Ngày 12.7 là dịp kỷ niệm Philippines mừng thắng kiện trước Trung Quốc, sau khi Tòa án trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 phán quyết Trung Quốc không hề có “chủ quyền lịch sử” trên Biển Đông, và bác “bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Bắc Kinh tự vẽ.
Việc Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, một tuyến đường hàng hải chiến lược trị giá 3 ngàn tỉ USD/năm, và trưng “bản đồ tự vẽ đường lưỡi bò 9 đoạn” đã gây ra tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan.
Vào ngày 12.7.2018, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại bị ép yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết PCA, vì đã hai năm trôi qua, Bắc Kinh phớt lờ phán quyết.
Mỹ và các chính phủ phương Tây đều ủng hộ phán quyết PCA, gọi đó là một tiến trình hòa bình dựa theo luật quốc tế, để giải quyết tranh chấp.
Phát biểu tại một diễn đàn nhân 2 năm ngày PCA ra phán quyết, cựu Ngoại trưởng Albert Del Rosario nói Philippines đã không tận dụng 2 năm để có thể tranh thủ sự ủng hộ của nhiều quốc gia.
Nhưng Phó Tổng thống Leni Robredo Roque bác bỏ nhận định của ông Del Rosario: “Việc Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Philippines chính là mối đe dọa nghiêm trọng nhất từ bên ngoài vào nước ta kể từ sau Thế chiến 2”.
Nhưng bà nói thêm phán quyết PCA đã “chứng minh việc gìn giữ hòa bình, tôn trọng luật pháp chính là sức mạnh lớn lao hơn cả quyền lực của tàu chiến và vũ khí”.
Ông Del Rosario từng đại diện Philippines đâm đơn kiện Trung Quốc ở PCA. Ông gọi Trung Quốc là “kẻ cắp lớn” vì cứ đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông mà bất chấp phán quyết PCA, và Bắc Kinh còn “dán nhãn” Philippines là “một nạn nhân sẵn lòng” vì đã chấp nhận sự thách đố của Trung Quốc.
Tổng thống Duterte từ khi nắm quyền lực vào cuối năm 2016 đã muốn lập quan hệ thân cận hơn với Bắc Kinh và muốn Trung Quốc đầu tư mạnh vào Philippines, nên không đòi Trung Quốc lập tức tuân thủ phán quyết PCA.
Hồi cuối năm 2016, Tổng thống Duterte tuyên bố “gạt qua một bên” phán quyết PCA và “không áp đặt bất cứ điều gì với Trung Quốc”. Tổng thống Duterte thường nói không thể đánh trận với Trung Quốc mạnh hơn.
Năm 2017, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị làm trung gian cuộc tranh chấp, ông Duterte nói “tốt nhất để yên vụ việc”, và ông sẽ không liều lĩnh đối đầu với Trung Quốc vì không có gì đảm bảo Mỹ sẽ đứng về phía các nước Đông Nam Á nếu chiến tranh nổ ra.
Nhưng các nghị sĩ đối lập chỉ trích Tổng thống Duterte không dám đối đầu Trung Quốc, thậm chí không dám ra công hàm ngoại giao để phản đối Bắc Kinh.Các nghị sĩ Philipines cũng chỉ trích ông Duterte “thần phục” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo Reuters, Tổng thống Duterte nhắc đi nhắc lại đề nghị Philippines cùng Trung Quốc khai thác và phát triển vùng Biển Đông nhiều dầu thô và khí tự nhiên.
Ông Duterte nói lúc nào đó trong nhiệm kỳ 6 năm, ông cùng các quan chức sẽ tổ chức đối thoại với Bắc Kinh, để giải quyết tranh chấp, hạ nhiệt căng thẳng và để đạt được những nhượng bộ, gồm Trung Quốc quyết định ngưng việc cấm ngư dân Philippines đánh cá ở một bãi cạn mà hai bên tranh chủ quyền.
Biểu ngữ "Chào mừng đến Philippines, tỉnh của Trung Quốc" gây ra biểu tình- Ảnh : Reuters
Cùng ngày 12.7, hàng chục người biểu tình trước Sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Manila, hô vang “Trung Quốc, cút ngay”.
Theo Reuters, sự phẫn nộ này do ai đó đã bí mật treo nhiều biểu ngữ “Chào mừng đến Philippines, tỉnh của Trung Quốc” trên các cây cầu ở Manila. Các biểu ngữ viết bằng hai thứ tiếng Anh - Hoa, cùng 2 con rồng. Cảnh sát đã kịp đến tháo bỏ các biểu ngữ này.
Một số cư dân mạng đặt giả thiết phe đối lập ở Philippines treo các biểu ngữ này, nhằm chỉ trích mối quan hệ nồng ấm giữa chính phủ Tổng thống Duterte với Bắc Kinh. Người phát ngôn của Tổng thống Duterte, ông Harry Roque gọi các biểu ngữ là "tào lao" và quy trách nhiệm cho các đối thủ chính trị của chính phủ.
Một số ý kiến khác chỉ trích chính phủ Manila không dám đối mặt với sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. "Nó quá lắm rồi. Đất nước này đã bị bán" - một người dùng Facebook viết.
Bích Ngọc (theo Fox News, Reuters)