Những ngày qua, dư luận xã hội cũng như cộng đồng mạng, xôn xao về việc anh Ngô Xuân Phúc ở Nghệ An đột nhiên tuyên bố anh mới là chủ nhân đích thực của bài thơ Tổ quốc gọi tên mình chứ không phải là của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai như chúng ta đã từng biết đến. Trước thông tin trên giới văn nghệ sĩ dĩ nhiên không thể đứng ngoài cuộc, những cuộc tranh luận cũng nổ ra rất sôi nổi thu hút nhiều nhà văn nhà thơ tham gia.
Mặc dù người trong cuộc là nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và anh Ngô Xuân Phúc tuyên bố đến ngày 10/10 mới chính thức đưa ra kết luận cuối cùng về việc ai mới là chủ nhân đích thực của bài thơ Tổ quốc gọi tên (mình). Nhưng khi thông tin vừa đăng tải trên các phương tiện truyền thông, các nhà thơ nhà văn đã lập tức vào cuộc. Trên trang cá nhân của giới văn nghệ nêu rõ những quan điểm, cảm nhận và cả nghi vấn của mình về “kỳ án văn chương này”.
Theo quan sát thì những người trong giới văn học chia ra làm hai luồng dư luận trái chiều với nhau.
Luồng thứ nhất với quan điểm cho rằng: Bài thơ này “đậm nam tính và chỉ có người lính mới có thể viết những dòng thơ như vậy.” Hoặc với những lập luận: “Nhắm mắt lại ta thấy hiện lên một người lính, một người đàn ông đang sục sôi tình cảm về tổ quốc với biển đảo”. “Những vần thơ mạnh mẽ đầy nam tính và đây chỉ có thể xuất phát từ tình cảm của một người lính với tổ quốc”. Nhóm nhà văn, nhà thơ này tin rằng bài thơ là của anh Ngô Xuân Phúc.
Trong khi đó luồng thứ thứ hai khẳng định: Với một nhà thơ chuyên nghiệp như Nguyễn Phan Quế Mai, người đã thành danh và đoạt nhiều giải thưởng về văn chương trong và ngoài nước thì không thể có chuyện chị đi “đạo thơ” của một người vô danh như vậy. Nhiều lập luận cho rằng thơ của Quê Mai nhất quán về phong cách, mạch cảm xúc xuyên suốt trong mấy trăm tác phẩm và tin chắc Tổ quốc gọi tên chỉ có thể là của Quế Mai.
|
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai ký tên trên quốc kỳ Việt Nam trong ngày ra mắt sách - Ảnh Tiểu Vũ |
Nhà thơ Phan Huyền Thư chia sẻ một bài công khai và khá dài trên trang FB cá nhân của mình. Chị tỏ ra không tin rằng Nguyễn Phan Quế Mai đã sáng tác bài thơ đó trên giấy ăn như tác giả bài thơ đã chia sẻ. Phan Huyền Thư cũng nghi ngờ về thời điểm hoàn cảnh ra đời của Tổ quốc gọi tên.
Để củng cố cho lập luận của mình Phan Huyền Thư viết: “Nếu một chàng giáo viên dạy văn trong quân đội có những trăn trở, đau đáu để tuôn trào một bài thơ như "Tổ quốc gọi tên mình" năm 2008 thì hoàn toàn có thể được đón nhận... Một thanh niên như Ngô Xuân Phúc lúc ấy có vụt lên những cảm xúc để post trên blog một bài thơ như vậy cũng đáng cảm động chứ sao?”.
Mối nghi ngờ của Phan Huyền Thư được cô thể hiện như sau: "Mình đã từng viết trên máy bay, chủ yếu bằng Ipad, phần "Note" trong Iphone hoặc bằng sổ tay, giấy bút hẳn hoi... Mình chỉ hơi quan ngại khi Mai viết bằng giấy ăn (tissue???) trên máy bay vì giấy đó rất khó viết bằng bất kỳ loại bút nào: bút mực, bút bi hay bút chì. Mình cũng đi nhiều hãng Hàng không quốc tế rồi, ngay cả các hãng bay sang châu Âu cũng chỉ có giấy ướt và một loại giấy khăn ăn xốp và dai để lau tay lau miệng.... Viết lên túi nôn chắc sẽ dễ hơn chăng???".
|
Một phần stt của nhà thơ Phan Huyền Thư - Ảnh chụp màn hình |
Phản bác lại lập luận này của Phan Huyền Thư, nhà thơ Ly Hoàng Ly tỏ ra rất nhẹ nhàng bằng một stastus được tag trực tiếp cho Phan Huyền Thư.
Chia sẻ của Ly Hoàng Ly có đoạn: “Ly hay có thói quen viết những ý tưởng về nghệ thuật hoặc phác thảo trên giấy ăn mềm khi đang ngồi quán cà phê. Khi ý tưởng vụt tới, hứng khởi đến mức không kịp nhớ đến gọi người phục vụ xin tờ giấy trắng, lục túi không có giấy là Ly rút ngay giấy ăn mềm để sẵn trên bàn của quán ra viết và vẽ cho kịp dòng ý tưởng. Những bạn làm việc nhiều với Ly ở quán cà phê đều biết tính này của Ly. Dĩ nhiên rất khó viết vẽ lên giấy ăn mềm nhũn, nhưng Ly vẫn làm được. Cho nên việc chị M viết trên giấy ăn trên máy bay chắc cũng có thể được”.
Tiếp theo nữ nhà thơ Ly Hoàng Ly kể về những trải nghiệm của mình trong quá trình sáng tác, sự trùng hợp ngẫu nhiên đến lạ lùng mà chị từng gặp trong nghệ thuật... Bên cạnh đó nữ nhà thơ cũng đưa ra quan niệm của mình: “Ly cho rằng: việc ý nghĩa nhất với người viết dù chuyên hay không chuyên, là niềm hạnh phúc trong quá trình viết, hạnh phúc khi còn có khả năng để viết và còn đam mê viết, và hạnh phúc khi điều mình viết được đến với những người sống quanh mình, trong cuộc sống hàng ngày của họ. Mình cảm thấy mình sống có ích. Họ có nhớ mình biết mình là ai hay không, hay lầm điều mình viết là người khác viết, đúng là buồn lắm, nhưng chắc mình tự hạnh phúc với mình là đủ rồi. Ly nghĩ giờ đây với cả hai tác giả, việc tiếp tục viết nên những bài thơ mới - nếu viết đúng là đam mê của mình - mới quan trọng. Dĩ nhiên sự thật ai là tác giả bài thơ mà rõ ra được thì hay. Cũng có thể ý tưởng lớn gặp nhau chăng? Có thể lắm đó. Nhưng khi trăm tuổi rồi các tác giả đâu đem cái gì theo mình được, và giả sử trái đất này đến một lúc nào đó bị nổ tung thì sao. Ly có nghĩ huề cả làng quá không nhỉ.Nhưng nói thật, Ly nghĩ Nguyễn Du chắc chẳng cần người đời biết ông là tác giả Truyện Kiều đâu. Ly cũng thấy sẽ là bình thường nếu một ngày kia Ly mất trí nhớ đến mức chẳng nhớ tác giả Truyện Kiều là ai. Quan trọng là những câu thơ trong Truyện Kiều đã đem lại điều gì cho Ly, cho Ly học hỏi được điều gì... Ly sẽ chia sẻ những hiểu biết đó của mình với con Ly, học trò Ly, bạn bè Ly. Có phải đó mới là giá trị đích thực mà một tác phẩm đem lại cho xã hội”.
Ở một góc nhìn khác, nhà thơ Trương Xuân Thiên đưa ra những nhận định của mình qua góc nhìn của người sáng tác có đoạn: “Bàn tiếp về chủ thể sáng tạo trong bài thơ, bỏ tên tác giả đi, nhắm mắt lại ta thấy hiện lên một người lính, một người đàn ông đang sục sôi tình cảm về tổ quốc, về biển đảo quê hương. Thuần túy yếu tố ngôn ngữ thì nhân vật trong bài thơ là phi giới tính nhưng xét từ góc độ tâm lí học thì đó là cảm xúc của người đàn ông. Tổ quốc gọi tên là một bài thơ mang tính tự sự cao, có yếu tố phơi bày xúc cảm nhiệt thành nên có sự đồng nhất gần như tuyệt đối giữa chủ thể sáng tạo và nhân vật trữ tình. Vì thế nhiều người sẽ kết luận đây là thơ của một tác giả nam giới, ít người nghĩ đây là thơ của một nữ sĩ”.
Phản bác lại nhận định này nữ nhà văn Trần Hoàng Trúc viết: “Phân tích rất sắc sảo. Tuy nhiên mình không đồng ý lắm về chuyện "nam tính" hay "nữ tính". Truyện của mình nhiều người bảo "nam tính quá, đọc cứ tưởng của đàn ông". Chả lẽ là mình "chôm" của ông nào đó sao. Hơn nữa, đánh giá một tác phẩm, đặc biệt là thơ, ít nhiều nặng về cảm tính. Chẳng hạn,có bạn thấy hay, mình thấy dở và ngược lại. Một bài thơ hay không cứ phải xét những thứ liên quan đến "kỹ thuật", "vần điệu", "thẩm mỹ"... Chỉ cần chạm vào được trái tim người đọc là ok. Giống như có những bài hát, ca sĩ thể hiện điêu luyện quá, "kỹ thuật" quá mà có chạm vào trái tim ai đâu. Trong khi cũng bài hát đó được trình bày bằng cảm xúc thật sự lại khiến người nghe rung động... Thơ mới bây giờ, được bao nhiêu bài "bất hủ" cùng thời gian?.
|
Nhà văn Trần Hoàng Trúc - Ảnh: Tiểu Vũ |
Trong khi đó, trên trang Facebook cá nhân, nhà thơ Đinh Thu Hiền đăng một tấm hình chụp được từ trang của anh Ngô Xuân Phúc viết từ tháng 8/2014 sau đó chị bình luận như sau:
“Một bức hình nói lên tất cả sự thật!
Năm 2011, Nguyễn Phan Quế Mai đã viết bài thơ "Tổ Quốc gọi tên" và nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đã phổ nhạc, trở thành bài hát "Tổ Quốc gọi tên mình". Bài thơ và bài hát này nhanh chóng được nhiều người yêu thích.
Gần đây, có bạn Ngô Xuân Phúc sống tại Vinh đã cho rằng bạn ấy mới là tác giả thật sự của bài thơ, và mong Quế Mai "trả" lại tác phẩm này hoặc cho đứng tên chung đồng tác giả!
Bất kể ai thẩm được văn chương thì đều thấy rằng phong cách thơ của Nguyễn Phan Quế Mai nhất quán và trải dài trong suốt vài trăm tác phẩm đã được công bố và xuất bản."Tổ Quốc gọi tên" không thể là của ai khác, chỉ là của Nguyễn Phan Quế Mai.
Đêm qua, tôi nhận được một bức hình gửi vào trong inbox. Đó là bức chụp lại màn hình Facebook của Ngô Xuân Phúc, trong đó bạn này dẫn đường link một bài báo đăng trên Người Lao Động nói về "Tổ Quốc gọi tên". Phúc viết khen bài thơ này hay!
Không ai có thể khen một tác phẩm của người khác, mà tác phẩm ấy lại chính là sản phẩm ăn cắp của mình! Chuyện đó thật nực cười và hoang tưởng!
Tôi biết 2 ngày qua, Nguyễn Phan Quế Mai đã bị shock trước sao quả tạ vô duyên từ trên trời rơi xuống. Bạn bè báo chí, vì muốn tạo sự kiện, hoặc cũng vì cá nhân, mà đã viết stt hoặc bài báo lửng lơ khiến bạn đọc hiểu lầm, gây tổn thương cho Quế Mai rất nhiều. Mai đã thức trắng cả đêm không ngủ được.
Là một người viết, mình xin chia sẻ với Nguyễn Phan Quế Mai về chuyện "ất ơ" mà ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của một tác giả đã đoạt giải văn chương cả trong nước và quốc tế. Là một người bạn, mình mong Quế Mai thực hiện kiên quyết mọi công việc để bảo vệ danh dự và lấy lại uy tín của một tác giả thành danh.
Cố lên Nguyễn Phan Quế Mai!"
|
Ảnh chụp màn hình trên trang FB cá nhân của anh Ngô Xuân Phúc với thông tin do anh viết vào năm 2014 được cho là "bằng chứng" anh không phải là tác giả của bài thơ - Ảnh lấy từ trang cá nhân của nhà thơ Đinh Thu Hiền |
Ở một diễn biến khác. Hôm 6/10 bất ngờ nhà thơ Bàng Ái Thơ, đã lên tiếng xác nhận rằng, vào hồi tháng 4/2011, bà đã được đọc bài thơ này. Thông tin trên đã làm cho không ít người bất ngờ và hoang mang nửa tin nửa ngờ. Tuy nhiên những gì bà Bàng Ái Thơ nói cũng chỉ là “khẩu chứng” từ trí nhớ trong khi bản thân bà Bàng Ái Thơ không hề lưu giữ bất cứ bản thảo hoặc hình ảnh trực quan của bài thơ. Các luật sư nhận định, bằng chứng này hoàn toàn không có tính pháp lý vì vậy sẽ yếu thế hơn so bằng chứng mang tính “vật chất & ký tự” do nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đang sở hữu nếu như cả hai cùng ra tòa.
"Kỳ án văn chương” này chúng ta phải đợi đến ngày 10/10 mới được hé mở và đi đến kết luận cuối cùng, hoặc sự vào cuộc của cơ quan pháp luật bằng một phiên tòa.
Tiểu Vũ (TH)