Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam về đề xuất giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự tội phạm tham nhũng, kinh tế.

Tội phạm tham nhũng: Được nộp tiền miễn án tử, giờ lại muốn miễn án tù?

Trí Lâm (thực hiện) | 05/07/2022, 18:43

Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam về đề xuất giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự tội phạm tham nhũng, kinh tế.

Đề xuất giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho tội phạm tham nhũng, kinh tế khắc phục hậu quả đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang và cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam về vấn đề này.

Tham nhũng khiến dân mất niềm tin, đó mới là nguy hiểm thực sự

- Ông đánh giá thế nào về đề xuất giảm xử lý hình sự, tạo điều kiện cho người phạm tội tham nhũng, kinh tế khắc phục hậu quả mà Viện trưởng VKSND tối cao vừa nêu?

- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Với góc nhìn của một chuyên gia luật pháp, tôi không cho rằng có thể đánh đồng tội phạm tham nhũng với các tội phạm kinh tế khác.

Chẳng hạn, cũng là một hành vi ăn cắp, nếu là tài sản tư thì việc hoàn trả lại coi như xử lý xong hậu quả, thì đối với biển thủ tài sản công lại rất khác về bản chất. Tại sao? Khi cán bộ nhà nước lấy tài sản công làm của riêng cho mình thì trước hết đó là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao phó để trục lợi. Nó rất dễ được thực hiện nhưng rất khó kiểm soát.

Hơn nữa, cả quá trình lạm dụng và ăn cắp đó lại vẫn được hợp thức và che đậy bởi những cái vỏ bọc rất đẹp. Tính chất tinh vi, ý nghĩa nguy hiểm và hậu quả sâu rộng của hành vi tham nhũng rất khác và vượt xa các vi phạm gây thiệt hại kinh tế thông thường.

Xét cho cùng, bản chất của tham nhũng là sự phản bội niềm tin và sự ủy nhiệm của Đảng, của nhân dân, khi ai đó đã được lựa chọn để trao trọng trách làm việc công và vì lợi ích công. Quy luật muôn đời là như vậy.

Do đó, khi tham nhũng xảy ra, hậu quả của nó là vô cùng lớn. Không đơn giản là mất cán bộ, chưa nói là nếu bắt được và loại bỏ “con sâu” thì tại sao lại là mất? Cái mất lớn là mất niềm tin của nhân dân vào cán bộ và thậm chí cả hệ thống pháp luật và thể chế. Mà khi đã mất niềm tin ấy thì người dân sẽ hành động thế nào? Còn trong quan hệ nội bộ thì các đồng nghiệp, đồng chí sẽ mất niềm tin với nhau, các giá trị về đạo đức, danh dự và nhân phẩm không còn ý nghĩa.

Nói như thế để thấy rằng, các hậu quả về kinh tế từ tham nhũng có thể rất lớn nhưng vẫn quá nhỏ so với các hậu quả khác. Mà ngay cả khi tập trung xem xét hậu quả vào tài sản bị lấy cắp hay biển thủ thì các thất thoát, lãng phí về tài sản công và lợi ích công do những cán bộ tham nhũng biến chất gây ra qua các hành vi công vụ vô trách nhiệm của mình chắc chắn còn lớn hơn nhiều.

tn2.jpg
Kẻ tội phạm tham nhũng là "giặc bên trong" - Ảnh: Internet

Không ai, không ở đâu và không bao giờ có thể thỏa hiệp, chùn bước hay thiếu kiên quyết để chống tham nhũng, dù dưới bất kỳ hình thức nào. Tham nhũng thật sự là giặc từ bên trong, nó phá hoạt tất cả chứ không đơn giản là mất mát về vật chất và tài sản để có thể thu hồi, bù đắp hay khắc phục.

- Công cuộc phòng chống tham nhũng những năm qua có những thành quả lớn, tuy nhiên, sau hàng loạt vụ án lớn được phanh phui, rất nhiều quan chức cấp cao phải vào tù thì những vụ như Việt Á, Cục Lãnh sự vẫn xảy ra với hành vi tham nhũng rất thô sơ, ngang nhiên, bất chấp. Như vậy, nếu cho nộp tiền thay vì đi tù liệu có khuyến khích tội phạm tham nhũng?

- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Xin thưa, điều đó, nếu làm thế, sẽ đương nhiên là khuyến khích tham nhũng và hậu quả là tham nhũng tràn lan, mất kiểm soát chắc chắn xảy ra. Với vụ án Việt Á và Cục Lãnh sự, nếu nhìn thẳng vào sự thật, đó không chỉ là lợi dụng chức vụ để trục lợi kinh tế mà là sự suy đồi về đạo đức cá nhân và đạo đức công vụ do lòng tham.

Hơn thế nữa, trong bối cảnh bệnh tật và chết chóc mà người dân phải chịu đựng thì đó còn là tội ác của những kẻ phi nhân tính, đang tâm quay lưng và gây thêm đau thương cho đồng loại.

tn3.jpg
Vụ án Việt Á kéo theo hàng loạt quan chức bị khởi tố

Với tôi, nếu vụ này chỉ xem xét trong phạm trù tham nhũng thì phải coi đó là tha hóa và tham nhũng đỉnh cao, vượt các giới hạn, nó ăn sâu và di căn vào một bộ phận của hệ thống mà giới nghiên cứu gọi là “hệ thống quyền lực công bị đánh cắp”. Vậy thì liệu rằng chúng ta, những con người lương thiện, có thể yên tâm với cách tiếp cận và logic xử lý theo kiểu “khắc phục hậu quả vật chất” rồi xong được không ?

Cho nộp tiền miễn án tử, giờ lại muốn nộp tiền miễn án tù?

Trong điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung một quy định rằng án tử hình sẽ được thay thế bằng án tù chung thân nếu một người “bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ”. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho việc thu hồi tài sản tham nhũng nhưng nhiều ý kiến lo ngại rằng nó cũng tạo động lực cho các quan chức thực hiện các hành vi tham nhũng lớn hơn. Như vậy, nếu hiện nay chúng ta tiếp tục “lùi thêm một bước” từ nộp tiền thoát án tử xuống nộp tiền thoát án tù liệu có khiến tham nhũng trầm trọng thêm? Lý do là nếu hành vi tham nhũng trót lọt thì họ hưởng lợi rất lớn, còn nếu bị phanh phui một vài vụ thì họ có thể dễ dàng thoát án tù bằng cách trả lại một phần những gì họ đã tham nhũng?

- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Về việc sửa đổi hình phạt theo hướng bỏ án tử hình nếu khắc phục hậu quả của Bộ luật Hình sự 2015 thì về khách quan đó là xử lý giảm nhẹ so với trước. Tuy nhiên, tôi đồng tình ở một điểm hợp lý, đó là chỉ giảm tử hình xuống chung thân vì thuận theo xu hướng đối xử nhân đạo chung trên thế giới là bỏ án tử hình, tức trừng phạt nhưng không xâm phạm quyền được sống của con người.

Ngoài ra, bởi việc thực thi phần dân sự tức thu hồi tài sản trong án hình sự kém hiệu quả cho nên luật mới tạo ra cơ chế khuyến khích sự tự nguyện như vậy.

Trong ý thứ 2 này thì không hẳn là tính khoa học mà là tính thực dụng. Tuy nhiên, xét cho mục tiêu chống tham nhũng thì cần cảnh giác với tâm lý tội phạm, bởi trong thực tế ở nước ta, án thường tuyên hình phạt rất cao nhưng sau đó lại có nhiều hình thức và cơ hội để được giảm mức chấp hành.

Do vậy, một khi bị tuyên giảm từ tử hình xuống chung thân thì các tội phạm kinh tế lớn rất mừng với hy vọng rằng bằng nhiều cách thức khác nhau thì chỉ bị ngồi tù hơn mười năm là được tha rồi. Thậm chí ngay khi ở tù thì họ cũng sẽ tìm cách để được đối xử ưu ái, nhẹ nhàng.

Trong khi đó, khâu điều tra, xác minh giá trị tài sản tham nhũng hay trục lợi lại nhiều khi không đầy đủ, chính xác và hiệu quả, tức có thể tạo khe hở cho việc lấy cắp nhiều nhưng chỉ bị chứng minh ít hơn khi điều tra, truy tố và xét xử. Nó góp phần khích lệ tâm lý rằng nếu đã tham nhũng thì nên tham nhũng càng lớn, càng tốt để giữ được tiền và tài sản còn lại sau khi đã tự nguyện nộp. Để rồi, một ngày đẹp trời khi ra tù, kẻ phạm tội lại tiếp tục sống nhởn nhơ, phè phỡn. Điều này là mặt trái của việc xử lý tội phạm tham nhũng rất cần được các cơ quan chức năng lưu ý.

6z4a3948-copy.jpg
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

Còn xét từ góc độ khoa học pháp lý, người ta phân định rất rành mạch. Theo đó, việc tự nguyện nộp lại tiền đã tham nhũng không hẳn chính đáng để coi là tình tiết giảm nhẹ hình phạt bởi đó chỉ là sự hoàn trả những tài sản bất minh không phải của mình và là việc đương nhiên phải làm, có thể cưỡng chế nhưng không cần động viên, biểu dương hay khích lệ.

Một khi chúng ta đã bỏ tội chết, nay lại giảm luôn việc bỏ tù thì có khác nào lấy tiền để đánh đổi tất cả và đó có phải là là khích lệ tham nhũng hay không?

- Nếu chỉ thu hồi tài sản và "hành chính hóa", "dân sự hóa" hành vi tham nhũng sẽ không đảm bảo hiệu quả chống tham nhũng và có thể rơi vào “bẫy không bị trừng phạt” (impunity trap) - một thuật ngữ chỉ tình trạng vi phạm của các chính trị gia nhưng không phải trả giá tương xứng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Cần lưu ý rằng tham nhũng một khi đã là tệ nạn, thậm chí quốc nạn và được coi là giặc nội xâm thì nó đã trở thành vấn đề chính trị và phải giải quyết ở tầm thể chế.

Thể chế chính trị của chúng ta được xây dựng theo nguyên lý của dân, do dân và vì dân. Vậy thì hãy thử đặt mình vào người dân để đánh giá quan điểm nên xử lý tội phạm tham nhũng thế nào? Tôi tin rằng “xử lý kinh tế” hay hành chính hóa, dân sự hóa không phải là điều người dân trông đợi.

Trong một vụ việc dân sự, chẳng hạn bị trộm cắp hay lừa đảo mất tiền, người mất tiền chủ yếu quan tâm đến việc đòi lại số tiền đã mất. Nhưng một khi bộ máy nhà nước bị tham nhũng hóa, thì sự quan tâm của người dân sẽ không phải là các khoản tiền cụ thể bị mất mà cả nền kinh tế, tài sản quốc gia, quyền lực công, các giá trị đạo đức và công lý, cả tương lai của con cháu nữa sẽ có nguy cơ bị lấy cắp hết. Điều đó có nghĩa rằng người dân sẽ mất hết các quyền làm chủ của mình.

Vậy thì vấn đề là làm sao cho sự trừng phạt đối với tội phạm tham nhũng là tương xứng với tội và có tính răn đe cao nhất, xét từ góc độ bảo vệ lợi ích của người dân và quốc gia, bảo vệ thể chế pháp luật và chính trị. Như thế, dù có xử lý dựa theo Bộ luật Hình sự thì tham nhũng vẫn là loại hành vi và tội phạm đặc biệt, không thể hạ cấp xuống như các tội phạm khác.

"Suy đoán có tội, không chứng minh được tài sản thì tịch thu"

- Tuy nhiên, ngay cả khi đặt mục đích trong xử lý hình sự tội phạm tham nhũng là để thu hồi tài sản tham nhũng thì tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam vẫn thấp. Theo ông, đâu là lý do và lỗ hổng trong công tác này? Ngoài việc nộp tiền thay xử lý hình sự như một số ý kiến, ông có kiến nghị gì về giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả mà vẫn đảm bảo tội phạm tham nhũng chịu hình phạt tương xứng?

- Luật sư Nguyễn Tiến Lập:  Đúng là nếu việc thu hồi tài sản tham nhũng được coi là nhiệm vụ tối thiểu của các cơ quan chức năng thì việc thực thi nó vẫn chưa hiệu quả ở chỗ chủ yếu dựa vào sự tự nguyện của các đương sự. Vậy thì nguyên nhân ở đâu và cần khắc phục thế nào ?

Thứ nhất, khung pháp luật về quản lý tài sản cá nhân, doanh nghiệp ở Việt Nam chưa phát triển giống với nhiều nước. Chúng ta mới quản lý tài sản buộc phải đăng ký sở hữu như bất động sản và xe cộ. Nhưng ngay cả khâu này thì việc thực thi cũng chưa triệt để, tránh được việc lách luật bằng cách chuyển sở hữu không sang tên hay đứng tên hộ, ít nhất cho mục tiêu theo dõi để kiểm soát và thống kê hơn là chỉ để thu thuế.

Với tài sản bằng tiền mặt thì việc mở tài khoản ngân hàng ở Việt Nam cũng khá đơn giản, ít chịu các thủ tục kiểm tra như ở nhiều nước. Tôi còn chưa nói đến thủ tục góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp. Hệ quả là tài sản tham nhũng có thể bị che giấu dễ dàng hay thậm chí rửa để hợp thức hoá.

Thứ hai, chúng ta còn thiếu cơ quan và hệ thống điều tra đặc biệt để phòng chống tham nhũng, trong khi đây là lĩnh vực rất khó khăn, phức tạp bởi liên quan đến chính những người có chức vụ và quyền lực. Ngay cả việc kê khai tài sản cá nhân của cán bộ nhà nước cũng còn khá hình thức, chưa rõ về mục tiêu. Điều tra và xác minh về tài sản tham nhũng đòi hỏi các kỹ năng, nghiệp vụ riêng và thẩm quyền độc lập mà các cơ quan điều tra, truy tố hình sự thông thường không đáp ứng được.

Thứ ba, chúng ta vẫn chưa áp dụng nguyên tắc đặc thù và có tính trừng phạt cao nhất trong xử lý tội phạm tham nhũng về tài sản là “suy đoán có tội”, tức cái gì không chứng minh được hợp pháp thì phải bị tịch thu. Rất nhiều nước và cả Trung Quốc đã thực hiện việc sung công toàn bộ tài sản cá nhân của người bị kết tội tham nhũng mà không phụ thuộc vào giá trị thiệt hại gây ra.

Cho nên, nếu để phòng chống tham nhũng có hiệu quả thì theo tôi còn có nhiều việc cần làm và phải đi từ những bước rất cơ bản.

tn-5(1).jpg
Không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì sẽ bị tịch thu

- Thưa ông, là một người am hiểu luật pháp quốc tế, theo ông mô hình ứng xử với tội phạm tham nhũng của quốc gia nào có thể áp dụng hiệu quả đối với Việt Nam?

- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Trên thế giới có nhiều mô hình phòng chống tham nhũng hiệu quả. Tuy nhiên, để áp dụng vào Việt Nam, tôi cho rằng nên học tập mô hình gần gũi và ngay trong khu vực của chúng ta, đó là Singapore. Quốc gia này cũng là một nước đi lên văn minh, hiện đại từ nghèo nàn, lạc hậu, lại bị chi phối bởi tư tưởng và văn hóa châu Á, chẳng hạn như coi trọng quan hệ cá nhân hơn là nguyên tắc luật pháp, thế nhưng chỉ sau mấy chục năm, Singapore được cả thế giới ngưỡng mộ về độ sạch của bộ máy nhà nước, tức kiểm soát tham nhũng.

Tôi cho rằng có 3 kinh nghiệm chính, đáng lưu ý để tham khảo như sau:

Một là, cần xây dựng một khung pháp luật có liên quan chặt chẽ, khoa học và đồng bộ. Khung pháp luật này cần bắt đầu từ gốc hay nền móng bảo đảm sự minh bạch hóa và chuyên nghiệp hóa trước hết về quản trị công và quản trị doanh nghiệp, với các thiết chế và cơ chế kiểm tra thường xuyên. Triết lý của họ là nếu không làm từ gốc để hạn chế tham nhũng mà cho nó phát triển tràn lan rồi mới xử lý thì sẽ quá muộn và bất khả thi.

Hai là, có một bộ máy cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập trực thuộc người đứng đầu quốc gia, cụ thể là Thủ tướng. Cơ quan này có các thẩm quyền đặc biệt như được nắm giữ “Thượng phương bảo kiếm” của Vua, để có thể không sợ và được bảo vệ để điều tra mọi hành vi tham nhũng của bất cứ cấp nào. Điều đặc biệt là các nhân sự có liên quan không phải là quan chức chính trị hay hành chính mà là những người có kinh nghiệm chuyên môn thực sự trong lĩnh vực này.

Ba là, với sự gương mẫu từ người đứng đầu quốc gia, Chính phủ Singapore kiên trì xây dựng một văn hóa trong sạch, lành mạnh và văn minh từ bộ máy nhà nước đến các khu vực khác của đời sống xã hội. Trong khía cạnh này, danh dự công vụ đã hình thành và trở thành tiêu chí hành động của mọi công chức trên cơ sở họ được trả lương xứng đáng và minh bạch. Bởi thế, tôi nghe nói đã có trường hợp một vị hàm bộ trưởng ở Singapore trước đây từng dính đến cáo buộc tham nhũng và ông này tự tử ngay sau đó vì không chịu được bị sỉ nhục về danh dự.

Nhưng trên tất cả, thế giới nói chung và người Singapore nói riêng đã tổng kết rằng, muốn phòng chống tham nhũng thành công, điều đầu tiên, căn bản và tiên quyết là ý chí và quyết tâm chính trị của người đứng đầu và bộ máy lãnh đạo điều hành cao nhất của quốc gia. Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng rất gay go, phức tạp nhưng cũng đơn giản là vậy.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tội phạm tham nhũng: Được nộp tiền miễn án tử, giờ lại muốn miễn án tù?