"Tôi đã đánh thắng một canh bạc khi trồng cây mắc ca" là phát biểu của ông Bùi Hữu Hòa là một trong những nông dân đầu tiên của Lâm Đồng trồng và thu lợi nhuận từ cây mắc-ca.

'Tôi đã đánh thắng một canh bạc khi trồng cây mắc ca'

Một Thế Giới | 02/05/2015, 05:00

"Tôi đã đánh thắng một canh bạc khi trồng cây mắc ca" là phát biểu của ông Bùi Hữu Hòa là một trong những nông dân đầu tiên của Lâm Đồng trồng và thu lợi nhuận từ cây mắc-ca.

Dám nghĩ dám làm

Kể lại sự nghiệp gắn bó với cây mắc ca từ nhiều năm trước, ông Bùi Hữu Hòa cho biết, ông vinh dự có 2 cậu con trai dám nghĩ dám làm, còn ông như 1 thính giả chỉ đạo tầm xa.
Ông kể, người con cả của ông gặp ông Nguyễn Công Dương, là cháu ruột ông Nguyễn Công Tạn, có vườn giống mắc ca trên Ba Vì. Sau đó, người cháu này đã đưa về 600 cây mắc-ca về trồng, đến 2 năm sau thì ra quả. 
Vào lúc đó là năm 2009, chưa ai hiểu biết về mắc ca là loại cây như thế nào, cho đến năm 2010, cây mắc ca bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Đến năm 2014, cũng là năm thứ 4 trồng cây mắc ca, gia đình ông Hòa đã thu được số tiền 107 triệu từ loại cây này.

"Sang năm 2015, là năm thứ 5 trồng cây thì gia đình tôi thu được 295 triệu. Tôi tiếp tục trồng 600 cây thì 500 cây đã có quả đều. Chỉ có một cây không ra quả, do thay tán, ghép cây khác", ông Hòa nói.

Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm nay không phải là ngẫu nhiên, Ông Hòa cho biết, khâu chọn giống là vô cùng quan trọng. Nếu không có sự nghiên cứu thì dễ mua phải mắt ghép giả trên thị trường. Loại mắt ghép giả này sẽ cho nhân rất nhỏ, còn cây mắc-ca ghép thật nhân đầy và to. 
Ông Hòa cho biết, nếu trồng cây mắt ghép giả phải từ 5-7 năm mới có trái dù giá thành rẻ hơn chỉ từ 30.000 đồng, trong khi cây mắt ghép thật giá là 70.000 đồng và chỉ 3 năm là có trái.

"Đây cũng là vấn đề mà nhiều bà con nông dân đang gặp phải hiện nay. Nên cần phải khuyến cáo bà con về cây giống, mắt ghép. Làm nông nghiệp 5-7 năm mà cây không có trái dẫn đến nguồn vay rủi ro, làm không ra tiền", ông Hòa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Bùi Hữu Hòa cũng cho biết, măc-ca là loại quả khô quý hiếm. Sản phẩm tiêu thụ ở chủ yếu Hà Nội, Nha Trang TP.HCM... Về sau giá thành có rẻ thì trồng xen cà phê, cà phê cũng xanh đen tốt.

"Trồng mắc ca khá thuận tiện trong vấn đề thu hoạch, chỉ cần bảo quản cho thật tốt. Trung bình 1 cây mắc ca thu được 1,5 triệu trong khi cây cà phê 5 tấn hết 20 triệu tiền hái và đập. Thu quả mắc ca chỉ bằng nửa tiền thu cây cà phê" - ông Hòa dẫn chứng.

Giống và thị trường ổn định

Chia sẻ kinh nghiệm về giống và thị trường của cây mắc ca tại một buổi hội thảo, ông Quách Đại Ninh, Vụ phó Vụ Phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong cả nước hiện đã có 2, 3 vườn cây đầu dòng được công nhận đủ tiêu chuẩn cung cấp hom. 

"Bộ đã triển khai 353 ha trồng thuần và 125 ha trồng xen, cộng với hơn 40 vườn mắc ca thông qua chương trình khuyến lâm. Vậy tính ra ta đã có gần 500 hecta cây mắc ca có nguồn gốc rõ ràng sau khi được đánh giá, sẽ có triển vọng để được cấp chứng chỉ đủ tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường" - ông Ninh nói.

Ông Quách Đại Ninh cho biết thêm, qua con đường trao đổi nghiên cứu khoa học, Việt Nam đã nhập 10 giống được công nhận ở nước ngoài. Riêng khu vực Tây Nguyên, 4 giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.

Ông cũng khuyến cáo rằng, bà con phải kiểm tra lại nguồn gốc cây trồng để xem nguồn gốc cây có rõ ràng hay không. Sau 6-7 năm với chế độ chăm sóc tốt mà cây không kết trái thì xem xét xem có nên duy trì tiếp vườn cây này hay không.

"Vì nếu trót mua phải cây thực sinh thì rất rủi ro. Trong trường hợp đó, ta nên chuyển hóa những cây đã trồng sang cây trồng mắc ca rõ nguồn gốc bằng cách ghép cây, cành ghép, mắt ghép từ cây đầu dòng được cấp chứng chỉ công nhận" - ông Ninh lưu ý.

Còn đề cập đến vấn đề đầu ra cho sản phẩm, GS. Hoàng Hòe - nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng.đã nhận định, đầu ra của mắc ca không có gì phải lo lắng, bởi có thể tiêu thụ cả thị trường nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông Hòe cho biết, hiện Trung Quốc, Mỹ đang có nhu cầu rất lớn đối với mắc ca. Đặc biệt, sắp tới khi Việt Nam tham gia vào TPP cũng có thể xuất khẩu sang nhiều nước như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... 

"Đặc biệt là Trung Quốc, người dân Trung Quốc đang rất khao khát thực phẩm sạch và giá mắc ca ở Trung Quốc luôn luôn cao hơn so với các nước khác" - GS Hoàng Hòe nhấn mạnh.

Ông Quách Đại Ninh bày tỏ quan điểm lạc quan đối với thị trường mắc ca. Ông Ninh cho rằng, gần đây giá mắc ca trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng, chủ yếu tại châu Á. Tuy nhiên, không thể chắc chắn 100% rằng giá cả sẽ tiếp tục tăng. Nhưng với diện tích mắc ca hiện tại trên thế giới, thì mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu.

"Tất nhiên cần phải có những nghiên cứu tiếp theo về thị trường để có những hướng đi đúng đắn. Hiện nay trên thế giới, cũng có nước bán được mắc ca với giá rất cao, nhưng có nước lại phải bán ra với giá thấp, ví dụ như ở  Zimbabwe, mắc ca chỉ có giá 1,27USD/kg hạt nguyên vỏ.

Vấn đề là cách thức tổ chức, phát triển ngành hàng, cần tạo ra các thương hiệu cho các sản phẩm mắc ca “made in Việt Nam”, ông Ninh cho biết

Trí Lâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Tôi đã đánh thắng một canh bạc khi trồng cây mắc ca'