Theo phương án xử lý cây xanh phục vụ thi công hạng mục nhà ga Ba Son thuộc gói thầu 1b dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1, nếu bứng dưỡng hai cây cổ thụ số hiệu 129 và 214 trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1), TP.HCM phải phong tỏa con đường và cắt điện, nước cả khu vực trong 10 ngày.
Ngày 1.4, ông Lê Khắc Huỳnh, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (ĐSĐT) cho biết có 16 cây sọ khỉ trên đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Nguyễn Hữu Cảnh - Ngô Văn Năm, quận 1) phải di dời để triển khai thi công nhà ga Ba Son thuộc dự án xây dựng tuyến metro số 1 (lộ trình Bến Thành - Suối Tiên), trong đó có hai cây cổ thụ được xếp loại 3 đặc biệt có đường kính gốc lần lượt là 1,4m và 1,7m.
Ban Quản lý ĐSĐT dự kiến thực hiện việc bứng dưỡng, đưa toàn bộ số cây xanh nói trên về khu vực nuôi dưỡng cây xanh tại công viên Gia Định từ ngày 11.4 tới để trả mặt bằng cho nhà thầu thi công. Do hầu hết số cây thuộc diện di dời là cổ thụ lâu năm, vướng nhiều công trình hạ tầng đi ngầm và đi nổi như cáp điện trung thế, lưới điện nổi, cáp ngầm viễn thông, ống cấp nước… nên thời gian thực hiện kéo dài hơn một tháng.
Đối với hai cây cổ thụ loại 3 đặc biệt, trước khi di chuyển phải hạ thấp chiều cao xuống còn 17m. Việc bứng dưỡng cần huy động ít nhất 11 người, 2 xe cẩu loại 35 tấn, xe thang 15 m, xe vận chuyển cây dài 18 m, trọng tải 35 tấn để đưa cây về nơi trồng mới. Theo phương án xử lý, thời gian thi công bứng dưỡng mỗi cây cổ thụ là 10 ngày liên tục. Trong thời gian thi công, đoạn đường Tôn Đức Thắng sẽ bị phong tỏa nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông.
Ngoài ra, để đảm an toàn thi công, điện lưới sẽ bị cắt. Theo ông Lê Khắc Huỳnh, nếu chọn giải pháp bứng dưỡng hai cây cổ thụ số 129, 214 thì sẽ có hàng nghìn căn nhà, hàng chục cơ quan công sở, trường học, cơ sở kinh doanh… trong khu vực trung tâm TP.HCM sẽ bị cắt điện, nước hai đợt, mỗi đợt kéo dài 10 ngày.
Toàn bộ việc bứng dưỡng 16 cây sọ khỉ sẽ được giao cho Sở Giao thông Vận tải và Công ty Công viên cây xanh TP.HCM. Theo ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng phòng Quản lý công viên cây xanh thuộc Sở GTVT, đối với những cây cổ thụ quá khổ, sau khi bứng dưỡng trồng nơi khác, tỷ lệ sống không cao. TP.HCM từng bứng hai cây cổ thụ, kết quả là chỉ có một cây còn sống (đạt 50%).
Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 31.8, Phó giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết việc bứng dưỡng toàn bộ số cây cổ thụ (thay vì đốn hạ như một số địa phương) là quyết tâm của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM. Phương án đốn hạ cây chỉ được xem xét cẩn thận với sự tham gia phản biện của các nhà khoa học trong trường hợp bất khả kháng và phải có sự đồng thuận trong dư luận nhân dân.
Huy Thịnh - Tiền Phong