Ngày 12.5, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai đề án "Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam" (gọi tắt là chương trình tích hợp) cho các trường công lập tại TP.HCM. Sau một học kỳ thử nghiệm, lãnh đạo các trường tán thành việc mở rộng chương trình tích hợp trong năm học 2015-2016.

TP.HCM chương trình tích hợp năm 2015-2016: Nhiều băn khoăn

Một Thế Giới | 13/05/2015, 17:31

Ngày 12.5, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai đề án "Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam" (gọi tắt là chương trình tích hợp) cho các trường công lập tại TP.HCM. Sau một học kỳ thử nghiệm, lãnh đạo các trường tán thành việc mở rộng chương trình tích hợp trong năm học 2015-2016.

Hơn 50 trường tham gia
Từ học kỳ II năm học 2014- 2015, TP.HCM triển khai chương trình tích hợp cho 18 trường tiểu học và THCS với khoảng 600 học sinh ở hai lớp đầu cấp (lớp 1 và lớp 6) thuộc các quận 1,2,5 theo nhu cầu và sự đăng ký của phụ huynh học sinh (PHHS).
Ông Lê Duy Tân,Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Chương trình được biên soạn tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT cho ba môn toán, tiếng Anh và khoa học (lý, hóa, sinh). Giáo viên (GV) bản ngữ được tập huấn về phương pháp giảng dạy tích hợp nội dung và ngôn ngữ trực tiếp giảng dạy những môn này. HS được tiếp cận chương trình tiên tiến, nhưng giảm tải về nội dung. Học tích hợp, HS được làm bài thi theo tiêu chuẩn đầu ra và lấy chứng chỉ quốc tế của hội đồng khảo thí uy tín của Anh là Edexcel, hoặc có thể tham dự các kỳ thi TOEFL, IELTS, TOEIC...".
Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) kể câu chuyện của bản thân: "Tôi cho con học ngoại ngữ ở trung tâm. Lớp con tôi học có 13-15 học viên, con tôi được thông báo xếp hạng 2-3 sau mỗi đợt kiểm tra nhưng tôi không biết việc xếp hạng đó căn cứ vào chuẩn nào hay chỉ đơn giản từ phép so sánh với những học viên cùng lớp có người lớn lẫn trẻ nhỏ. Vì để tiện đưa đón, tôi chuyển con vào học chương trình tích hợp, cháu rớt xuống thứ 17 nhưng lại thấy có tiến bộ, nghe được chương trình trên ti vi, nói chuyện với GV bản ngữ tốt. ít ra, ở đây, HS được đánh giá theo chuẩn chung và so sánh với HS có cùng độ tuổi, trình độ".
Bà Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 chia sẻ: “Có bốn trường tiểu học và một trường THCS ở Q.5 thực hiện chương trình này. Chương trình có cơ sở pháp lý chặt chẽ từ quy định đến hướng dẫn thu chi rõ ràng nên chúng tôi yên tâm làm để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho HS. Với mức học phí tương đương các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài, PH tự nguyện đăng ký rất đông. Sau bốn tháng triển khai, HS tiến bộ rõ rệt cả bốn kỹ năng ngôn ngữ, tự tin hơn trong giao tiếp".
Theo bà Thu, so với chương trình Cambridge trước đây, dạy chương trình tích hợp không gây xáo trộn việc học tập của HS giữa giờ học tiếng Việt và giờ học tiếng Anh. Phần giao thoa giữa hai chương trình do GV bản ngữ dạy, GV Việt Nam (VN) chỉ củng cố lại kiến thức ở nội dung này và dạy kiến thức mới nên HS đỡ vất vả hơn.
Trường THCS Trần Văn Ơn thực hiện chương trình này cho một lớp ngay từ học kỳ II. GV bản ngữ đánh giá có khoảng 10% HS còn chậm phát triển trong các kỹ năng ngôn ngữ, không theo kịp nên không tập trung trong giờ học. Hiệu trưởng Trần Thúy An cho biết: "Tôi dự giờ và thấy đánh giá này khách quan, không phải 100% HS đều có thể hiểu hết những gì GV bản ngữ dạy, muốn học hiểu không chỉ có khả năng ngôn ngữ mà còn phải kết hợp với kiến thức khác, hiểu biết thực tế. Tôi đánh giá cao sự năng động của GV bản ngữ. Ví dụ, họ thoải mái quỳ bên cạnh HS để lắng nghe và hướng dẫn từng em phát âm mà hiếm khi thấy điểu đó ở GV tiếng Việt. Sĩ số ít cũng là lợi thế giúp GV dễ dàng dạy HS theo nhóm".
Theo Sở GD-ĐT, do không phải lệ thuộc vào các yêu cầu khắt khe về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học như chương trình Cambridge nên một số trường chưa tham gia chương trình Cambridge cũng mạnh dạn triển khai chương trình tích hợp. Ban đầu, 100% GV bản ngữ đứng lớp. Sau đó, GV VN sẽ được đưa đi đào tạo để thay thế dần GV bản ngữ nhằm giảm chi phí cho người học. Dự kiến, năm học 2015-2016, TP sẽ có 34 trường tiểu học và 22 trường THCS ở các quận 1, 2, 3,4, 5, 7, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình tham gia chương trình. Các quận huyện còn lại sẽ tùy điều kiện cố gắng ít nhất một trường tiểu học và một trường THCS tham gia vào chương trình tiếng Anh tích hợp. Ngoài ra, chương trình sẽ được triển khai ở các trường THPT, dự kiến 16 trường thực hiện trong năm học 2015-2016.
Có đảm bảo tính liên thông ?
Sau học kỳ thử nghiệm, Trường THCS Trần Văn Ơn có 5/55 HS xin ra khỏi chương trình do không theo kịp, nhưng có đến 33 HS khác xin vào. "Việc xin ra-vào khiến nhà quản lý lo lắng, bởi nếu có nhiều HS xin khỏi lớp tích hợp thì làm xáo trộn sĩ số những lớp khác, không đủ chỗ học vì theo quy định, lớp tích hợp học riêng, không được gộp lớp" cô An lý giải. 
Theo cô An, nếu sau một thời gian vì điều kiện tài chính không đảm bảo, HS xin ra khỏi lớp tích hợp, trường phải đồng ý vì đây là tự nguyện. Tuy nhiên, trường sẽ gặp khó khăn. Chẳng hạn, còn 50 em thì xếp thành một lớp cũng không được mà chia ra làm hai thì... không xong. Có thể tuyển thêm nhưng sẽ khó vì nếu lớp đã học thì HS mới khó theo kịp.
Ngoài ra, việc áp dụng chương trình này sẽ được tính điểm như thế nào cũng là băn khoăn của nhiều trường. "HS tiểu học chỉ nhận xét, đánh giá bằng lời, nhưng HS từ THCS trở lên có tính điểm. Sở cần sớm có hướng dẫn những điều liên quan" bà Võ Ngọc Thu đề nghị.
 Thầy Trần Ái Việt, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) lo lắng:"Trong tám tiết dạy môn toán, tiếng Anh và môn khoa học, với chương trình hiện nay việc dạy sẽ như thế nào? Môn toán sẽ dạy mấy tiết, tiếng Anh mấy tiết, còn môn khoa học sẽ học như thế nào vì hiện tại chương trình lớp 6 có lý, sinh và thậm chí có cả môn công nghệ. Vậy việc dạy sẽ như thế nào để đạt chuẩn của chương trình tích hợp đề ra. Về điểm số, lấy điểm thay thế vào điểm của chuẩn VN ban hành thì tính pháp lý như thế nào?"
 Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM giải thích: Chương trình sẽ phân bổ ba tiết toán, hai tiết tiếng Anh và ba tiết khoa học. Những nội dung giao thoa giữa hai chương trình sẽ được giảng dạy bằng tiếng Anh, GV tiếng Việt có nhiệm vụ củng cố lại kiến thức và dạy nội dung chỉ có trong chương trình của VN để giảm tải cho người học. Sở sẽ có hướng dẫn về hệ số chuyển đổi điểm từ thang điểm chương trình tiếng Anh sang chương trình VN. Trong hè này, Sở sẽ tập huấn cho GV về chương trình chi tiết áp dụng cho từng khối lớp...
Thầy Việt đưa ra băn khoăn và cũng là thắc mắc của nhiều PH: Nếu ở cấp tiểu học hết lớp 5 sẽ có những trường THCS nhận và theo tiếp chương trình tích hợp nên công tác thuyết phục PH sẽ thuận lợi. Tuy nhiên, sau khi học xong THCS khi vào lớp 10, Sở có chuẩn bị một số trường THPT có chương trình tích hợp để các em tiếp tục học không? Các em sẽ được mặc định vào học những trường này hay vẫn phải thi lớp 10 như các em học lớp bình thường khác?
Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD- ĐT TP.HCM khẳng định: "HS theo chương trình đảm bảo tính liên thông từ tiểu học lên THPT. Các trường, phòng GD-ĐT quận, huyện căn cứ vào điều kiện thực tế, nhu cầu của PH đăng ký tham gia chương trình để triển khai. Sở sẽ chọn các trường THPT để thực hiện liên thông. Đặc biệt, 10 trường THPT đã tự mày mò tổ chức chương trình dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh trước đây hoàn toàn có khả năng để thực hiện liên thông.
Tiêu Hà / Phụ Nữ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM chương trình tích hợp năm 2015-2016: Nhiều băn khoăn