Đó là khẳng định của ông Phạm Đức Hải – Phó ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình COVID-19 vào chiều 18.10.

TP.HCM chưa có kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi

Hồ Quang | 18/10/2021, 18:24

Đó là khẳng định của ông Phạm Đức Hải – Phó ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình COVID-19 vào chiều 18.10.

Theo ông Hải, ngày 14.10, Bộ Y tế có văn bản 8688 về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Thực hiện theo chỉ đạo Bộ Y tế , Sở Y tế có tờ trình cho UBND TP.HCM.

“Đây chỉ là tờ trình của Sở Y tế, chứ chưa có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Khi Bộ Y tế có chỉ đạo, hướng dẫn tiêm vắc xin nào cho trẻ em, tiêm như thế nào… thì TP mới có kế hoạch cụ thể về việc tiêm vắc xin cho trẻ. Do đó, hiện nay TP chưa có kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi”, ông Hải khẳng định và cho biết: "Vừa rồi các báo thông tin TP.HCM có kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi là sai", ông Hải nói. 

tphcn-chua-co-ke-hoach-tiem-vac-xin-phong-covid-19-cho-tre-tu-12-den-17-tuoi-hinh-anh(1).png
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân TP.HCM - Ảnh: PV 

Về một trong những vấn đề mà người dân rất quan tâm là khi nào TP.HCM cho phép các hàng quán được bán ăn uống tại chỗ, ông Hải cho biết, hiện TP vẫn đang thực hiện Chỉ thị 18 chỉ cho phép hàng quán bán thức ăn mang về, chứ chưa cho phép bán ăn uống tại chỗ.

“Tất cả chúng ta đều mong muốn hàng quán được mở, ăn uống tại chỗ. Tuy nhiên trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay chưa cho phép hàng quán bán ăn uống tại chỗ. Hiện nay, TP vẫn đang thực hiện Chỉ thị 18 chỉ cho bán mang về. Nơi nào cho phép hàng quán bán ăn uống tại chỗ thì địa phương phải nhắc nhở, và xử phạt. Dù rất mong muốn nhưng rất cần sự an toàn của dịch bệnh”, ông Hải nhấn mạnh.

Về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM, ông Hải cho biết, tính tới 18 giờ ngày 17.10, TP có 418.269 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 417.770 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 499 trường hợp nhập cảnh.

Bệnh nhân nặng đang thở máy có xu hướng ngày càng giảm. Cụ thể, ngày 13.10 có 481, ngày 14.10: 458, ngày 15.10: 443 ca, ngày 16.10: 430 ca, ngày 17.10: 404 ca.

“Chúng ta nhớ lại vào những ngày đầu tháng 8 là lên đến trên 2.500, nhưng giờ chỉ còn hơn 400 ca. Điều này cho thấy, công tác phòng chống dịch đã phát huy hiệu quả”, ông Hải nói.

Bên cạnh đó, số ca nhập viện cũng ngày càng giảm, và luôn luôn thấp hơn số ca xuất viện. Trong ngày 13.10 số ca nhập viện là 878 ca, đến ngày 17.10 xuống còn 640.

Trong khi đó, số ca tử vong giảm từ 61 ca vào ngày 13.10, đến ngày 17.10 chỉ còn 51 ca.

Riêng công tác tiêm vắc xin, đến ngày 17.10, TP đã tiêm được 12.641.878, trong đó mũi 1 là 7.116.611, mũi 2 là 5.475.267.

Theo ông Hải, có được thành công trong công tác chống dịch vừa qua, TP đã nhận được rất lớn sự hỗ trợ của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành. Thành phố luôn ghi nhận và chân thành cảm ơn những tấm lòng đó.

“Trong những ngày tới, TP.HCM sẽ cử 15 cán bộ thường vụ Thành ủy đi đến 32 tỉnh, thành phố để cảm ơn, thăm hỏi và cùng nhau trao đổi kinh nghiệm về phòng chống dịch. Trong ngày hôm qua (17.10), Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã đi Sóc Trăng để thực hiện nhiệm vụ trên”, ông Hải cho biết.

Theo sở Giao thông vận tải TP.HCM, đến nay đã có 15 tỉnh, thành thống nhất thí điểm hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định, nhưng chỉ có 10 tỉnh đưa vào hoạt động. Hầu hết các đơn vị vận tải đều tuân thủ đúng quy định.

Tuy nhiên trong ngày 16.10 vừa qua, phát hiện nhà xe chạy tuyến TP.HCM đến TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chở 3 hành khách mắc COVID-19 sau khi đón thêm khách dọc đường. Hiện Sở Giao thông vận tải TP đã gửi văn bản đề nghị xử lý nghiêm. Sở Giao thông vận tải TP mong muốn các phương tiện truyền thông tuyên truyền sâu rộng về hoạt động phòng chống dịch đối với các đơn vị vận tải hành khách.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM chưa có kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi