Tiếng cười của Tô Thùy Yên đêm ấy và hình ảnh anh chạy lúp xúp trong mưa tôi còn nhớ rõ. Tiếng cười sao mà hồn nhiên ngây thơ so với hình ảnh Tô Thùy Yên oằn mình dưới gánh khoai mì hôm nay thật là một sự đối nghịch quá đau lòng.

Tô Thùy Yên - Một đời làm thơ, một đời yêu thương, một thời chơi vơi

TIỂU VŨ | 24/05/2019, 15:04

Tiếng cười của Tô Thùy Yên đêm ấy và hình ảnh anh chạy lúp xúp trong mưa tôi còn nhớ rõ. Tiếng cười sao mà hồn nhiên ngây thơ so với hình ảnh Tô Thùy Yên oằn mình dưới gánh khoai mì hôm nay thật là một sự đối nghịch quá đau lòng.

Tác giả bài thơ 'Chiều trên phá Tam Giang', nhà thơ Tô Thùy Yên qua đời ở Mỹ

LTS:Nhà thơ Tô Thùy Yên, tác giả của những bài thơ nổi tiếng nhưChiều trên phá Tam Giang, Trường Sa hành, Cánh đồng con ngựa chuyến tàu... vừa qua đời ngày 21.5.2019 (theo giờ Mỹ) tại thành phố, Houston, tiểu bang Texas, Mỹ, hưởng thọ 81 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại nhiều thương tiếc cho giới văn chương, người yêu thơ trong nước và hải ngoại.

Tô Thùy Yênlà mộttên tuổi nổi bật của thi ca miềnNam trước năm 1975. Thơ của Tô Thùy Yên được đăng trên báo văn nghệ ở Sài Gòn từ năm ông 16 tuổi.Năm 1956, ông tham gia nhóm Sáng Tạo, một văn đàn nổi tiếng,khởi đầu cho phong trào "Thơ tự do" ởmiền Nam vào thập niên 1960.

Bài viết về nhà thơ Tô Thùy Yên dưới đâyđược được trích từ tập di cảoMặc khách Sài Gòncủa cố nhà thơ Tô Kiều Ngân. Hình ảnh nhà thơ Tô Thùy Yên được Tô Kiều Ngân khắc họa bằng những dòng văn đầycảm xúc. Được sự đồng ý của gia đình tác giả và nhà xuất bản, Một thế giới trích đăng bài viết về nhà thơ Tô Thùy Yên.

Chân dung nhàthơ Tô Thùy Yên - Ảnh: Gia đình cung cấp

Cánh đồng con ngựa chuyến tàu

Trại của tôi cách xa trại Tô Thùy Yên nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau trong những lần đi lao động, đẵn cây đốn nứa. Có lầngặpchỉđủđể Yên dúi vào tay tôi một gói thuốc lào rồi sau đó là mỗi người một ngả.

Có lần đứng trong sân trại nhìn qua hàng rào kẽm gai tôi thấy Tô Thùy Yên đang gánh một gánh khoai mì đi qua. Anh bước đi có vẻ nặng nhọc. Vai bị gánh khoai mì trĩu xuống, lưng cong như lưng tôm, mồ hôi chảy có giọt. Tôi bỗng xót xa nhớ đến đêm nào cùng anh và Cung Tiến còn đi “tăng hai” ở Sài Gòn…

Bữa ấy Trần Lê Nguyễn có bày tiệc nhậu. Có mặt Mai Thảo, Thanh Nam, Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Tô Thùy Yên và tôi. Tiệc tàn, mọi người lục tục đứng lên. Trịnh Công Sơn sau xỉn vào nôn mửa trong phòng tắm. Trần Lê Nguyễn sau đó cũng đã ra về. Còn lại Cung Tiến và Tô Thùy Yên chẳng chịu về, nhất định đòi đi “tăng hai”. Đêm đã hầu khuya, chiều bạn tôi đem hai cậu lên xe hơi chở xuống Phú Nhuận.

Thủ bút nhà nhà thơ Tô Thùy Yên

Trời mưa lất phất. Con đường vào hẻm sũng nước, loáng loáng ánh đèn. Tô Thùy Yên xuống xe, hai tay vén ống quần chạy lúp xúp trên đường mưa, vừa chạy vừa cười khanh khách. Cung Tiến thì nhà nào cũng đập cửa rầm rầm báo hại bọn thanh niên trong xóm nhào ra, xô ngã Cung Tiến nằm lăn ra đất. Cơ khổ chàng nhạc sĩ tác giả những bản nhạc tuyệt vời: Hoài Cảm, Nguyệt Cầm, Hương Xưa tay chân vung vít, miệng la bải hoải: “Sao lại đánh tôi… sao lại đánh tôi…”Còn tỉnh nên tôi xin lỗi bà con trong xóm và lại đem hai lãng tử lên xe, chạy về gần thấu nhà mà còn chưa chịu xuống, còn đòi “đi nữa”.

Tiếng cười của Tô Thùy Yên đêm ấy và hình ảnh anh chạy lúp xúp trong mưa tôi còn nhớ rõ. Tiếng cười sao mà hồn nhiên ngây thơ so với hình ảnh Tô Thùy Yên oằn mình dưới gánh khoai mì hôm nay thật là một sự đối nghịch quá đau lòng.

Bút tích của nhà thơ Tô Thùy Yên

Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp, lúc bấy giờ là một quận ngoại thành Sài Gòn. Anh học đến đại học, bị động viên đi học trường sĩ quan Thủ Đức, ra thiếu úy rồi được bổ vềmột đơn vị tác chiến thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sợ anh chết uổng, anh em vận động bốc thẳng anh từ Vùng Bốn về ngay trung ương để làm văn nghệ.

Cùng Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Duy Thanh, Ngọc Dũng… Tô Thùy Yên là nòng cốt của nhóm Sáng Tạo, anh thường đăng thơ trong mục Thơ tự do của tạp chí Sáng Tạo, nơi được coi như đại diện của phong trào thơ tự do miền Nam thời 50-60.

Tô Thùy Yên và ca khúc nổi tiếng Chiều trên phá Tam Giang do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ từ một bài thơ cùng tên của ông

Sau 30 tháng Tư,Tô Thùy Yên đi học tập cải tạo 10 năm. Được tha về rồi bị bắt lại, tính ra 13 năm tất cả. Ba năm sau, có lần anh bị biệt giam 7 tháng sau khi cắt mạch máu định quyên sinh. Cuối cùng, anh được cùng vợ là cô giáo Huỳnh Diệu Bích và gia đình sang định cư ở hải ngoại theo diện H.O.

Tô Thùy Yên được nhiều người biết đến nhờ bài thơ “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu” đăng trên tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo, năm 1956:

Trên cánh đồng hoang thuần một màu,
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu…

Thi sĩ Tô Thùy Yên qua nét nhìn của Họa sĩ Đinh Cường

Cả bài thơ như những thước phim vụt qua. Hình ảnh đuổi bắt nhau. Cây cối, lũng đồi quay vòng đến chóng mặt. Cuối cùng con ngựa thở dốc, lăn kềnh ra giữa thảo nguyên “Chấm giữa nền nhung một vết nâu”. Hình ảnh như chụp từ trên cao xuống - cánh đồng thì mông mênh như vô tận, mướt cỏ nhung xanh còn con ngựa thì chỉ còn lại một vết nhỏ. Nó chết mà không biết vì sao mà chết. Cũng không biết suốt đời mình lao đầu phi về phía trước để làm chi? Những câu hỏi đó cũng đặt ra cho con người, những tra hỏi không có lời giải đáp. Xưa nay trời đất vốn vô ngôn.

Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu
Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu
Ngựa thở hào hển, thở hào hển
Tàu chạy mau, vẫnmau, vẫn mau

Tô Thùy Yên thật trẻ mà thơ lại thật già. Mỗi câu viết ra dường như chưa nói hết mà sau đó còn một chuỗi ý nghĩ để cho người đọc suy cảm thêm ra. Ý tại ngôn ngoại. Luôn bị cô đơn vậy hãm, bị đọa đày thân xác, dày xéo tâm hồn nhưng Tô Thùy Yên luôn chịu đựng, tìm chỗ dựa tâm linh, đề cao cái tâm độ lượng để vượt qua gai góc, khổ đau. Anh vẫn luôn mơ ước:

Bao giờ ta trở về dương thế,
Sống đáng vinh danh lại kiếp người,
Để thấy đường đi muôn lối rộng
Dập dìu những chéo áo reo vui?

Thơ Tô Thùy Yên đăng rải rác trên các báo tạp chí văn học, mãi đến năm 1995 anh mới xuất bản tập “Thơ tuyển”, có tất cả 37 bài, có nhiều bài rất dài, đó là tác phẩm chọn lọc của Tô Thùy Yên, một đời làm thơ, một đời yêu thương, một thời tù ngục.

Cánh đồng con ngựa chuyến tàu

Trên cánh đồng hoang thuần một màu,
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu.
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.
Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt.
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu.
Ngựa thở hào hển, thở hào hển.
Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.
Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.
Cánh đồng, a ! cánh đồng sắp hết.
Tàu chạy mau, càng mau, càng mau.
Ngựa ngã lăn, mình mướt như cỏ,
Chấm giữa nền nhung một vết nâu.

1956

Tô Thùy Yên

Tô Kiều Ngân

(Bài viết được trích từ cuốn sách "Mặc khách Sài Gòn" của tác giả Tô Kiều Ngân (1926-2012) do Công ty cổ phần Văn hóavà Truyền thông Nhã Nam và NXB Hồng Đức xuất bản năm 2014. Bản quyền thuộc về gia đình tác giả Tô Kiều Ngân).

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ:

Tác giả bài thơ 'Chiều trên phá Tam Giang', nhà thơ Tô Thùy Yên qua đời ở Mỹ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tô Thùy Yên - Một đời làm thơ, một đời yêu thương, một thời chơi vơi