Nga thách thức phương Tây bằng cách trải chiếu chào đón Tư lệnh không quân Myanmar - Tướng Maung Maung Kyaw.
Khi Nga tung tấm thảm chào đón Tướng Maung Maung Kyaw, đó là dấu hiệu cho thấy vũ khí do Nga sản xuất sẽ được chuyển đến quốc gia Đông Nam Á này ngay cả khi cộng đồng quốc tế coi đó là thứ tội lỗi sau cuộc đảo chính hôm 1.2.2021.
Theo các phương tiện truyền thông Myanmar và Nga, hành trình của Tướng Maung Maung Kyaw tới Moscow vào tháng trước, bao gồm chuyến thăm triển lãm trực thăng quốc tế HeliRussia và thảo luận với các quan chức Nga về kế hoạch mua sắm khí tài quân sự.
Hành động này cũng thể hiện sự thách thức của Nga với các chính phủ phương Tây, vốn phẫn nộ với cuộc đảo chính và đàn áp người biểu tình của chính quyền quân sự trong làn sóng giận dữ bùng phát trên khắp Myanmar.
Số người chết của những người biểu tình sau cuộc đảo chính là hơn 860 người tính đến nay, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, nhóm nhân quyền Myanmar.
Theo các nhà quan sát tại Yangon (thành phố lớn nhất và là trung tâm thương mại Myanmar), huyết mạch ngoại giao mà Nga đã thực hiện với quân đội Myanmar mang lại cho quốc gia Đông Nam Á tính hợp pháp quốc tế vốn phải đấu tranh để đảm bảo, ngay cả từ các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Nga cùng Trung Quốc đã bảo vệ quân đội Myanmar tại Liên Hợp Quốc với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Khin Zaw Win, Giám đốc Viện Tampadipa - tổ chức tư vấn có trụ sở tại Yangon, quân đội Myanmar "đã chớp lấy cơ hội có được một đồng minh lớn mạnh về quân sự, đặc biệt là ở phương Tây".
Các nhà phân tích khác cho rằng có thể có một tính toán rộng hơn đằng sau vòng tay rộng mở của Nga với quân đội Myanmar, vì nước này sụt giảm liên tục trong xuất khẩu vũ khí kể từ năm 2010. Nga vẫn là nhà cung cấp khí tài quân sự hàng đầu cho Đông Nam Á, trước Mỹ, Pháp và Trung Quốc. Theo các nhà quan sát, Myanmar đóng vai trò là "cửa ngõ" cho thị trường béo bở này.
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy giao thương vũ khí của Nga ở Đông Nam Á từ năm 1999 đến 2018 đạt ước tính 10,7 tỉ USD, tiếp theo là Mỹ với 8,2 tỉ USD, Pháp là 3,5 tỉ USD, Đức là 2,9 tỉ USD và Trung Quốc 2,5 tỉ USD.
Mối quan hệ chặt chẽ của Nga với quân đội Myanmar được tăng cường kể từ khi Thượng tướng Min Aung Hlaing tổ chức cuộc đảo chính hôm 1.2 để lật đổ chính phủ được bầu do đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ lãnh đạo, đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai cầm quyền.
Các khí tài quân sự của quân đội Myanmar do Nga sản xuất xuất hiện vào buổi sáng cuộc đảo chính khi các đoàn xe bọc thép hạng nhẹ lăn bánh ở các thành phố chính quốc gia Đông Nam Á để thực thi cuộc giành chính quyền.
Các nhà phân tích cho rằng Nga phát triển mạnh nhờ bán vũ khí cho Myanmar, vì quân đội Đông Nam Á có lựa chọn hạn chế trong nhiều thập kỷ khi chịu các lệnh cấm vận vũ khí đa phương nhiều năm. Các biện pháp nghiêm ngặt này đã được thực thi bởi Mỹ, Liên minh Châu Âu, Úc và Nhật Bản cùng các nhà sản xuất vũ khí khác.
Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI, cho biết: “Trung Quốc, Nga, Belarus và một số quốc gia khác không có những hạn chế như vậy, đã cung cấp cho Myanmar và có khả năng sẽ tiếp tục làm như vậy ngay cả sau cuộc đảo chính. Các nước này có thể đáp ứng mọi nhu cầu thiết bị cho Myanmar".
Bên cạnh việc thúc đẩy bán vũ khí, vốn chiếm ưu thế trong nhập khẩu của Myanmar từ Nga, sự hậu thuẫn của chính quyền quân sự cung cấp cho Moscow một con đường để thúc đẩy các lợi ích chiến lược ở Đông Nam Á.
Ian Storey, thành viên cấp cao tại ISEAS-Yusof Ishak Institute, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Singapore, nói: “Khi mối quan hệ phát triển, chúng tôi có thể mong đợi sẽ chứng kiến nhiều cuộc tập trận quân sự hơn giữa các lực lượng vũ trang Nga và Myanmar, đồng thời tăng cường các chuyến thăm của tàu Nga tới nước này. Điều đó sẽ cho phép Nga tăng cường sự hiện diện của mình ở Ấn Độ Dương. Nga muốn chứng minh rằng việc họ quay sang phương Đông không chỉ là quay lưng lại với Trung Quốc, mà Nga còn là một cường quốc ở châu Á-Thái Bình Dương nói chung".
Chiều sâu của mối quan hệ ấm cúng như vậy đã được thể hiện rõ qua việc Tướng Min Aung Hlaing kết giao với Nga trước cuộc đảo chính. Lãnh đạo quân đội Myanmar đã đến thăm Nga 6 lần, trở thành điểm đến ngoại giao phổ biến nhất của ông. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga vào tháng 6.2020, Min Aung Hlaing đã nói rõ về tham vọng tham gia chính trường của mình sau cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vài tháng sau đó.
Chỉ vài ngày trước cuộc đảo chính, Min Aung Hlaing đã tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nga - tướng Sergey Shoygu. Họ đã ký một thỏa thuận cho các loại vũ khí mới, bao gồm cả hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir-S1 và máy bay không người lái giám sát Orlan-10 E mà Nga lần đầu tiên xuất khẩu.
Theo các nhà phân tích và các nhà ngoại giao Myanmar, việc Min Aung Hlaing hợp tác cùng Nga được coi là sự chuyển hướng của quân đội nhằm tạo sự đa dạng nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhà cung cấp vũ khí chính cho Myanmar.
Trong hai thập kỷ kéo dài từ 1999 đến 2018, Trung Quốc đã cung cấp khí tài quân sự trị giá 1,6 tỉ USD cho Myanmar, tiếp theo là Nga với 1,5 tỉ USD. Phần lớn các nguồn cung của Nga là để tăng cường sức mạnh không quân cho Myanmar, với việc mua sắm các máy bay chiến đấu của Nga như MiG-29, SDU-30 MK và JF-17.
"Cuộc đảo chính đã cung cấp cho Nga một người bạn độc tài khác. Tổng thống Vladimir Putin sẽ hài lòng vì những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy dân chủ ở Myanmar đã bị phá hoại", Ian Storey nhận định.