Giám đốc World Bank Việt Nam chia sẻ về những động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam. Ông đặc biệt chú ý tới thúc đẩy khối tư nhân và cải cách các thể chế lõi của nhà nước.

Tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam

Theo Zing | 05/12/2018, 21:19

Giám đốc World Bank Việt Nam chia sẻ về những động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam. Ông đặc biệt chú ý tới thúc đẩy khối tư nhân và cải cách các thể chế lõi của nhà nước.

Giám đốc World Bank tại Việt Nam bắt đầu câu chuyệnvềmột TP.HCM ngập nước mà ông vừa ghé thăm ngay sau cơn bão số 9. Với ông Ousmane Dione, nước là vấn đề sống còn và là đề tài ông đã theo đuổi trong nhiều năm. Mỗi giọt nước dù ít, dù nhiều, đều có tác động trực tiếp tới kinh tế Việt Nam.

Ở TP.HCM, ông thấy hình bóng của Manila, đại đô thị chiếm tới 30% GDP của Philippinesvà cũng đang chịu ảnh hưởng rất nặng bởi vấn đề ngập và giao thông. Và những vấn đề này không tách rời câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Biến đổi khí hậu tác động tới GDP tăng trưởng

- Khi ông ở TP.HCM hôm qua thì nước còn ngập không?

- Lúc đó nước vừa rút. Vấn đề với TP.HCMđây là vùng dễ ngập, đặc biệt khi có lượng nước lớn đổ vào thì lúc đó thành phố sẽ chịu cả hai yếu tố. Một mặt nước sông Sài Gòn và sông Đồng Nai đều dâng, trong khi nước trên bờ thì ngập nên nước sẽ dồn ứ lại. Đây là lý do TP.HCM rất cần hệ thống cống thoát nước tốt. Dự án môi trường của chúng tôi đang hỗ trợ điều này.

- Với một đất nước đang phát triển hay thành phố như TP.HCM thì ngập lụt hay biến đổi khí hậu sẽ không phải là ưu tiên...

- Hầu hết thành phố ở Đông Á và khu vực Thái Bình Dương, nơi có tập trung đô thị hóa và dân số cao nhất, đều đối mặt vấn đề này.

Khác biệt của Đông Á so với các thành phố ven biển Thái Bình Dương ở Mỹ Latin (tôi từng làm việc ở đó)chẳng hạn là các thành phố châu Mỹ có cốt nền cao hơn rất nhiều. Ví dụ Lima của Peru ở trên bình nguyên cao vài trăm mét. Nên bạn sẽ không có tình trạng nước biển dâng tới mức ảnh hưởng trực tiếp tới Lima. Nhưng ở các vùng châu thổ sông và các vùng đất ngập như kiểu Jakarta, Sài Gòn hay Manila - nơi tôi từng ở 4 năm - thì mưa ngày càng lớn, nước ngầm giảm, dẫn tới đất lún và tình trạng ngập lụt ngày càng nhiều.

Đây là lý do mà với các thành phố ở Đông Á, việc xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi thiên nhiên quan trọng hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Riêng khu vực đô thị của Manila tạo ra khoảng 30% GDP của Philippines. Nhưng nếu tính cả phần tắc nghẽn giao thông và ngập lụt, đôi khi là đi kèm với nhau, gây tổn thất tới 8% GDP mỗi năm của Philippines.

Ở TP.HCM, con số này có thể thấp hơn nhưng sẽ ngày càng tiệm cận (với con số ở Manila). Đây là lý do TP.HCM cần phải có sức chống chịu tốt với biến đổi khí hậu. TP.HCM cần phải xử lý được lượng nước ngập của mình - điều ảnh hưởng rất cụ thể đối với kinh tế.

Ở Việt Nam, mỗi giọt nước đều có tác động tới nền kinh tế - từng giọt một. Dù đó là quá nhiều nước - ngập và tác động của nó đối với nền kinh tế - hay quá ít nước, giống như tình trạng ở Đồng bằng Sông Cửu Long, cũng tác động tới sản xuất. Nếu nước quá bẩn, đặc biệt khi ô nhiễm ngày càng tác động, thì nó cũng tác động tới kinh tế.

- Nói cách khác, giải quyết biến đổi khí hậu hay giao thông sẽ đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế?

- Đương nhiên rồi. Biến đổi khí hậu sẽ phải là một nhân tố trong tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam tương lai. Giao thông, hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng chất lượng, hạ tầng có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu cho tương lai.

- Xu thế chiến tranh thương mại hiện tại sẽ ảnh hưởng thế nào tới tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam? WB, IMF gần đây đã giảm con số dự đoán của mình về tăng trưởng của Việt Nam.

- Dù là dự đoán của WB và IMF cho tăng trưởng ở Việt Nam đã giảm - dự đoán tăng trưởng giờ ở tầm 6,5%-6,7% so với trước kia tầm trên 7% - nhưng đó vẫn là các con số rất tốt, chúng ta không nên quên điều đó.

Nếu nhìn dự đoán tăng trưởng của Việt Nam hiện nay và nhìn vào tốc độ tăng trưởng của các nước khác ở khu vực thì có lẽ nền kinh tế tăng trưởng nhanh duy nhất ở khu vực này ngoài Việt Nam chỉ còn Trung Quốc.

Tăng trưởng rất nhanh đạt được trong thập niên vừa qua giúp Việt Nam gia nhập vào nhóm các nước thu nhập trung bình thấp. Đó là điều rất tốt nhưng chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật.

Hành trình để Việt Nam trở thành đất nước công nghiệp hiện đại mới chỉ bắt đầu. Đó là hành trình mà tất cả những gì đạt được tới lúc này không đảm bảo cho thành công của ngày mai.

Ở trong nước, Việt Nam phải giải quyết một số thách thức về cấu trúc. Ví dụ là sự già hóa dân số rất nhanh, Việt Nam đang có dân số già hóa nhanh nhất trên thế giới.

Việt Nam cũng cần giải quyết sự tăng trưởng chậm của năng suất lao động cũng như mức đầu tư ngày càng giảm và tác động của môi trường đối với phát triển. Câu hỏi là, Việt Nam nên dung hòa thế nào giữa tăng trưởng tốt, tăng trưởng nhanh với bảo vệ, kiểm soát môi trường một cách bền vững. Để tăng trưởng không đánh đổi bằng môi trường.

Ở bên ngoài, có hai yếu tố đặc biệt quan trọng. Đầu tiên là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi hoàn toàn cách các nước tổ chức hoạt động sản xuất cũng như đời sống hàng ngày.

Điểm thứ 2 là sự nổi lên của tâm lý phản toàn cầu hóa. Nếu bạn có nền kinh tế mở, nền kinh tế hướng vào sản xuất như kiểu Việt Nam thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với xu thế phản toàn cầu hóa, điều có thể dẫn tới chủ nghĩa bảo hộ.

- WB đang làm báo cáo về động lực tăng trưởng của Việt Nam, WB có chú ý cụ thể tới động lực nào không?

- Tất cả những thành tựu tốt mà Việt Nam đạt được trong 2-3 thập niên qua giờ đã chạm trần rồi.

Giờ là thời điểm rất quan trọng (cho đổi mới) khi Việt Nam vẫn đang có tăng trưởng tốt. Ngoài ra, Việt Nam có một lợi thế mà đôi khi người Việt không chú trọng - đó là một môi trường chính trị hết sức ổn định. Người Việt Nam không đánh giá cao nó, nhưng nó rất quan trọng.

Việt Nam cần những cải cách không chỉ ở khía cạnh số lượng mà cả trên góc độ chất lượng và sự bền vững của tăng trưởng. Trên góc độ đó thì có thể thấy một loạt yếu tố có thể trở thành động lực tăng trưởng.

Đầu tiên là chính sách tổng thể cho khối kinh tế tư nhân. Làm thế nào để thúc đẩy sự tham gia và phát triển của khối tư nhân vào nền kinh tế.

Thứ hai, để làm điều đó cần cả việc hiện đại hóa các cơ quan nhà nước. Làm thế nào để cơ quan nhà nước được hiện đại hóa hơn, tăng cường để đáp ứng được vai trò nhà nước kiến tạo.

Thứ ba là những cơ sở hạ tầng chất lượng mà Việt Nam cần đầu tư để tạo ra những lợi ích lan tỏa, những trụ cột tăng trưởng.

Thứ tư là câu chuyện nguồn lực nhân sự. Làm thế nào để Việt Nam có thể và nên tiếp tục xây dựng nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp của tương lai. Đồng thời làm sao để tận dụng nguồn nhân lực này để giải quyết ngay lúc này.

Động lực cuối cùng là làm thế nào Việt Nam có thể nhìn tăng trưởng trên góc độ tăng trưởng xanh. Làm thế nào để Việt Nam có thể thay đổi từ các chính sách phát triển “nâu” sang các chính sách tăng trưởng “xanh” để có những kết quả bền vững.

Họ nói khi tôi mới đến là “không có gì là không thể ở Việt Nam” nên tôi tin là các lãnh đạo ở Việt Nam nếu có sự tập trung vào các mục tiêu này, cùng với sự năng động của người Việt Nam, chắc chắn họ sẽ giải quyết được các thách thức.

- Ai cũng nói tăng trưởng xanh nhưng các giải pháp xanh thì đắt đỏ và cần thời gian dài hơn. Đây là lựa chọn rất khó cho một nước đang phát triển. Nhiều khi, Việt Nam sẽ chọn con đường tăng trưởng nhanh thay vì đi chậm hơn chút.

- Có hai điểm ở đây. Thứ nhất, không có đường tắt cho con đường phát triển. Chỉ có con đường đúng để đạt được phát triển tốt và ở đây có vài khía cạnh.

Một là tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam và làm điều này sẽ cần một loạt cải cách, trong đó có thay đổi các khung pháp luật hiện hành không linh động, không đủ sáng tạo để thu hút đầu tư.

Phân tích thêm về việc tại sao phải chuyển sang đầu tư cho các dự án xanh thay vì duy trì con đường mà nền kinh tế vẫn đang vận hành hiện nay.Đó là câu hỏi mà nó hơi giống con gà và quả trứng chút. Vì sẽ rất dễ để nói con đường hiện tại của tôi đang tốt, tại sao phải thay đổi. Nhưng chúng ta đang sống trong thế giới của toàn cầu hóa, khi mà các nước đều nhìn vào nhau.

Nhìn từ góc độ đó thì sẽ thấy dân số Việt Nam đang tăng, lực lượng thu nhập trung lưu ở Việt Nam cũng đang tăng. Và tầng lớp trung lưu này cũng muốn tìm kiếm những điều chất lượng hơn (trong cuộc sống). Những kỳ vọng đó sẽ không mất đi mà sẽ chỉ có tăng lên. Bạn sẽ cần tham vọng hơn, cần có tầm nhìn và quyết tâm (với các giải pháp xanh).

Tôi lấy một ví dụ về năng lượng. Việt Nam đã làm rất tốt trên góc độ này. Năm 1993, chỉ 40% dân số Việt Nam được tiếp cận với điện. Tới năm 2018, con số này là 99%. Nói cách khác là trong 25 năm, 60 triệu dân Việt Nam đã có điện chiếu sáng ở nhà. Đó là thành tựu rất đáng kể. Nhưng cùng lúc nếu nhìn những năng lượng đó đang được sản xuất thế nào thì rất nhiều vẫn đang là nhiệt điện, sản xuất từ than. Mà nói tới than là nói tới ô nhiễm.

Không khí sạch giúp cho sức khỏe của chúng ta, đồng thời giúp cho sức khỏe của các thế hệ trong tương lai? Đó có phải là mong muốn hợp lý không? Đương nhiên là đúng rồi. Mà nếu vậy thì Việt Nam có thể làm gì? Chúng ta cũng biết rằng câu hỏi không phải là dẹp ngay các nhà máy than vào ngày mai - sẽ không bao giờ có thể làm vậy.

Nhưng có thể làm bằng cách tận dụng nhiên liệu tái tạo với các công nghệ mới có thể tiếp cận được, giá phải chăng hơn. Để làm được vậy sẽ cần những cải cách nhất định để các loại nhiên liệu như mặt trời, gió, biomass có giá rẻ hơn. Làm được vậy thì sẽ cần phải kết hợp với đổi mới.

Hiện đại hóa các thể chế lõi của chính phủ cho cách mạng 4.0

- Thủ tướng Việt Nam nói nhiều về cách mạng 4.0 và trước đó là về chính phủ kiến tạo. Những điều này đóng vai trò thế nào cho tăng trưởng?

- Cách mạng 4.0 giờ đã ở đây rồi. Câu hỏi là giờ làm thế nào để Việt Nam đón nhận và tiến lên phía trước với cách mạng 4.0. Và đâu là những yếu tố quan trọng (trong cuộc cách mạng này).

Đầu tiên là làm sao Việt Nam có thể thúc đẩy được khối tư nhân trong nước, đây là điều tối quan trọng. Thứ hai là làm sao để Việt Nam có đột phá về cơ sở hạ tầng và có các hạ tầng chất lượng. Thứ ba là làm thế nào để đầu tư vào nguồn nhân lực cho phù hợp với thế kỷ 21.

Việt Nam thực tế đã đưa bản thân mình khá tốt vào con đường của cách mạng 4.0 khi đây là nền kinh tế mở và trong tương lai điều này sẽ chỉ được đẩy nhanh hơn.

Tôi đưa ra công thức 3 nhân tố - gọi là TIP - mà tôi coi là rất quan trọng trong tương lai để Việt Nam có thể thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0: Công nghệ (Technologies), Thể chế (Institutions) và Con người (People). Cả 3 yếu tố đó đều cực kỳ quan trọng.

Với công nghệ, Việt Nam cần nắm bắt các giải pháp công nghệ tích hợp mới. Và đây cũng chính là lúc mà chính phủ kiến tạo là rất cần thiết. Vì chính phủ có thể có cách tiếp cận tổng thể xem công nghệ có thể hỗ trợ cải cách thế nào để thay đổi các thành quả phát triển của mình.

Chúng tôi đã bắt đầu một số dự án hợp tác về chính phủ điện tử trong lĩnh vực này. Điều này rất quan trọng để thay đổi đất nước, sử dụng công nghệ để hiện đại hóa các thể chế trong tương lai.

Với các thể chế, rất quan trọng để chính phủ đưa ra và đơn giản hóa các thủ tục để thúc đẩy sáng tạo. Còn rất nhiều thủ tục có thể đơn giản hóa.

Với sáng tạo, đây chính là điểm mà bạn có thể sử dụng công nghệ. Ví dụ như chính phủ điện tử là ví dụ rất rõ. Bạn có thể số hóa rất nhiều số liệu, bạn có thể công khai số liệu, có thể minh bạch hóa các thủ tục và cắt rất nhiều thủ tục hành chính trong hệ thống. Đây chính là vấn đề hiệu quả cho tương lai.

Yếu tố thứ ba là con người. Đầu tư vào con người là điều cực kỳ quan trọng vào lúc này để đảm bảo sự lành mạnh và kỹ năng của lực lượng lao động để trở thành động lực cho phát triển trong tương lai của Việt Nam.

Cả ba yếu tố này của TIP là khung chính sách lớn. Nó đòi hỏi sự thay đổi về cách nhìn, thay đổi những thói quen mà mọi người và nhiều cơ quan vẫn có. Nó cũng đòi hỏi phải kết hợp với khối tư nhân.

Và ở điểm này thì vai trò kiến tạo, hỗ trợ của nhà nước cực kỳ quan trọng. Các tác động của thể chế, bao gồm lĩnh vực quốc doanh, các thể chế chưa thị trường hoàn chỉnh, và môi trường đầu tư nhiều rào cản đang cản trở việc phân bổ nguồn lực hữu hiệu trong nền kinh tế.

Với nhà nước vẫn tham gia vào hoạt động sản xuất và phân bố nguồn lực, sẽ luôn có câu hỏi về môi trường bình đẳng, và rất quan trọng nếu chúng ta có sự vận hành độc lập của thị trường và môi trường cạnh tranh hiệu quả.

Ngoài ra, bạn cần giải quyết được sự chia rẽ và cát cứ trong hệ thống, làm thế nào để thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong quá trình đưa ra quyết định - đây là điều cực kỳ quan trọng.

Đây là lý do mà hiện đại hóa các thể chế lõi trong chính phủ Việt Nam là rất cần thiết.

Thách thức để giáo dục thành động lực tăng trưởng

- Trong bài viết cho Zing.vn ông nói về đào tạo nhân lực cho nền kinh tế tri thức. Ông có thể nói rõ hơn?

- Tôi có nói về 3 loại nguồn lực: nguồn lực thể chế, nguồn nhân lực và nguồn lực tài nguyên tự nhiên.

Về nguồn lực con người, Việt Nam đang ở vị thế tốt nhờ quá trình dài xây dựng nguồn lực. Về giáo dục các cấp cơ sở, Việt Nam có thành tích rất tốt trong các cuộc thi quốc tế như PISA. Ngoài ra, khi đi trên đường ở các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, bạn có thể thấy giới trẻ rất năng động ở Việt Nam.

Nhưng đây chính là thời điểm mà nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam đã đạt tới trần và nó có thể bắt đầu suy giảm. Việt Nam cần phải tận dụng ngay được nguồn nhân lực trẻ này của mình.

World Bank gần đây lần đầu tiên công bố chỉ số Nguồn nhân lực (HCI) và Việt Nam đứng thứ 48/157 quốc gia trên toàn thế giới, cao hơn bất cứ nước thu nhập trung bình thấp nào khác, và hơn rất nhiều nước ở cùng mức thu nhập với Việt Nam. Vậy đó là tin rất tốt.

Nhưng bất chấp vị trí thứ 48 đó, khi mà phân tích các con số ta sẽ thấy những điểm Việt Nam còn yếu. Một đứa trẻ ở Việt Nam hiện nay sẽ chỉ đạt được 67% tiềm năng của mình kể cả khi được giáo dục và có sức khỏe đầy đủ.

Cũng cần nhớ là dân số Việt Nam đang già đi. Tỷ lệ dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động thực tế đã đạt đỉnh vào năm ngoái và giờ sẽ chỉ giảm đi mà không tăng lại. Tới 2050, dự kiến 1/5 dân số Việt Nam sẽ là trên 65 tuổi. Và 2050 thì không phải xa lắm đâu.

Trên góc độ kỹ năng, chỉ 8% lực lượng lao động Việt Nam là có bằng đại học, và như vậy sẽ là không đủ để thực hiện bước nhảy vào nền công nghiệp 4.0. Đây là lý do mà công nhân Việt Nam sẽ cần được trang bị những kỹ năng đủ để có thể bắt kịp với cuộc cách mạng 4.0 này.

Việt Nam rất cần triển khai các đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực để lao động Việt Nam có thể mang thêm giá trị cho nền kinh tế.

Trên góc độ này thì nghĩa gì: thứ nhất là cải cách hoàn toàn hệ thống giáo dục, bắt đầu bằng giáo dục đại học và dạy nghề - đây là mốc mà nhân lực chuyển từ đào tạo sang thị trường lao động. Điều này rất quan trọng cho tăng năng suất lao động, tăng chất lượng nhân lực.

Thứ 2, là sử dụng được hết lực lượng lao động có đào tạo. Hiện Việt Nam đang có khoảng 20-25 triệu nhân công mà chưa thật sự được đào tạo đủ cho công việc của tương lai. Cách mạng 4.0 sẽ tới rất nhanh, tự động hóa sẽ tới rất nhanh. Chúng ta cần giúp các lao động chưa có trình độ cao này để họ có thể thích nghi được với những thay đổi đang diễn ra.

Yếu tố thứ 3, thế giới thay đổi, giáo dục thay đổi thì cách thức, phương pháp mà con người được dạy cũng cần được thay đổi. Việc đào tạo về môi trường số là rất quan trọng.

Và trên góc độ này chúng ta cũng không thể bỏ quên lực lượng công chức của Việt Nam. Chúng ta cần hiện đại hóa họ, cần giúp họ đón nhận các công nghệ mới, cần theo họ để thích nghi với môi trường kinh tế mới, với những thay đổi toàn cầu.

- Ở Việt Nam người ta tranh cãi nhiều: chúng ta nói nhiều về 4.0 nhưng Việt Nam thì hiện vẫn ở mức 2.0 hay 1.0, cả ở lực lượng lao động cũng như khả năng quản lý. Làm thế nào giải quyết nhanh chóng vấn đề này?

- Tôi không tin vào giải pháp nhanh. Tôi là một kỹ sư (cười), và các giải pháp nhanh thì thường dẫn tới chỗ rò trong tương lai. Tôi chỉ tin vào giải pháp đúng. Và một số giải pháp đúng với 4.0 là hiện đại hóa khả năng quản lý, hiện đại hóa lực lượng công chức. Sẽ không thể có công nghiệp 4.0 với một bộ máy 1.0 - như vậy sẽ không tương thích được.

Vậy làm thế nào để kết hợp bộ máy tốt (với thay đổi), làm thế nào để đem công nghiệp 4.0 vào trong thay đổi tư duy của bộ máy và hệ thống. Số hóa (thủ tục), (thúc đẩy) chính phủ điện tử, dữ liệu mở,… tất cả sẽ là giải pháp tổng thể cho hiện đại hóa bộ máy, hiện đại hóa chính quyền.

- Xin chân thành cám ơn ông.

Theo Thanh Tuấn/Zing
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam