Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita, 75 tuổi, đã tuyên bố từ chức và giải tán nghị viện nước này. Sự kiện này xảy ra chỉ vài giờ sau khi ông bị các binh sĩ nổi dậy bắt giữ.

Tổng thống Mali từ chức sau khi bị quân đội bắt giữ, quốc tế phản ứng

19/08/2020, 09:23

Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita, 75 tuổi, đã tuyên bố từ chức và giải tán nghị viện nước này. Sự kiện này xảy ra chỉ vài giờ sau khi ông bị các binh sĩ nổi dậy bắt giữ.

Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita - Ảnh: Reuters

"Vào thời điểm này, tôi muốn cảm ơn người dân Mali đã ủng hộ tôi suốt những năm qua cũng như tình cảm nồng ấm của họ. Tôi cũng thông báo với người dân về quyết định từ bỏ chức vụ của mình. Tôi không muốn vì duy trì quyền lực mà dẫn tới đổ máu", ông Keita phát biểu trên truyền hình nhà nước và cho biết cả chính phủ cùng quốc hội Mali sẽ bị giải tán.

Thông báo được đưa ra một ngày sau khi các binh sĩ nổi dậy bắt ông Keita và Thủ tướng Boubou Cisse. Các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy Tổng thống Boubacar Keita và Thủ tướng Boubou Cisse trong đoàn xe quân sự bị lực lượng nổi dậy có vũ trang bao vây. Đoàn xe được cho là đang ở căn cứ Kati. Tuy nhiên tính xác thực của các hình ảnh này vẫn chưa được xác nhận.

Các binh sĩ nổi dậy bên ngoài thủ đô Bamako và bắt giữ Tổng thống, Thủ tướng cũng như hàng loạt quan chức cấp cao nước này - Ảnh: RTE

Hành động từ chức của Tổng thống Keita diễn ra trong bối cảnh hàng chục nghìn người Mali tràn ra đường phố ở thủ đô Bamako trong những tuần gần đây, cáo buộc tổng thống tham nhũng, làm suy yếu an ninh tại miền bắc và miền trung Mali, nơi các phiến quân Hồi giáo đang hoạt động.

Được biết, ông Keita lên nắm quyền hồi năm 2013 và tái đắc cử vào năm 2018. Tuy nhiên, người dân ngày càng tức giận trước sự yếu kém của chính phủ, nạn tham nhũng và nền kinh tế sa sút giữa lúc đại dịch COVID-19 đang tàn phá quốc gia châu Phi này.

Binh lính ăn mừng sau khi bắt giữ Tổng thống Keita hôm 18.8 - Ảnh: Reuters

Quốc tế phản ứng

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã lên án cuộc nổi dậy ở Mali và kêu gọi lập tức khôi phục trật tự hiến pháp và pháp quyền, cũng như trả tự do cho các nhà lãnh đạo của đất nước. Người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric cho biết, ông Guterres đang theo dõi sát sao tình hình biến động, kêu gọi người dân Mali hãy cố duy trì hoạt động của các cơ quan dân chủ.

Người phát ngôn Dujarric khẳng định, Phái bộ gìn giữ hòa bình tại Mali cũng như các lãnh đạo chủ chốt của LHQ sẽ phối hợp với các tổ chức như Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Liên minh châu Phi (AU), Liên minh châu Âu (EU) và nhiều đối tác khác để hỗ trợ người dân Mali củng cố hòa bình và dân chủ tại đây.

Chủ tịch AU Moussa Faki Mahamat đã lên tiếng phản đối bất kỳ nỗ lực thay đổi nào vi phạm hiến pháp, kêu gọi các binh sĩ ngừng sử dụng bạo lực và trả tự do ngay lập tức cho các lãnh đạo bị bắt giữ. "Tôi kịch liệt lên án vụ bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, thủ tướng và các thành viên khác của chính phủ Mali. Họ phải được thả ngay lập tức", ông Faki viết trên mạng xã hội Twitter.

Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi cũng lên án mẽ các nỗ lực đảo chính ở Mali, đồng thời thông báo sẽ có một loạt hành động đáp trả, bao gồm việc các nước thành viên của khối này sẽ đóng cửa biên giới trên bộ và trên không với Mali, tuyên bố sẽ có lệnh trừng phạt với những ai tham gia vụ binh biến.

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell nói: “EU lên án âm mưu đảo chính đang diễn ra ở Mali và bác bỏ toàn bộ thay đổi nào không phù hợp với hiến pháp. Đây không phải là cách để phản ứng cho cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội đã tác động tới Mali trong những tháng qua”. Ông Borrell cũng khẳng định, EU sẽ phối hợp với LHQ và ECOWAS để kêu gọi đối thoại tại Mali.

Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ quan ngại về tình hình xảy ra và lưu ý rằng hiện vẫn chưa rõ tình hình ở Mali sẽ diễn biến ra sao. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết Pháp "lên án mạnh mẽ vụ việc nghiêm trọng này". Đặc phái viên Mỹ tại khu vực Sahel (châu Phi), ông J. Peter Pham cho biết trên Twitter: “Mỹ phản đối tất cả những thay đổi ngoài hiến pháp của chính phủ".

Hoàng Vũ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Mali từ chức sau khi bị quân đội bắt giữ, quốc tế phản ứng