Theo kết luận điều tra, quá trình thực hiện giai đoạn 1, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đồng ý cho Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á được liên danh thực hiện 3 gói thầu.
Theo dòng thời sự

Tổng giám đốc Việt Á liên quan gì đến AIC?

Nhã Thanh 28/04/2024 17:05

Theo kết luận điều tra, quá trình thực hiện giai đoạn 1, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đồng ý cho Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á được liên danh thực hiện 3 gói thầu.

Như Một Thế Giới đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 14 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), Sở KH-ĐT TP.HCM và Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.

Trong đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch AIC), Trần Mạnh Hà (Phó tổng giám đốc AIC), Trần Đăng Tấn (Trưởng văn phòng đại diện Công ty AIC tại TP.HCM) bị đề nghị truy tố về tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đáng chú ý, trong kết luận điều tra vụ án này còn nhắc tới cái tên Việt Á và ông chủ nó là Phan Quốc Việt.

phan-quoc-viet.png
Bị cáo Phan Quốc Việt tại phiên tòa sơ thẩm vụ án Việt Á do TAND TP.Hà Nội xét xử - Ảnh: N.A

Cụ thể, thông qua các mối quan hệ, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thỏa thuận, thống nhất với bị can Dương Hoa Xô (cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM) cho Công ty AIC thực hiện các gói thầu dự án 12 phòng thí nghiệm, thông đồng nâng giá để hưởng lợi 40% giá trị gói thầu.

Nhờ đó, Công ty AIC và Công ty Mopha (thuộc hệ sinh thái AIC) trúng 6 gói thầu và các công ty do AIC chỉ định, gồm Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á, Công ty Vimedimex trúng 3 gói thầu.

Theo kết quả điều tra, Công ty AIC đã thông đồng với chủ đầu tư là Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM thỏa thuận cho Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á tham gia liên danh, Công ty Vimedimex đứng tên trúng thầu thay.

Trước đó, quá trình thực hiện giai đoạn 1, bà Nhàn đồng ý cho Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á được liên danh thực hiện 3 gói thầu.

Ông Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) khai rằng đầu năm 2015 Việt được biết Công ty AIC đã đồng ý cho Công ty Gene Việt (có 10% vốn góp của Việt Á) liên danh thực hiện 3 gói thầu giai đoạn 1 dự án 12 phòng thí nghiệm. Điều kiện được đưa ra là đảm bảo giữ nguyên lợi nhuận của AIC và Gene Việt chịu trách nhiệm toàn bộ các thủ tục đấu thầu.

Do Gene Việt mới thành lập, chưa đủ năng lực nên công ty này giao Công ty Việt Á đứng tên liên danh với AIC và thực hiện các thủ tục thay Gene Việt.

Theo phân công, Việt đã giao cho Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á nghiên cứu, điều chỉnh lại danh mục thiết bị theo hướng đưa vào các thiết bị mà nhóm Công ty Gene Việt có thế mạnh, giao nhân viên xây dựng hồ sơ mời thầu tạo lợi thế cho liên danh AIC - Việt Á; tìm một đơn vị đứng tên trúng 1 gói thầu, tránh sự khiếu kiện.

Chưa hết, Việt còn giao Phó tổng Việt Á lập hồ sơ dự thầu cho các công ty “quân xanh” để đảm bảo liên danh nói trên trúng thầu, tránh bị hủy thầu.

“Sau khi trúng thầu, Công ty Việt Á đã liên hệ với nhà cung cấp mua thiết bị, sau đó bán lại cho Công ty Gene Việt và Công ty Mopha theo đúng giá mua, để 2 đơn vị này bán cho Công ty AIC và Công ty Vimedimex trước khi bàn giao cho Trung tâm Công nghệ sinh học nên Việt Á không được hưởng lợi gì”, đó là lời khai của Phan Quốc Việt trong kết luận điều tra.

Ngoài vụ án nói trên, đầu năm 2023, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Thị Thanh Nhàn 30 năm tù trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu, đưa - nhận hối lộ” xảy ra ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Đây là vụ án đầu tiên bà Nhàn bị điều tra và đưa ra xét xử vắng mặt.

Cuối tháng 10.2023, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên án 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án xảy ra tại dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh.

Cuối năm 2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam đối với 9 bị can trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ TT-TT. Trong đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 8 bị can khác bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước đó, Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can, đồng thời đề nghị bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với Phan Quốc Việt, đầu tháng 1.2024, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) 29 năm tù về 2 tội danh “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là phần nội dung do Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố.

Cuối năm 2023, Tòa án Quân sự thủ đô Hà Nội tuyên phạt Phan Quốc Việt 25 năm tù (tổng hình phạt của 2 tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”) trong vụ án xảy ra tại Học viện Quân y.

Bài liên quan
Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị đề nghị truy tố
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM…, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị truy tố 2 tội danh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng giám đốc Việt Á liên quan gì đến AIC?