Sự quan tâm đặc biệt mà người hâm mộ dành cho “thế hệ Công Phượng” là một nghịch lý trong đời sống bóng đá chuyên nghiệp, nơi các ĐTQG luôn là kết tinh của sức mạnh cả nền bóng đá.
1. Sân trung tâm VFF, cuối tháng 8.2014, đội tuyển Olympic đầy mùi Công Phượng Việt Nam một mình tập luyện. Gần như không có sự quan tâm nào cả từ những cơ quan truyền thông và người hâm mộ.
Lý do: cách đó 500 m, bên kia đường Lê Quang Đạo, U19 Việt Nam đang tập luyện chuẩn bị cho giải U19 Đông Nam Á 2014.
Sân Hàng Đẫy, tháng 3.2015, vẫn là Olympic Việt Nam nhưng số CĐV tới sân là hơn 7.000 người, mà đấy là vì BTC sân Hàng Đẫy chỉ mở cửa khán đài A. Và chúng ta đều biết rằng cuộc đối đầu với Hà Nội T&T chỉ là một buổi đá tập, không phải trận giao hữu chính thức. Lý do: đội hình Olympic Việt Nam hiện tại có Công Phượng, Tuấn Anh và cả tá cựu tuyển thủ U19 Việt Nam.
Điểm chung trong cả 2 trường hợp của U19 Việt Nam năm 2014 và Olympic Việt Nam năm 2015 là sự xuất hiện của “thế hệ Công Phượng”.
2. Với HLV Toshiya Miura, với những tuyển thủ quốc gia, với các cầu thủ Olympic khác. Đó là một nghịch lý.
Tháng 9.2014, đoàn quân của ông Miura rời quê hương không kèn không trống. Họ lên đường sang nước bạn, mang theo sứ mệnh dân tộc ở giải đấu cấp độ cao nhất mà bóng đá Việt Nam tham dự trong năm. Nhưng họ gần như không nhận được sự quan tâm. Người ta chỉ bắt đầu nhớ tới tuyển Olympic đầy mùi Công Phượng Việt Nam và HLV Miura sau kỳ tích trước gã khổng lồ Iran ở ngày khai cuộc.
Với đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2014, tình hình cũng diễn ra tương tự. Đội trưởng Lê Tấn Tài thậm chí từng phải thốt lên: “Chúng tôi cũng là những cầu thủ chuyên nghiệp. Xin đừng so sánh chúng tôi với U19 Việt Nam”.
Sự quan tâm đặc biệt mà người hâm mộ dành cho “thế hệ Công Phượng” là một nghịch lý trong đời sống bóng đá chuyên nghiệp, nơi các ĐTQG luôn là kết tinh của sức mạnh cả nền bóng đá.
Nhưng sự quan tâm ấy cũng là một nghịch lý thú vị và hợp lý.
Nó thú vị và hợp lý bởi nó nói lên một sự thật rằng với người hâm mộ, thành tích không phải là điều quan trọng nhất. Điều lớn nhất mà thế hệ Công Phượng mang tới là cảm xúc, là niềm hy vọng, niềm tin về sự tồn tại của những giá trị tử tế vẫn còn trong bóng đá và rộng hơn là trong xã hội.
3. Những giá trị ấy đang được kết tinh và tiếp tục thăng hoa dưới bàn tay của HLV Miura. Giống như những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, chiến lược gia người Nhật Bản đã từng bước chinh phục được người hâm mộ cả nước bằng tài năng, sự chuyên nghiệp, tính kỷ luật và một tinh thần không sợ hãi.
Sự kết hợp của “thế hệ Công Phượng” và HLV Miura đang mang tới một đội Olympic Việt Nam được kỳ vọng nhất và được quan tâm nhiều nhất. Khi 2 giá trị được tôn thờ nhất đời sống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cùng song hành với nhau, sức hút của Olympic Việt Nam là không thể cưỡng lại được. Ít nhất là cho tới lúc này.
Thanh Hà (Thể thao & Văn hóa)