Nga đã rút khỏi văn kiện sáng lập Tòa án Hình sự Quốc tế ICC, sau khi tòa án có trụ sở ở The Hague này tuyên bố việc Moscow sáp nhập Crimea là hành động "xung đột vũ trang" với Ukraine.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga ngày 16.11 cho biết nước này chính thức rút khỏi Quy chế Rome về việc thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế theo mệnh lệnh của Tổng thống Vladimir Putin.
Dù vậy đây chỉ được xem là một hành động mang tính "biểu tượng" vì năm 2.000, Nga đã ký tham gia Quy chế Rome để thành lập ICC nhưng chưa bao giờ phê chuẩn quy chế này.
“Tòa ICC không đạt được kỳ vọng (của Nga) và cũng không trở thành một cơ chế công lý quốc tế thực sự độc lập”, thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, đồng thời mô tả hoạt động của ICC mang tính “một chiều và thiếu hiệu quả”.
Nga rút khỏi văn kiện sáng lập ICC sau khi tòa an này liên tục ra hai phán quyết gây bất lợi cho Nga trong cuộc xung đột tại Gruzia hồi năm 2008 và việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
Moscow cho rằng ICC đã lờ đi hành động gây hấn của Gruzia nhằm chống lại dân thường ở Nam Ossectia - khu vực thân Nga và ly khai khỏi Gruzia - trong cuộc chiến 5 ngày hồi năm 2008.
Riêng về vấn đề Crimea thì trongngày 15.11,ICC đã ra một phán quyết tuyên bố công nhận việc Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014 là một cuộc "xung đột vũ trang" giữa Liên bang Nga và Ukraine.
"Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, tình hình ở Crimea và Sevastopol là tương đương với một cuộc xung đột vũ trang quốc tế giữa Ukraine và Liên bang Nga. Liên bang Nga đã dùng quân đội của mình để giành quyền kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine mà không có sự đồng ý của chính phủ Ukraine", theo báo cáo sơ bộ từ công tố viên Fatou Bensouda của ICC.
Thế nhưng, báo cáo sơ bộ của ICC cũng ghi nhận là "Nga nhận được quyền quản lý Crimea không tốn một viên đạn" và các quân nhân Nga đãlợi dùng tình hình "để thiết lập sự kiểm soát với lãnh thổ, nơi có căn cứ quân sự và các tòa nhà của chính phủ Ukraine".
Cũng trong ngày 15.11, Ủy ban Nhân quyền của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phê chuẩn một phán quyết lên án sự “chiếm đóng tạm thời” của Nga đối với Crimea và cáo buộc lạm dụng nhân quyền của Nga tại Crimea.
Trước đó, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình hồi năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý trên bán đảo và vấp phải sự chỉ trích dữ dội của phương Tây về động thái này.
Không chỉ Nga, gần đây Nam Phi, Burundi và Gambia cũng đã chính thức gửi công văn tới Tổng thư ký Ban Ki-moon thông báo về việc sẽ rút ra khỏi ICC vì cho rằng tòa án này tập trung xử lý quá nhiều nhân vật ở châu Phi.
Thiên Hà