Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cần khẩn trương triển khai Đề án tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương theo mô hình công an 3 cấp gồm bộ - tỉnh - xã, không tổ chức công an cấp huyện.
Không tổ chức công an cấp huyện
Phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với Báo cáo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Bộ Chính trị xác định sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là một cuộc cách mạng. Vì vậy, trung ương yêu cầu các bộ, ban, ngành, đơn vị, địa phương phải có quyết tâm chính trị rất cao, thực hiện đồng bộ các biện pháp.
Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, bảo đảm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị quốc gia; chất lượng giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Kiên quyết xóa bỏ cấp trung gian; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; xác định rõ trách nhiệm giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát, theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Đổi mới mạnh mẽ phương pháp tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; đẩy mạnh cải cách và xây dựng nền hành chính công tiên tiến…
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh cần khẩn trương triển khai đề án tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương theo mô hình công an 3 cấp: bộ - tỉnh - xã, không tổ chức công an cấp huyện. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sắp xếp, cơ cấu lại các cơ quan thanh tra, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định.
Phấn đấu tăng trưởng 8% trở lên
Ban Chấp hành Trung ương cũng thống nhất với các đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 liên tục đạt 2 con số.
Tổng Bí thư cho rằng đây là những mục tiêu phải phấn đấu thực hiện để nước ta thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo đó, cần tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế vì đó là "đột phá của đột phá".
Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm”; có cơ chế chính sách ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và kéo dài…
Khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; thu hút vốn FDI có chọn lọc; điều hành chính sách tài khóa linh hoạt; tập trung hoàn thiện đồng bộ hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng và hạ tầng số; tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia…
Đẩy mạnh tiêu dùng, tăng cường các giải pháp thu hút khách du lịch, thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng. Kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp với mục tiêu tăng trưởng. Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách về thuế để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa; kích thích tiêu dùng, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các nhóm thu nhập thấp.
Tổng Bí thư yêu cầu từng cấp, từng ngành, từng địa phương cần nghiên cứu, thảo luận kế hoạch hành động của ngành mình, cấp mình, địa phương mình thật cụ thể, sát thực tế để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của đất nước.
Ngoài ra, cần bổ sung sửa đổi thể chế để xác lập tư duy bình đẳng giữa trung ương và địa phương. Địa phương có quyền đòi hỏi, kiến nghị trung ương có cơ chế, giải pháp tháo gỡ để địa phương phát triển bên cạnh việc địa phương chấp hành các chỉ thị, chỉ đạo của trung ương.
“Những kiến nghị, đề xuất của địa phương phải được trung ương xem xét một cách nghiêm túc, nhanh chóng, có trách nhiệm và phải trả lời dứt khoát, đúng thời gian quy định, rõ ràng, cụ thể tránh tình trạng bút phê lòng vòng, đùn đẩy”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Kiện toàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bổ sung ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Cũng theo Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất với báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024. Trung ương đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, cầu thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong tổ chức kiểm điểm, phê bình và tự phê bình.
Ngoài ra, trung ương khẳng định Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể bản lĩnh, đoàn kết, thống nhất cao về ý chí và hành động, tất cả vì mục tiêu chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc.
“Thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ngày càng được củng cố, lòng tin của nhân vào Đảng ngày càng vững chắc, uy tín quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng lan tỏa”, Tổng Bí thư nêu.
Trung ương cũng bầu bổ sung 3 cán bộ tham gia Ủy ban Kiểm tra Trung ương; bầu kiện toàn chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và bầu bổ sung cán bộ tham gia Bộ Chính trị, một cán bộ tham gia Ban Bí thư với số phiếu tín nhiệm gần như tuyệt đối; đồng ý cho một cán bộ thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương do vi phạm kỷ luật Đảng…
Theo Tổng Bí thư, việc kiện toàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bổ sung ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ góp phần tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời chuẩn bị một bước cho nhân sự Đại hội 14 sắp tới.