quyết liệt đến các sở ngành nhanh chóng hoàn tất thủ tục thẩm định, xác định tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Thành phố cũng cần có sự cải tổ thủ tục hành chính, ban hành chi tiết khung cơ chế thẩm định, xác định tiền sử dụng đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động nộp tiền, tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM.

UBND TP.HCM cũng cần xem xét, chỉ đạo Sở TN-MT, cơ quan ban ngành mạnh dạn giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp, linh hoạt, ưu tiên cấp sổ hồng cho người mua nhà ở.

Không chỉ tắc ở khâu tính tiền sử dụng đất

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Trần Văn Thạch, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM thừa nhận công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho các dự án trên địa bàn thành phố thời gian qua bị tắc nghẽn khá dài. Trong đó, vướng mắc chủ yếu là do chưa có bộ quy tắc về tiêu chí và phương án thẩm định giá đất.

Tuy nhiên, ông Thạch nhìn nhận những vướng mắc phổ biến của các dự án nhà ở trong quá trình cấp sổ hồng không chỉ ách tắc ở khâu tính tiền sử dụng đất mà còn nằm ở nghĩa vụ bổ sung hoặc là vướng đất công xen cài, vướng tài sản có nguồn gốc công sản...

Nếu dự án làm bài bản, đấu giá, tính tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính đã hoàn tất thì quá trình cấp sổ hồng diễn ra bình thường. Tuy nhiên, do có quá nhiều luật liên quan điều chỉnh và thực tế các dự án trong quá trình triển khai cũng phát sinh thêm nhiều công đoạn nên phải mất thời gian bổ sung hồ sơ pháp lý.

Theo thống kê của Sở TN-MT, 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan này đã giải quyết được vướng mắc của 38 dự án và sắp tới khoảng 50 dự án sẽ trình UBND TP.HCM để thông qua. Trong danh mục bị vướng còn khoảng hơn 300 dự án. Do vậy, với những trường hợp vướng mắc trong phạm vi TP.HCM xử lý được thì các sở ngành đều có tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM hướng giải quyết. Còn những trường hợp vượt thẩm quyền của thành phố sẽ phải kiến nghị ra trung ương.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
21 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Doanh nghiệp kêu cứu vì hàng chục ngàn căn hộ bị ‘treo’ sổ hồng