Từ ngày 1.1 đến ngày 1.11.2022 trên địa bàn TP.HCM có 22 doanh nghiệp đã gửi phương án sắp xếp lại lao động, trong đó có 8 doanh nghiệp nhà nước, 12 doanh nghiệp FDI với tổng số lao động phê duyệt là 1.643 người.
Ông Nguyễn Văn Lâm – Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh – Xã hội TP.HCM thông tin như thế về tình hình cắt giảm lao động của các doanh nghiệp tại cuộc họp báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 2 tháng cuối năm 2022 và công tác phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM vào chiều 3.11.
Theo ông Lâm, các doanh nghiệp cho thôi việc đối với người lao động phải thực hiện theo quy định tại Khoản 6, Điều 42 của Bộ luật Lao, đó là các doanh nghiệp phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động và thông báo trước 30 ngày với UBND cấp tỉnh và cho người lao động.
“Hiện tượng các doanh nghiệp trên địa bàn TP cho người lao động thôi việc mới xảy ra trong thời gian gần đây. Qua thống kê từ ngày 1.1 đến ngày 1.11.2022, TP có 22 doanh nghiệp gửi phương án sắp xếp lại lao động, trong đó có 8 doanh nghiệp nhà nước, 12 doanh nghiệp FDI với tổng số lao động phê duyệt là 1.643 người. Đây là những doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực may gia công, công nghệ thông tin, kinh doanh bảo hiểm”- ông Lâm thông tin.
Liên quan đến tình hình lao động trên địa bàn TP, ông Lâm cho biết, trong ngày hôm qua (2.11) Sở Lao động Thương binh – Xã hội đã làm việc với Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM, Liên đoàn lao động, Ban quản lý khu chế xuất – khu công nghiệp, Ban quản lý khu công nghệ cao, và các cơ quan chuyên môn của ngành lao động để tiến hành rà soát .
Qua khảo sát 234 doanh nghiệp có số lao động từ 200 người trở lên ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cho thấy, có 109 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với hơn 3.700 lao động; 125 doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng lao động; 8 doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động; 83 doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng.
Đối với các doanh nghiệp làm việc ở khu công nghệ cao duy trì khoảng 51.000 đến 53.000 lao động. “Các doanh nghiệp ở đây hoạt động ổn định, không phát sinh tình trạng thiếu hụt lao động”- ông Lâm nói.
Về phương án giải quyết thiếu hụt lao động ở các doanh nghiệp, ông Lâm cho biết, Sở đã chỉ đạo Trung tâm giải quyết việc làm tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp thiếu hụt lao động để có phương án kết nối giữa doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với ngành nghề phù hợp để tổ chức lại lao động.
“Chúng tôi đã thống nhất đề xuất thành lập tổ liên ngành để khảo sát lại nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh ở các đơn vị thiếu hụt lao động, hoặc nơi có đơn hàng bị cắt giảm trong quý 4.2022 và những tháng của quý 1.2023 để các bên có phương án xử lý lao động cụ thể. Hiện Liên đoàn lao động TP cũng đã có phương án xử lý trong tình huống có người lao động nghỉ việc tại các doanh nghiệp”- ông Lâm cho biết thêm.