Toyota đang xem xét khởi động lại chiến lược ô tô điện của mình để cạnh tranh tốt hơn trong thị trường đang bùng nổ mà hãng đã thâm nhập chậm và tạm dừng một số công việc trong các dự án hiện có.

Toyota phải thay đổi chiến lược ô tô điện vì từng đánh giá thấp Tesla

Sơn Vân | 24/10/2022, 19:44

Toyota đang xem xét khởi động lại chiến lược ô tô điện của mình để cạnh tranh tốt hơn trong thị trường đang bùng nổ mà hãng đã thâm nhập chậm và tạm dừng một số công việc trong các dự án hiện có.

Các đề xuất nếu được thông qua sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể cho Toyota và viết lại kế hoạch triển khai ô tô điện trị giá 38 tỉ USD mà công ty Nhật Bản từng công bố vào năm ngoái để cạnh tranh tốt hơn với Tesla.

Một nhóm làm việc trong Toyota đã vạch ra kế hoạch vào đầu năm 2023 để cải tiến nền tảng ô tô điện hiện có của hãng hoặc thực hiện một kiến ​​trúc mới.

Trong thời gian chờ đợi, Toyota đã đình chỉ công việc với một số trong dự án 30 ô tô điện được công bố vào tháng 12.2021, bao gồm cả chiếc crossover Toyota Compact Cruiser và Crown chạy bằng pin, theo các nguồn tin và một tài liệu mà Reuters có được.

Toyota cho biết cam kết trung lập với carbon nhưng từ chối bình luận về các sáng kiến ​​cụ thể. "Để đạt được tính trung hòa carbon, công nghệ của riêng Toyota cũng như công việc mà chúng tôi đang thực hiện với nhiều đối tác và nhà cung cấp là điều cần thiết", Toyota nói khi trả lời các câu hỏi từ Reuters.

Việc cải tiến đang được xem xét có thể làm chậm quá trình triển khai ô tô điện Toyota đã có trên bảng vẽ. Thế nhưng, nó cũng sẽ mang lại cho Toyota cơ hội cạnh tranh với quy trình sản xuất hiệu quả hơn, vì doanh số bán ô tô điện toàn ngành đã vượt qua những dự đoán trước đó của công ty Nhật Bản.

Ngoài ra, việc cải tiến sẽ giải quyết những lời chỉ trích của các nhà đầu tư xanh và các nhóm môi trường cho rằng Toyota quá chậm chạp trong việc tiếp nhận ô tô điện. Trước đó, Toyota từng được xem là “đứa con cưng” của các nhà bảo vệ môi trường.

toyota-phai-thay-doi-chien-luoc-o-to-dien-vi-tung-danh-gia-thap-tesla.jpg
Ô tô Toyota tại cuộc họp báo về chiến lược của công ty với xe điện chạy bằng pin ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày 14.12.2021 - Ảnh: Reuters

Toyota đang xem xét nâng cấp công nghệ nền tảng ô tô điện có tên e-TNGA, được công bố vào năm 2019. Điều đó sẽ cho phép Toyota giảm chi phí.

Crossover bZ4X, chiếc ô tô điện đầu tiên dựa trên e-TNGA, đã được tung ra thị trường vào đầu năm nay. Thế nhưng, sự ra mắt của bZ4X bị hủy hoại bởi Toyota phải thu hồi hàng ngàn chiếc ô tô điện này do bánh xe có thể bị lỏng. Đợt thu hồi buộc Toyota phải tạm ngừng sản xuất bZ4X từ ​​tháng 6. Sản xuất bZ4X đã tiếp tục vào đầu tháng 10.

Thua trước Tesla trong cuộc chiến chi phí nhà máy về ô tô điện

Toyota đang xem xét khởi động lại chiến lược một phần bởi một số kỹ sư và nhà quản lý nhận ra rằng hãng đang thua trước Tesla trong cuộc chiến chi phí nhà máy về ô tô điện.

Kế hoạch của Toyota giả định nhu cầu về ô tô điện sẽ không tăng trong vài thập kỷ.

Toyota đã thiết kế e-TNGA để xe điện có thể được sản xuất trên cùng một dây chuyền lắp ráp với ô tô chạy xăng và xe hybrid. Các nguồn tin cho biết điều đó có ý nghĩa dựa trên giả định Toyota sẽ cần bán khoảng 3,5 triệu ô tô điện mỗi năm, chiếm 1/3 tổng sản lượng toàn cầu hiện tại, để duy trì tính cạnh tranh.

Thế nhưng, doanh số ô tô điện đang tăng nhanh hơn. Các nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu hiện dự báo kế hoạch cho ô tô điện chiếm hơn một nửa tổng sản lượng ô tô vào năm 2030. Đây là một phần của làn sóng đầu tư toàn ngành hiện đạt tổng cộng 1.200 tỉ USD.

Người dẫn đầu cuộc đánh giá ô tô điện của Toyota là Shigeki Terashi, thành viên điều hành công ty. Shigeki Terashi không trả lời khi được đề nghị bình luận về chuyện này.

Đội ngũ của Shigeki Terashi được chỉ định là nhóm “cách mạng kinh doanh” trong Toyota. Đây là một thuật ngữ được sử dụng cho những thay đổi lớn, bao gồm cải tiến quy trình phát triển và sản xuất của công ty hai thập kỷ trước.

"Điều thúc đẩy nỗ lực của ông Terashi là sự cất cánh nhanh hơn dự kiến ​​của ô tô điện và nhanh chóng áp dụng các cải tiến tiên tiến của Tesla cùng những hãng khác", một nguồn tin cho biết.

Đội của Shigeki Terashi đang xem xét một lựa chọn để kéo dài tính hữu dụng của e-TNGA bằng cách kết hợp nó với các công nghệ kỹ thuật mới.

Shigeki Terashi cũng có thể đề xuất bỏ e-TNGA nhanh hơn và chọn một nền tảng dành riêng cho ô tô điện được thiết kế từ đầu. Điều đó có thể mất khoảng 5 năm với các mô hình mới, hai trong số các nguồn tin cho biết. "Có rất ít thời gian để lãng phí", một người nói.

Toyota đang làm việc với các nhà cung cấp và xem xét các cải tiến nhà máy để giảm chi phí như Giga Press, máy đúc khổng lồ đã giúp sắp xếp công việc hợp lý trong các nhà máy Tesla.

Các nguồn tin cho biết một lĩnh vực đang được xem xét là cách tiếp cận toàn diện hơn để quản lý nhiệt của ô tô điện - kết hợp điều hòa không khí cho hành khách và kiểm soát nhiệt độ hệ thống truyền động điện - mà Tesla đã thực hiện.

Điều này có thể cho phép Toyota giảm kích thước, trọng lượng của bộ pin ô tô điện và cắt giảm hàng ngàn USD cho mỗi chiếc xe, khiến nó trở thành ưu tiên hàng đầu với các nhà cung cấp Denso và Aisin của Toyota.

Denso và Aisin không đưa ra bình luận ngay lập tức.

Việc công nhận trong nội bộ Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, rằng Tesla đã thiết lập một tiêu chuẩn mới cho chi phí sản xuất xe điện đánh dấu sự thay đổi lớn.

Một thập kỷ trước, khi Toyota nắm giữ cổ phần Tesla và cả hai cùng hợp tác để sản xuất phiên bản RAV4 chạy điện, nhiều kỹ sư Toyota tin rằng công nghệ của Tesla không phải là mối đe dọa.

"Họ kết luận rằng không có nhiều điều để học hỏi", một trong những nguồn tin cho biết.

Toyota đã ngừng sản xuất RAV4 chạy điện vào năm 2014 và bán cổ phần của mình tại Tesla vào năm 2017. Đến năm 2018, khi Toyota thành lập một bộ phận chuyên trách về không phát thải và bắt đầu xây dựng nền tảng điện tử, Tesla đã có ba mẫu ô tô điện trên đường.

Bài liên quan
Elon Musk có thêm sứ mệnh với Twitter khi đưa Tesla đi theo hướng mới
Liệu ý muốn “làm cho tương lai trở nên tuyệt vời” bằng robot của Elon Musk có tạo được tiếng vang không?

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Toyota phải thay đổi chiến lược ô tô điện vì từng đánh giá thấp Tesla