Tối 1.10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố cấu trúc và yêu cầu đánh giá của đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2025-2026.
Giáo dục

TP.HCM công bố cấu trúc đề thi 3 môn vào lớp 10 năm 2025

Ánh Dương 01/10/2024 22:23

Tối 1.10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố cấu trúc và yêu cầu đánh giá của đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2025-2026.

Đây là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập giữ nguyên 3 môn thi bắt buộc tương tự các năm trước là Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ.

Ở môn Ngữ văn, câu hỏi đọc hiểu có nguồn trích dẫn là ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Văn bản được trích dẫn thuộc một trong hai loại là văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin. Tổng độ dài của các ngữ liệu trong đề thi không quá 1.300 chữ.

Ở phần viết đoạn văn (khoảng 200 chữ), thí sinh thực hiện một trong hai yêu cầu cần đạt sau: viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ hoặc một đoạn thơ hoặc viết đoạn văn phân tích nội dung chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và hiệu quả thẩm mỹ của tác phẩm.

z5803623213740_a50fd755963a5df0fa97096fd3a41f3f.jpg
Kỳ thi lớp 10 năm học 2024-2025 là lần đầu tiên áp dụng theo Chương trình GDPT 2018 - Ảnh: Ánh Dương

Ở phần viết bài văn, thí sinh thực hiện một trong hai yêu cầu cần đạt sau: viết bài văn nghị luận về một vấn đề của đời sống, trình bày rõ vấn đề và ý kiến (đồng tình hay phản đối) của người viết về vấn đề đó, nêu được lý lẽ và bằng chứng thuyết phục hoặc viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết, trình bày giải pháp khả thi và có sức thuyết phục.

Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn gồm 2 phần. Cụ thể, phần 1 (5,0 điểm): đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn. Trong đó, câu 1 (3,0 điểm) là đọc hiểu và câu 2 (2,0 điểm) yêu cầu viết đoạn văn. Phần 2 (5,0 điểm): đọc hiểu văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin và viết bài văn nghị luận xã hội. Trong đó, câu 1 (1,0 điểm) là đọc hiểu và câu 2 (4,0 điểm) yêu cầu viết bài văn nghị luận xã hội.

Căn cứ đánh giá bài làm của thí sinh là các yêu cầu cần đạt về đọc hiểu và viết trong Chương trình GDPT 2018, môn Ngữ văn cấp THCS, chủ yếu là kiến thức lớp 8 và lớp 9.

Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý, đề thi có 1 câu hỏi về tiếng Việt trong phần đọc hiểu văn bản văn học. Đề thi được xây dựng theo định hướng tích hợp giữa đánh giá năng lực đọc hiểu và năng lực viết, nội dung trong phần viết có liên quan đến văn bản.

Cụ thể, ở năng lực đọc hiểu văn bản văn học, cấp độ nhận biết chiếm tỷ lệ 5%, cấp độ thông hiểu tỷ lệ 15% và yêu cầu vận dụng chiếm 10%. Với năng lực đọc hiểu văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin, không có câu hỏi mức độ nhận biết, mức độ thông hiểu chiếm tỷ lệ 10%.

Với năng lực viết, tỷ lệ đánh giá là 20% đối với đoạn văn nghị luận văn học hoặc đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ, đoạn thơ. Trong khi đó, bài văn nghị luận xã hội chiếm tỷ lệ 40% đề thi.

Ở môn Toán, các mạch kiến thức gồm: hình học và đo lường; số và đại số; thống kê và xác suất. Nội dung kiểm tra nhằm mục đích đánh giá các năng lực toán học: tư duy và lập luận toán học; giải quyết vấn đề toán học; mô hình hóa toán học.

Đề thi nhằm đánh giá khả năng học sinh vận dụng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề thực tế, khuyến khích tăng cường việc tự học, sáng tạo, tránh tình trạng học tủ, học vẹt.

Ở môn Tiếng Anh, đề thi tuyển sinh đánh giá năng lực ngôn ngữ không chỉ dựa trên kiến thức thuộc lòng ngữ pháp và từ vựng của học sinh mà phải đánh giá được khả năng hiểu và vận dụng kiến thức ngôn ngữ vào ngữ cảnh phù hợp, đặc biệt là các tình huống thực tế cuộc sống.

Cụ thể, ở phần kiểm tra kiến thức ngữ âm, đề thi gồm các câu hỏi cách phát âm các nguyên âm và phụ âm cơ bản, cách đặt dấu nhấn từ cho đúng.

Ở phần từ vựng và ngữ pháp, đề thi đa dạng các loại hình từ vựng, ngữ nghĩa từ theo khung chương trình; các điểm ngữ pháp theo khung chương trình giao tiếp, liên hệ tình huống thực tế. Trong đó, văn bản đọc hiểu có độ dài 180 - 200 chữ, riêng văn bản điền khuyết có độ dài 80 - 100 chữ.

Ở phần viết câu, đề thi gồm các yêu cầu viết đúng hình thức từ để hoàn thành câu có nghĩa phù hợp; viết câu đơn giản dựa trên thông tin cho sẵn; viết câu sử dụng khả năng về cấu trúc ngữ pháp, kết hợp từ…

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, đề cập việc chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đầu cấp THPT, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhấn mạnh việc thi tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng đánh giá năng lực học sinh với TP.HCM không mới vì suốt 10 năm qua, từ năm 2014 đến nay, TP.HCM đã kiên định thực hiện theo mục tiêu này.

Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục kiên định thực hiện đổi mới đề thi theo định hướng đánh giá năng lực học sinh, song sẽ được TP.HCM thể hiện rõ nét hơn, theo đúng định hướng của Chương trình GDPT 2018.

Ông Hiếu cho biết, năm học mới, Sở GD-ĐT TP sẽ tăng cường chỉ đạo việc dạy học, kiểm tra đánh giá bậc THCS, đảm bảo đồng bộ, nhất quán, theo đúng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt, Sở sẽ thực hiện so sánh đánh giá đầu ra ở bậc THCS theo yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018. Kết thúc năm lớp 9, ở từng môn học, học sinh sẽ đạt được những yêu cầu cần đạt nào mà chương trình mới đặt ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM công bố cấu trúc đề thi 3 môn vào lớp 10 năm 2025