Vào lúc Nga và phương Tây có quan hệ căng thẳng, Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh quân đội Nga phải có 1.013.628 quân từ đầu năm 2018, nâng tổng số binh sĩ Nga lên 1,9 triệu quân, nếu tính cả số nhân viên dân sự hỗ trợ.

Tổng thống Putin nâng quân số lên hơn 1 triệu người

19/11/2017, 06:54

Vào lúc Nga và phương Tây có quan hệ căng thẳng, Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh quân đội Nga phải có 1.013.628 quân từ đầu năm 2018, nâng tổng số binh sĩ Nga lên 1,9 triệu quân, nếu tính cả số nhân viên dân sự hỗ trợ.

Tổng thống Putin muốn có thêm quân - Ảnh: Daily Star

Ngày 17.11, lãnh đạo Nga ký một sắc lệnh, chỉ đạo tăng thêm 100.000 quân vào số 900.000 quân hiện có để có hơn 1 triệu quân. Không rõ vì sao ông Putin ấn định con số này, còn theo trang web phân tích quân sự độc lập Hỏa lực toàn cầu (Global Firepower) năm nay Nga có 798.527 quân nhân.

Nga cần nhiều quân để làm gì?

Nhà phân tích Konrad Muzyka của trang chuyên đề quân sự IHS Jane s nói Nga phải tăng quân vì sau lần sáp nhập Crimea năm 2014 đã buộc Nga tăng cường phòng thủ gần biên giới Nga:

“Họ cần có thêm người và Nga vẫn còn áp dụng nghĩa vụ quân sự, dù đang có chiến lược chuyên nghiệp hóa quân đội. Mảng đầu tiên cần quân là hải quân. Việc cải thiện công nghệ đòi hỏi dân chuyên nghiệp, không phải tân binh. Kế đến là bộ binh”.

Theo Newsweek ngày 17.11, lãnh đạo Nga ra lệnh tăng quân vì muốn Nga tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng ở Đông Âu, cùng viễn cảnh chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên cũng phủ lên Đông Á.

Hiện hàng ngàn quân NATO đã triển khai ở 3 nước vùng biển Baltic (Estonia, Latvia, Litva) để “đề phòng Nga xâm chiếm” từ sau vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Tuy nhiên, Moscow phủ nhận sự cáo buộc của NATO, bật lại rằng chính NATO dàn quân quanh biên giới Nga để bao vây Nga.

Ngày 15.11, trang Defense One đưa tin Tướng Mark Milley, tư lệnh bộ binh Mỹ, nói bộ binh Mỹ cần có thêm quân ở châu Âu, để đương đầu với sự hung hăng của Nga ở khu vực này.

Hiện Mỹ có 62.000 quân ở châu Âu, trong khi thời Chiến tranh Lạnh có 300.000 quân Mỹ ở khu vực này.

Vài năm gần đây, ông Putin chỉ đạo cuộc hiện đại hóa quân sự Nga trị giá hàng tỉ USD. Nga hiện xếp hạng ba thế giới về mức chi quân sự hàng năm, với 69 tỉ USD, sau Trung Quốc (146 tỉ USD) và Mỹ (824 tỉ USD).

Theo Newsweek, ông Putin hiện có nhiều khí tài quân sự hiện đại nhất, sẵn sàng sử dụng nhiều xe tăng hơn bất kỳ nước nào khác, trong khi Nga có lực lượng không quân lớn thứ nhì thế giới.

Trong chương trình hiện đại hóa quân đội, Điện Kremlin đã đầu tư vào các chiến đấu cơ tàng hình, tàu ngầm chạy bằng hạt nhân, xe bọc thép kỹ thuật cao được thiết kế đặc biệt để chịu nổi vũ khí chống tăng của NATO.

Gần đây, Nga cũng tăng cường phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Các lãnh đạo quân đội nói dữ liệu từ những cuộc phóng này được dùng để phát triển vũ khí mới, có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Mỹ đề phòng sức mạnh quân sự Nga-Trung Quốc

Cùng ngày 17.11, tướng Denis Mercier thuộc bộ chỉ huy tối cao NATO nói chuyện với Hội đồng Atlantic (một tổ chức nghiên cứu liên kết với NATO) qua đó ông cảnh báo chiến tranh cấp toàn cầu có thể xảy ra, trong khi sức mạnh quân sự phương Tây đã bị suy yếu trước thế lực quân sự Nga và Trung Quốc.

Ông nói các thế lực không phải phương Tây, nhất là việc thúc đẩy sức mạnh quân sự và kinh tế của Nga và Trung Quốc đã làm lung lay sức mạnh của liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu.

Theo trang The Hill, tướng Mercier nói: “Trung Quốc dùng quyền lực kinh tế để tăng chi quốc phòng. Ấn Độ cũng thế trong khi Nga đang lại thể hiện ý chí lại trở thành một thế lực lớn, thách thức trật tự đã có trong không gian Liên Xô cũ”.

Nhận định của tướng Mercier là hồi âm trực tiếp với báo cáo Phân tích dự báo chiến lược mới nhất của NATO. Báo cáo này công bố hồi tháng 10, phân tích khuynh hướng chính trị quốc tế hiện nay để định hình chiến lược của NATO cho đến năm 2035.

Báo cáo này nêu “một trong những thay đổi lớn nhất trên thế giới, chính là sự tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lớn”.

NATO đã đổ nguy cơ xung đột tầm Thế chiến 3 cho việc Nga lại nổi lên ở Đông Âu, theo The Hill.

Hồi tháng 9, tướng thủy quân lục chiến Mỹ Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ (JCS) giải trình với Ủy ban quân vụ Thượng viện cho biết dù ông xem CHDCND Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ, nhưng về mức độ khẩn cấp thì ông lo ngại nhất tổng khả năng quân sự của Nga, và ông cho rằng Trung Quốc có thể “trở thành mối đe dọa lớn nhất kể từ năm 2035”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhanh chóng cải tổ quân đội để có một lực lượng quân sự đông nhất thế giới, có thể bảo vệ dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại Một vành đai một con đường xuyên Á-Phi-Âu và Trung Đông, cùng làm đối trọng với sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.

Hai vị lãnh đạo Nga-Trung cũng đã nỗ lực lập quan hệ chặt chẽ hơn. Nga-Trung tổ chức nhiều cuộc tập trận chung trên khắp thế giới, từ Đông Á đến vùng biển Baltic.

Ngày 17.11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Nga-Trung sẽ diễn tập chống tên lửa ở Bắc Kinh từ ngày 11 đến 16.12.

Mục tiêu của cuộc diễn tập là cùng thực hiện khả năng phòng thủ chống tên lửa và cách đối phó “những cuộc tấn công mang tính khiêu khích và bất ngờ vào lãnh thổ của hai quốc gia bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình”, theo Reuters dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Thông cáo trên khẳng định cuộc diễn tập sắp tới “không nhắm vào bất kỳ bên thứ 3 nào”, nhưng không cung cấp chi tiết.

Nga-Trung đều lo ngại việc Mỹ dàn hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Hai nước phản đối Mỹ với lập luận việc này không giúp hạ nhiệt căng thẳng với Triều Tiên.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn lo ngại hệ thống radar cực mạnh của THAAD có thể “thọc sâu” vào lãnh thổ Trung Quốc, gây tổn hại an ninh nước này.

Trong khi đó, Seoul và Washington lập luận THAAD cần thiết cho việc chống lại các mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.

THAAD đã được Lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc (USFK) đưa vào vận hành một phần hồi tháng 5 sau khi radar, hệ thống liên lạc và kiểm soát hỏa lực cùng 2 bệ phóng tên lửa đánh chặn được triển khai tới huyện Seongju, cách Seoul khoảng 300km về phía nam.

Đến tháng 9, USFK tiếp tục điều thêm 4 bệ phóng tới Seongju, hoàn tất việc triển khai một khẩu đội THAAD.

Hồi cuối tháng 10, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho hay Seoul không xem xét triển khai thêm khẩu đội THAAD tới nước này.

Vĩnh Thụy (theo Newsweek)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Putin nâng quân số lên hơn 1 triệu người