Theo trang tin ABS-CBN, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa có chuyến thăm doanh trại Artemio Ricarte ở TP. Puerto Princesa, tỉnh Palawan ngày 6.4.
Tại đây, ông đã tuyên bốvới các quan chức thuộc Bộ Tư lệnh phía tây của Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) về việc đưa người lên các thực thể địa lý mà Philippines kiểm soát tại Biển Đông. Ông Duterte nói đã đến lúc quân độiphải xây dựng các cơ sở và cắm cờ Philippines trên các đảo không có người ở hay bãi cạn mà ông cho là thuộc chủ quyền của Philippines.Trước giới truyền thông, ông Duterte cho hay cókhoảng 9 đến 10 thực thể địa lý như vậyở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
“Chúng ta cố gắng làmbạn với mọi người, nhưng đồng thời chúng ta phải duy trì chủ quyền tại khu vực, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, và tôi ra lệnh cho AFP hãy chiếm đóng tất cả nơi này”, Tổng thống Duterte nói.
Việc đưa người đến chiếm đóng các thực thể không người ở tại Trường Sa, nếu được hiện thực hóa, sẽ là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo này. Không những thế, đây là hành động vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó có nội dung kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những đảo hoang, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những thực thể khác.
Đồng thời, ông Duterte cũng cho biết "Trong ngày lễ Độc lập sắp tới (12.6), tôi có thể tới đảo Pagasa để kéo quốc kỳ",Pagasa là cách Philippines gọi đảo Thị Tứ tại quần đảo Trường Sa.Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Philippines chiếm giữ trái phép. Theo Reuters, Philippines chiếm 9 cấu trúc ở Trường Sa, gồm bãi Cỏ Mây. Nước này cho quân lính đồn trú trên BRP Sierra Madre - một tàu vận tải thời Thế chiến II mắc kẹt tại đây.Ông Duterte tuyên bố sẽ thay xác tàu BRP Sierra Madre bằng con tàu sang trọng, cho phép binh sĩ nước này có thể thoải mái đồn trú và thư giãn trong lúc canh gác “lãnh hải”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tuân thủ đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).Mọi hoạt động xây dựng, cải tạo tại các cấu trúc thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp.