Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) nhận định, với tình hình giao thương đi lại và du lịch của người dân tăng cao vào dịp cuối năm, bệnh COVID-19 sẽ tăng lại ở TP là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Thông tin Y học

TP.HCM cảnh báo nguy cơ bệnh COVID-19 tăng trở lại vào dịp cuối năm

Hồ Quang 19:29 28/12/2023

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) nhận định, với tình hình giao thương đi lại và du lịch của người dân tăng cao vào dịp cuối năm, bệnh COVID-19 sẽ tăng lại ở TP là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Đề cập đến nguy cơ dịch bệnh vào dịp cuối năm khi nhu cầu giao thương tăng cao, chiều 28.12, bác sĩ Lê Hồng Nga – Phó giám đốc HCDC, cho biết người dân cần chú ý các bệnh về đường hô hấp. Đây là thời điểm bệnh cúm các loại do siêu vi, hoặc vi khuẩn khác rất thuận lợi trong việc lây lan.

tphcm-canh-bao-nguy-co-benh-covid-19-tang-tro-lai-vao-dip-cuoi-nam-hinh-anh(1).png
Bác sĩ Lê Hồng Nga – Phó giám đốc HCDC chia sẻ về tình hình dịch bệnh vào chiều 28.12- Ảnh: PV

Đặc biệt, người dân lưu ý bệnh COVID-19. Dù nhiều tuần gần đây, bệnh COVID-19 tại TP không tăng nhiều, thỉnh thoảng chỉ có vài ca. Tuy nhiên, trên thế giới bệnh COVID-19 tăng cao ở nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia gần Việt Nam như: Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia…

Ngoài ra, các quốc gia trên thế giới cũng đang theo dõi những biến thể mới của bệnh COVID-19. “Với tình hình giao thương đi lại và du lịch của người dân tăng cao vào dịp cuối năm, bệnh COVID-19 sẽ tăng lại ở TP là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, bà Nga nhấn mạnh.

Theo bà Nga, hiện nay các nước trên thế giới ghi nhận số cá mắc COVID-19 gia tăng, nhưng số ca bệnh nặng và tử vong không tăng. Dù vậy, người dân vẫn cần phải hết sức lưu tâm bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Ngoài các bệnh về đường hô hấp và COVID-19, bà Ngà lưu ý người dân về bệnh cúm gia cầm vào dịp cuối năm. Dù hơn 20 năm qua, TP.HCM không có ca mắc cúm gia cầm, nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới tại Campuchia, chỉ trong 2 ngày (24 và 25.11.2023), quốc gia này đã ghi nhận 2 ca cúm gia cầm H5N1. Như vậy, tổng số ca cúm gia cầm ở Campuchia từ đầu năm 2023 đến nay là 6 ca, trong đó có 4 ca tử vong. Trong khi đó, Campuchia rất gần Việt Nam nên việc lây lan giữa các đàn gia cầm mang mầm bệnh là rất cao.

Trước tình hình trên bà Nga khuyến cáo, đối với các bệnh về đường hô hấp, bệnh COVID-19 người dân nên thường xuyên rửa tay bằng nước xà phòng; che miệng, mũi khi hắt hơi; đặc biệt chủ động tiêm ngừa các loại vắc xin như: vắc xin cúm mùa, vắc xin phế cầu… Đối với những người có triệu chứng của bệnh viêm hô hấp cấp tính cần hạn chế tiếp xúc với người khác, nhất là những người nguy cơ như người có bệnh lý nền, người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai…

Để phòng bệnh cúm gia cầm, người dân không sử dụng thịt và các sản phẩm gia cầm bị ốm, chết; gia cầm không rõ nguồn gốc; lựa chọn nơi mua gia cầm đáng tin cậy, có xuất xứ…

Liên quan đến vắc xin tiêm chủng mở rộng, bà Nga cho biết trong chiều 28.12, HCDC đã nhận được 8.100 liều vắc xin 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) do Bộ Y tế cấp. Vào sáng mai (29.12) đơn vị sẽ tiến hành cấp phát cho các quận, huyện. Ngành y tế TP sẽ tổ chức tiêm vắc xin trên cho trẻ từ ngày 2.1.2024 tại tất cả các trạm y tế phường xã. Thành phố sẽ ưu tiên tiêm trước cho các trẻ đủ 2 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi nhưng chưa được tiêm mũi vắc xin nào.

“Thống kê từ các phường xã cho thấy, hiện có khoảng 7.500 trẻ chưa tiêm mũi nào mà đã đủ tháng tuổi tiêm sẽ được đưa ra tiêm trước. Sau khi tiêm hết số trẻ trên sẽ tiêm các trẻ còn thiếu mũi 2, mũi 3. Hiện tất cả các khâu chuẩn bị đã được Trung tâm kiểm soát bệnh tật triển khai cho các trạm y tế”, bà Nga thông tin.

Bài liên quan
Dịch bệnh COVID-19 gia tăng, Hà Nội khuyến cáo người dân tiêm vắc xin nhắc lại
Chiều 13.4, Bộ Y tế cho biết hiện nay cả nước có thêm 497 ca mắc mới COVID-19, số người mắc cao nhất trong 4 tháng qua.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM cảnh báo nguy cơ bệnh COVID-19 tăng trở lại vào dịp cuối năm