Dưa hành muối, dưa giá hay muối dưa kiệu… là những món ăn không thể thiếu mỗi dịp Tết về. Sau đây là tổng hợp cách làm đơn giản, không tốn nhiều thời gian và ngon miệng với một số món từ rau củ quả.

Tổng hợp cách làm một số món ngon từ rau củ quả để chống ngán trong dịp Tết

28/01/2018, 12:59

Dưa hành muối, dưa giá hay muối dưa kiệu… là những món ăn không thể thiếu mỗi dịp Tết về. Sau đây là tổng hợp cách làm đơn giản, không tốn nhiều thời gian và ngon miệng với một số món từ rau củ quả.

Nguồn: Youtube

1.Dưa giá hẹ

Nguyên liệu: 500gr giá đậu, 100gr hẹ, 1 củ cà rốt, hành tím, muối, đường, dấm ăn.

Món dưa giá hẹ thường ăn kèm với món thịt kho tàu hoặc một số món mặn khác trong dịp Tết - Ảnh: Phunutoday

Thực hiện:

- Giá đậu nhặt bỏ cọng hư, rửa sạch sau đó vớt ra rổ để ráo. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, xắt lát mỏng sau đó thái sợi. Lá hẹ cắt gốc, nhặt bỏ lá già úa, rửa sạch, xắt khúc. Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng.

- Trộn đều các nguyên liệu giá đỗ, hẹ và cà rốt.

- Pha nước muối dưa giá từ khoảng 2 lít nước đun sôi để nguội, 2 thìa muối hạt, 1 thìa đường và chút xíu dấm ăn. Nêm nếm độ mặn sao cho mặn hơn khi nấu canh một chút, sau đó cho hành tím đã thái lát vào cùng, có thể thơm ớt nếu muốn ăn cay. Cho nước muối vào 1 bình thủy tinh đã rửa sạch, lau khô.

- Thả hỗn hợp giá, cà rốt, hẹ ở trên vào trong bình thủy tinh đã chứa sẵn nước muối dưa, chú ý nước phải ngập dưa giá.

- Sau đó đậy nắp lại, thường 1-2 ngày là dưa giá đã chua, khi ăn lấy ra đĩa chấm cùng nước mắm chanh ớt. Món này sẽ ngon hơn khi bạn ăn kèm với món thịt kho hột vịt, cá kho,…

2.Hành củ muối

Nguyên liệu: 1kg hành củ, đường, muối, 1/2 củ gừng

Món ăn để nhâm nhi với tôm khô trong các bữa ăn ngày Tết - Ảnh: Wikicachlam

Thực hiện:

- Hành tím chọn loại già, đều củ thì sau khi muối hành sẽ ngọt, giòn. Sau khi mua về bạn ngâm hành vào nước gạo trong khoảng vài tiếng cho bụi ra bớt và để lớp vỏ bên ngoài tự bong, khi rửa sẽ sạch đất bám ở gốc hành.

- Bóc bỏ lớp vỏ hành bong ở bên ngoài, cắt bớt rễ, để lại gốc hành. Bạn lưu ý không cắt gốc thì sẽ tránh được việc hành bị nhũn, ủng. Để hành ra rổ cho róc nước. Cho hành vào lọ cùng khoảng 200g muối tinh, xóc đều, để trong khoảng 2 - 3 ngày; thỉnh thoảng xóc đều để hành ra hết nước.

- Đổ hành ra rổ, để ráo nước. Gừng rửa sạch, cạo vỏ, đập dập.

- Pha đường với nước ấm cùng chút muối. Lúc này bạn chỉ cho ít muối, nêm hơi nhạt vì hành đã có muối rồi.

- Đổ nước vừa pha vào lọ, đổ hành và gừng vào khuấy đều, nước phải ngập hành; khuấy đều rồi nếm cho vừa đủ độ mặn ngọt và có mùi thơm của gừng. Nếu thấy nhạt bạn thêm chút muối.

- Đậy nắp kĩ để khoảng 1 tuần - 10 ngày là ăn được. Khi ăn bạn bóc lớp vỏ ngoài của hành đến khi thấy lớp hành trắng bên trong, cắt gốc. Trộn cùng vài miếng ớt xắt lát tùy thích.

3. Muối củ kiệu

Nguyên liệu: 2kg kiệu, 2 chén giấm, 1 chén đường, 1 muỗng canh muối

Nếu như ở miền Bắc thường làm dưa cải chua hay hành tím thì của kiệu là món được ưa chuộng trong bữa ăn của người miền Nam - Ảnh: Doisongphapluat

Thực hiện:

- Cắt bỏ lá và rễ kiệu, không cắt sát củ, chừa lại khoảng 1 phân rễ và lá. Hòa tan 20g vôi ăn trầu (vôi trắng) trong một thau nhỏ nước lạnh, đủ vừa ngâm qua 1 đêm. Qua ngày sau, xả kiệu với nước lạnh vài lần cho sạch nước vôi, loại bỏ hết tất cả các củ giập, úa. Sau khi cắt rễ, lá xả lại một, hai lần nước lạnh. Trải đều kiệu và phơi ra nắng lớn cho héo kiệu.

- Đổ hỗn hợp giấm, đường, muối vào 1 nồi lớn, tùy giấm đã đủ độ chua hay không, nêm lại theo khẩu vị chua, mặn, ngọt vừa phải. Nấu sôi, đừng để lớn lửa, sau khi sôi khoảng chừng 5 phút, bắc nồi xuống, để nguội.

- Sau khi kiệu đã héo, cắt bỏ rễ và lá 1 lần nữa, cắt lá vừa sát thân củ, cắt rễ sát vào củ nhưng chừa 1 ít u rễ, nếu cắt phạm vào thân củ, kiệu sẽ bị úng khi muối.

- Sắp kiệu vào lọ, hũ thủy tinh. Sắp thành lớp. Phần đuôi rể quay ra ngoài, xếp đầy đến gần miệng hũ, dùng những thanh nan tre mỏng, rửa sach, đan chéo, gài chặt mặt kiệu lại, bảo đảm khi đổ giấm vào, kiệu không bị trồi lên. Đổ hỗn hợp giấm, đường muối đã để nguội vào, ngập hơn mặt kiệu chừng lóng tay. Đậy kín hũ để khoảng 5 ngày là ăn được.

4. Muối củ cải, cà rốt chua ngọt

Nguyên liệu: 450g cà rốt, 450g củ cải trắng, 110g đường, 1 thìa cà phê muối, 300ml dấm, 240ml nước ấm

Món cải cà rốt chua ngọt dễ ăn, giúp giải ngán cho các bữa ăn - Ảnh: Eva

Thực hiện:

- Cà rốt và củ cải trắng rửa sạch, gọt vỏ, thái que dài, dày khoảng 0,5cm mỗi cạnh.

- Cho cà rốt và củ cải vào tô lớn, rắc 2 thìa cà phê đường và 1 thìa cà phê muối, dùng tay nhẹ nhàng xóc và trộn đều cho củ cải ngấm đường, muối trong khoảng 3 phút và bắt đầu mềm ra; tới khi bạn bẻ gập chúng lại mà không bị gãy là được. Đổ củ cải và cà rốt ra rổ, tráng qua với nước rồi để ráo.

- Trong một tô khác, hòa tan nốt chỗ đường còn lại với dấm và nước ấm.

- Chuẩn bị hũ thủy tinh khô, sạch. Gắp củ cải – cà rốt vào hũ rồi đổ nước trộn chua ngọt vào xâm xấp mặt củ cải, đợi nguội hoàn toàn bạn mới đóng nắp.

- Sau 1-2 ngày cà rốt và củ cải sẽ có vị ngon nhất, lúc này bạn có thể cất chúng vào ngăn mát tủ lạnh để ngăn chặn chua hơn nữa.

Minh An (Tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng hợp cách làm một số món ngon từ rau củ quả để chống ngán trong dịp Tết