Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe ngày 21.11 đã tuyên bố từ chức. Quyết định được đưa ra ngay sau khi Quốc hội bắt đầu tiến trình luận tội đối với ông.
Trong phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Zimbabwe Jacob Mudenda thông báo Tổng thống Mugabe đã từ chức trong bức thư gửi đến Quốc hội đồng thời dừng tiến trình luận tội. Toàn văn bức thư được công bố như sau:
"Theo tinh thần của Điều 96, khoản 1 của Hiến pháp Zimbabwe, sửa đổi số 20, 2013.
Sau cuộc nói chuyện trực tiếp của tôi với Chủ tịch Quốc hội, Jacob Mudenda vào lúc 13 giờ 53, ngày 21.11.2017, đề cập tới ý nguyện từ chức Tổng thống Cộng hoà Zimbabwe, tôi, Robert Gabriel Mugabe, dựa trên Điều 96, khoản 1 của Hiến pháp Zimbabwe, chính thức đệ đơn xin từ chức làm Tổng thống Cộng hòa Zimbabwe với hiệu lực ngay lập tức.
Quyết định từ chức của tôi là tự nguyện và xuất phát từ mối quan tâm của tôi đối với phúc lợi của người Zimbabwe và mong muốn của tôi để đảm bảo việc chuyển giao quyền lực ôn hoà, hòa bình và bất bạo động thiết lập nền tảng an ninh, hòa bình và ổn định quốc gia.
Vui lòng thông báo công khai về việc tôi từ chức càng sớm càng tốt theo tinh thần của Điều 96, khoản 1 của Hiến pháp Zimbabwe.
Trân trọng,
Robert Gabriel Mugabe, Tổng thống Cộng hòa Zimbabwe".
Thông điệp chúc mừng của đại sứ quán Mỹ - Ảnh: Chụp màn hình
Sau khi tổng thống Mugabe ra thông báo từ chức, nước láng giềng Nam Phi vẫn chưa hề có phản ứng dù họ là nước cử đặc phái viên đến làm trung gian hòa giải suốt tuần qua.Nhưng Đại sứ quán Mỹ tại Harare đã ra thông báo rất nhanh, trong đó viết: "Đêm nay đánh dấu một khoảnh khắc lịch sử cho Zimbabwe. Chúng tôi xin chúc mừng tất cả người dân Zimbabwe đã nêu tiếng nói của họ và tuyên bố một cách hòa bình và rõ ràng rằng đã tới lúcthay đổi những thứ hết thời. Như Ngoại trưởng Tillerson gần đây đã tuyên bố, Zimbabwe có một cơ hội lịch sử để đặt chân lên một con đường mới. Thông qua quá trình đó, Hoa Kỳ kêu gọi sự tôn trọng không ngần ngại đối với pháp quyền và các thực tiễn dân chủ đã được thiết lập".
Như vậy, Zimbabwe đã có sự lựa chọn rõ ràng sau 1 tuần bất ổn và giằng co. Rạng sáng thứ 4 tuần trước, quân đội Zimbabwe đã tiến hành binh biến chiếm đài phát thanh và quản thúc Tổng thống Mugabe tại gia. Tuy nhiên, họ không thừa nhận đây là vụ đảo chính quân sự mà chỉ muốn bảo vệ tổng thống khỏi các phần tử tội phạm ở xung quanh.
Theo giới phân tích, đó là phản ứng sau khi ông Mugabe quyết định loại trừ một loạt nhân vật quan trọng trong đảng cầm quyền Zanu-PF mà đỉnh điểm là việc sa thải cả phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa như để dọn đường cho vợ mình lên kế nhiệm.
Sau khi vụ binh biến tiến hành, hai bên đã có những cuộc đàm phán giằng co. Giới quân đội đã có lúc chùn bước khi chấp nhận để ông Mugabe lên truyền hình hôm Chủ nhật và ra thông điệp không từ chức làm choáng váng dư luận.
Tuy nhiên, áp lực của dư luận trong việc hạ bệ ông Mugabe không hề thuyên giảm. Hôm thứ hai, trong một cuộc bỏ phiếu, 230 nghị sĩ của đảng Zanu cầm quyền trong tổng số 260 nghị sĩ Quốc hội Zimbabwe đã thông qua kiến nghị luận tội tổng thống, trong khi hàng nghìn người dân Zimbabwe cũng tập trung trước Quốc hội để biểu tình yêu cầu ông Mugabe từ chức. Trước áp lực ngày càng dâng cao, ông Mugabe không còn cách nào khác là phải rời bỏ quyền lực sau 37 năm nắm quyền.
A.T