Sau khi xuất hiện thuyền viên của tàu từ nước ngoài đến cảng Cát Lái (TP.HCM) tiếp xúc với người trên bờ, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã ra khuyến cáo về nguy cơ dịch bệnh COVID-19 xâm nhập từ đường biển là rất lớn, nếu không kiểm soát chặt rất dễ bị “toang”.

TP.HCM: Cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 xâm nhập từ đường biển

Hồ Quang | 08/01/2021, 15:51

Sau khi xuất hiện thuyền viên của tàu từ nước ngoài đến cảng Cát Lái (TP.HCM) tiếp xúc với người trên bờ, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã ra khuyến cáo về nguy cơ dịch bệnh COVID-19 xâm nhập từ đường biển là rất lớn, nếu không kiểm soát chặt rất dễ bị “toang”.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết ngày 6.1.2021, Bộ đội biên phòng tại cảng Cát Lái (TP.HCM) đã phát hiện thuyền viên của một tàu từ nước ngoài khi đang neo đậu tàu tại đây để xếp dỡ hàng tiếp xúc với người trên bờ. Tàu này là tàu chở hàng đi từ Philipines đến cảng Cát Lái vào ngày 31.12. 2020. Tranh thủ lúc tàu đang neo đậu để xếp dỡ hàng, người trên bờ đã lẻn lên tàu để thăm thuyền viên là người thân đang ở trên tàu đang neo đậu ngoài phao tại cảng.

tphcm-canh-bao-nguy-co-dich-benh-covid-19-xam-nhap-tu-duong-bien-hinh-anh(1).png
Mối lo ngại lây lan dịch bệnh COVID-19 từ đường biển sau khi xuất hiện trường hợp người trên bờ tiếp xúc với thuyền viên -Ảnh" PV 

Qua điều tra, lực lượng chức năng đã xác định người ở trên bờ tiếp xúc với thuyền viên là một cư dân ngụ ở quận 9, đi xe máy đến phà Cát Lái và thuê tàu ghe chở ra tàu đang neo đậu tại cảng để lẻn lên tàu.

Sau khi phát hiện, trường hợp này đã được chuyển cách ly tập trung đủ 14 ngày tại quận 9 và được lấy mẫu xét nghiệm. Thuyền viên trên tàu là người thân của trường hợp này cũng được lấy mẫu xét nghiệm. Hiện cả hai đã có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS- CoV-2.

Hiện Bộ đội biên phòng đã tìm ra người lái tàu ghe và đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định. Thuyền trưởng tàu chở hàng trên cũng bị xử lý vì vi phạm quy định cách ly đã ký cam kết.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM hiện nay nguy cơ xâm nhập dịch bệnh COVID-19 chính là người nhập cảnh, trong đó có nhập cảnh trái phép, nhập cảnh có phép từ đường hàng không, đường bộ và đường biển.

Do đó, ngoài quy định về cách ly người nhập cảnh bằng đường hàng không, đường bộ để đảm bảo không bị lây nhiễm COVID-19, các ngành chức năng cũng đã quy định nhập cảnh bằng đường biển.

Theo đó, thuyền viên trên tàu từ nước ngoài nhập cảng không được lên bờ. Không cho phép người trên bờ tiếp xúc với thuyền viên trên tàu. Việc xếp dỡ hàng hóa chủ yếu thực hiện cơ giới hóa. Nếu công nhân ở bờ có lên tàu làm việc thì phải được cấp phép của đội biên phòng, phải mặc đồ bảo hộ phòng dịch và không được phép tiếp xúc với thuyền viên. Bộ đội biên phòng được phân công giám sát quy định này.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật cho rằng, việc để những người trên bờ tiếp xúc với thuyền viên trên tàu từ nước ngoài đến không chỉ vi phạm nghiêm quy định nhập cảnh bằng đường biển mà còn mang nguy cơ lây lan dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng.

Dù hiện nay đã xử lý thuyền trưởng tàu chở hàng trên vì vi phạm quy định cách ly đã ký cam kết, nhưng điều đáng nói là việc giám sát tuân thủ quy định phòng chống dịch ở đây còn một lỗ hổng lớn.

BS.CK2 Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đề nghị, các ngành có liên quan cần kiểm tra, giám sát quy định phòng chống dịch tại các cảng biển cần được thực hiện chặt chẽ hơn.

“Tình hình COVID -19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam luôn hiện hữu từ những người nhập cảnh. Mỗi người chúng ta đặc biệt là người nhập cảnh cần tuân thủ tuyệt đối quy định khi thực hiện cách ly. Người thân của người cách ly cũng cần hiểu và cần tuân thủ quy định cách ly. Việc tìm mọi cách để tiếp xúc với người thân đang trong thời gian cách ly vừa mang lại nguy cơ cho mình, cho cộng đồng vừa là hành vi vi phạm pháp luật”, ông Dũng nói.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, đến ngày 8.1, TP có 152 người mắc COVID-19, trong đó có 143 người khỏi bệnh, 9 người đang tiếp tục điều trị. Hiện TP đang còn cách ly tập trung 1.807 người  và 88 người đang cách ly tại nhà nơi lưu trú

Ngành y tế TP đang tăng cường công tác giám sát, thực hiện cách ly người nhập cảnh theo quy định; giám sát người sau khi hoàn thành cách ly tập trung về cư trú tại TP; kiểm tra, giám sát các khu cách ly tại khách sạn, tại bệnh viện, các khu cách ly tập trung của quận huyện, khu cách ly của TP; thẩm định phương án làm việc của chuyên gia nhập cảnh và làm việc dưới 14 ngày; tổ chức các lớp tập huấn nhóm giảng viên tuyến quận huyện để huấn luyện cho các tổ COVID-19 cộng đồng…

Riêng về công tác xét nghiệm, TP tiếp tục thực hiện xét nghiệm giám sát các nhóm nguy cơ cao ở bến xe, bệnh viện, doanh nghiệp, khu nhà trọ…nhưng đến nay chưa phát hiện trường hợp dương tính với COVID-19. Tổ chức giám sát và lấy mẫu xét nghiệm các thành viên tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại TP. Đến nay đã lấy mẫu xét nghiệm 12.491 trường hợp, trong đó có 20 trường hợp dương tính.

“Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, người dân tuyệt đối không được nhập cảnh bất hợp pháp. Nếu có nhu cầu nhập cảnh thì phải theo đường hợp pháp, thực hiện nghiêm túc các quy định cách ly tập trung. Bên cạnh đó, người dân cần bình tĩnh ứng phó với dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế”, ông Dũng khuyến cáo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 xâm nhập từ đường biển