Di dời nhà ven kênh rạch tại TP.HCM thực hiện ở giai đoạn 2016 - 2020 với hình thức chỉ định thầu sẽ rút ngắn được 250 ngày thủ tục.
UBND TP vừa trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án tổ chức thực hiện chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM” với danh mục 62 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP giai đoạn 2016 - 2020. Thành phố cho rằng, để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho các hộ dân ở trên và ven kênh rạch cần chỉ định thầu.
Gần 20.000 hộ dân phải di dời
UBND TP cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chỉ định các nhà đầu tư đủ năng lực (áp dụng hình thức này sẽ rút ngắn được 250 ngày) để làm chủ đầu tư các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị - di dời và tái định cư nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP tương tự như các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị, từ nay tới năm 2025, TP.HCM sẽ di dời và giải tỏa trắng gần 20.000 hộ trên và ven sông rạch để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị. Kế hoạch di dời sẽ được tiến hành trong hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 2015 - 2020, tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn nhà ven sông, rạch. Giai đoạn hai từ năm 2020 - 2025, hoàn thành mục tiêu di dời 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.
Thành phố cũng cho rằng trong 5 năm tới sẽ giải quyết dứt điểm những tuyến kênh rạch đang thực hiện công tác bồi thường, di dời, giải phóng mặt bằng, gồm các tuyến Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, cù lao Nguyễn Kiệu, công viên Hồ Khánh Hội giai đoạn 3 và 4, di dời khoảng 304 căn nhà.
Ngoài ra, công tác di dời, giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng tiếp tục thực hiện cho toàn tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ thuộc các quận 4, 7, 8 để thực hiện dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM. Giai đoạn 3 sẽ giải tỏa, di dời khoảng 7.031 căn.
Những tuyến kênh, rạch ô nhiễm nặng hoặc có vai trò quan trọng trong giải quyết ngập úng, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước như rạch Hàng Bàng giai đoạn 2 và 3, rạch Văn Thánh, rạch Bùi Hữu Nghĩa, rạch Xuyên Tâm, rạch Bàu Trâu... cũng sẽ được thực hiện với quy mô giải tỏa và di dời khoảng 13.350 căn.
Ngoài việc di dời nhà ven và trên kênh rạch, chương trình chỉnh trang đô thị giai đoạn 2016 - 2020 được UBND TP.HCM phê duyệt từ đầu tháng 11.2016 đã đề cập đến công tác xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp, chỉnh trang nâng cấp các khu dân cư hiện hữu để xây dựng, phát triển các khu đô thị mới văn minh, hiện đại.
Cần cơ chế, chính sách ưu đãi
Trước đây tại hội thảo “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM”, ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM cho rằng, chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị gồm 4 vấn đề chính: di dời nhà ven kênh rạch; xây dựng, thay thế chung cư cũ; chỉnh trang nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; và phát triển các khu đô thị đồng bộ.
Ông Quốc đã kiến nghị, thành phố cần có các giải pháp như: tăng cường nguồn thu cho ngân sách thành phố; thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); và triển khai các giải pháp tạo nguồn thu, huy động mới.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách phải đóng vai trò chủ đạo trong xây dựng cơ sở hạ tầng, di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.
Với giải pháp về vốn, ông Quốc mách nước là thành phố chỉ cần tháo gỡ các chính sách còn vướng mắc như quy hoạch, chính sách hoán đổi nhà chung cư, chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi đầu tư là có thể thực hiện được các nội dung khác của chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.
Trong khi đó nói về công tác chỉnh trang đô thị, di dời và tái định cư, cải thiện điều kiện sống cho các hộ dân trên và ven kênh rạch, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đã từng đề xuất ba cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án.
Thứ nhất, tăng hệ số sử dụng đất đối với các khu đất có vị trí cách nhà ga metro trong bán kính từ 400m trở xuống; các khu đất có bố trí bến thủy nội địa được Sở GTVT chấp thuận vị trí và quy mô; có thiết kế thân thiện môi trường, công trình kiến trúc xanh.
Thứ hai, để ưu tiên phát triển công trình cao tầng với mật độ xây dựng thấp, hạn chế xây dựng tầng hầm nhằm bảo đảm thoát nước mặt cho khu vực, gia tăng hiệu quả chống ngập nước (giảm thiểu diện tích bê tông hóa bề mặt, giúp đô thị phát triển bền vững, hài hòa) và giảm chi phí xây dựng cho nhà đầu tư khi triển khai thực hiện công trình, các công trình bố trí tầng để xe trên cao và không xây dựng tầng hầm thì diện tích tầng kỹ thuật để xe trên cao không phải tính vào hệ số sử dụng đất của dự án.
Thứ ba, nhằm tạo sự thông thoáng và hài hòa với không gian kiến trúc cảnh quan khu vực, tạo sự kết nối cho người dân khu vực phía nam đường Phạm Thế Hiển có thể tiếp cận với công viên dọc bờ nam kênh Đôi: Đối với các dự án đề xuất của nhà đầu tư tại đây có thiết kế để trống tầng trệt công trình, Sở QH-KT kiến nghị TP cho phép nhà đầu tư được tính diện tích mảng xanh, sân chơi tại tầng trệt vào chỉ tiêu bình quân đất cây xanh của dự án.
Quang Huy