Bị một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TP.Cần Thơ cho rằng không minh bạch trong việc mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo, Tổng cục Hải quan đã lên tiếng.

Tổng cục Hải quan nói gì về việc mở tờ khai xuất khẩu lúc nửa đêm?

14/04/2020, 06:34

Bị một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TP.Cần Thơ cho rằng không minh bạch trong việc mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo, Tổng cục Hải quan đã lên tiếng.

Rất nhiều doanh nghiệp đang xếp hàng ‘ngóng’ để được xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay - Ảnh: Thanh Nguyên

Tối 13.4, Tổng cục Hải quan đã phát đi văn bản, giải thích một số việc liên quan đến 400.000 tấn gạo được xuất khẩu trong tháng 4 theo chỉ đạo của Bộ Công thương.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn theo thông báo số 2827/VPCP-KTTH ngày 10.4 vừa qua của Văn phòng Chính phủ, cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành quyết định số 1106/QĐ-BCT công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4.2020.

Quyết định có hiệu lực kể từ 0 giờ ngày 11.4. Trong đó có quy định về nguyên tắc quản lý hạn ngạch như sau: Thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Số lượng khai trên tờ khai hải quan đã đăng ký sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4. Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn (tờ khai hải quan có số lượng vượt quá mốc 400.000 tấn sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan). Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Về việc doanh nghiệp phản ánh Tổng cục Hải quan cho mở tờ khai lúc nửa đêm, đơn vị này giải tích, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) do Chính phủ Nhật Bản viện trợ hoạt động theo nguyên tắc xử lý tự động. Để thực hiện quyết định của Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan cần có thời gian để thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Kể từ 24 giờ ngày 11.4, hệ thống đã được thiết lập để hoạt động tự động theo nguyên tắc tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu theo nguyên tắc tờ khai đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước, ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống, không có sự can thiệp của công chức hải quan.

Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4 (400.000 tấn).

Trước đó, Một Thế giới đã thông tin, ngày 13.4, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ) đã có đơn đề nghị giải quyết khẩn cấp gửi tới Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương trình bày về việc Hải quan mở hệ thống phần mềm khai hải quan điện tử không minh bạch.

Giám đốc doanh nghiệp này trình bày, vào lúc gần 15 giờ ngày thứ bảy (ngày 11.4.2020), doanh nghiệp nhận được quyết định số 1106/QĐ-BCT và công văn số 0361/XNK-NS cùng ngày 10.4.2020 của Bộ Công Thương. Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, ngay sau đó, nhân viên của ông đã túc trực trên máy tính để mở tờ khai cho những lô hàng khai dang dở từ ngày 24.3.2020.

Cụ thể, công ty cho nhân viên trực làm tờ khai hải quan đến 21 giờ ngày 11.4, nhưng hệ thống phần mềm Hải quan điện tử không mở. Ông Bình cho biết, doanh nghiệp này cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin công bố hoặc công văn nào có liên quan về việc "mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai và thông quan" mặt hàng gạo của Hải quan.

“Chúng tôi lên hệ thống phần mềm Hải quan điện tử VNACCS (phần mềm khai báo hải quan của Tổng cục Hải quan - PV) để lấy thông tin tờ khai, thì chỉ nhận được thông báo: “Thực hiện không thành công, kết thúc bất thường được phát hiện ở Trung tâm””, ông cho biết.

Cũng theo trình bày của ông Bình, đến sáng chủ nhật (ngày 12,4), doanh nghiệp này tiếp tục lên hệ thống để thực hiện mở tờ khai, thì hệ thống công bố là đủ chỉ tiêu. Trong đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Bình cho rằng, việc làm của Hải quan là không minh bạch.

Tổng cục Hải quan thống kê, trong thời gian từ 24 giờ ngày 11.4.2020 đến 19 giờ 34 ngày 12.4.2020 đã có 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu tại 13 Chi cục Hải quan. Số lượng gạo đã đăng ký tờ khai xuất khẩu là 399.999,73 tấn. Nghĩa là, trong khi Hải quan TP.HCM vẫn đang chờ được hướng dẫn thực hiện thông quan đối với xuất khẩu gạo thì trước đó gần 1 ngày, các doanh nghiệp đã hoàn thành tờ khai để đạt đến con số xuất đi 400.000 tấn gạo trong tháng 4!

Ông Bình cho biết, từ trước ngày 24.3 đến nay, Công ty Trung An đã phải tạm dừng đăng ký và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu đã và đang trên đường lên cảng. “Hiện tại, đang có mấy trăm ngàn tấn gạo đã nằm tại các cảng đang chờ thông quan (danh sách, số container các doanh nghiệp nhận về để đóng gạo, hãng tàu, cảng, Bộ Công Thương đều nắm rất rõ)”, ông cho biết. Và ông nói rằng, nếu Hải quan cho mở tờ khai, thì việc đầu tiên phải cho các lô gạo của các doanh nghiệp đã và đang khai dở dang xuất khẩu, sau đó mới cho khai mới.

Trước những vấn đề như vậy, Công ty Trung An đã có văn bản như nêu trên gửi đến Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công thương xem xét có biên pháp ngăn chặn gấp để tránh trục lợi chính sách của lợi ích nhóm.

Thanh Nguyên

Bài liên quan
Tổng cục Hải quan điều động, bổ nhiệm nhiều cục trưởng
Tổng cục Hải quan vừa công bố các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục trưởng hải quan các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Lạng Sơn, Nghệ An.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng cục Hải quan nói gì về việc mở tờ khai xuất khẩu lúc nửa đêm?