Việc cơ quan pháp luật vừa mới hoàn thành bản kết luận điều tra vụ việc hiệu trưởng Đại học Đông Đô (Hà Nội) cùng một số cán bộ trong trường “kinh doanh“ bằng tốt nghiệp đại học giả để kiếm chác thật đáng lo ngại cho thực trạng giáo dục nước nhà.

Tiến sĩ ơi là tiến sĩ!

Quốc Phong | 26/11/2020, 07:10

Việc cơ quan pháp luật vừa mới hoàn thành bản kết luận điều tra vụ việc hiệu trưởng Đại học Đông Đô (Hà Nội) cùng một số cán bộ trong trường “kinh doanh“ bằng tốt nghiệp đại học giả để kiếm chác thật đáng lo ngại cho thực trạng giáo dục nước nhà.

Đây cũng là lời cảnh báo toàn xã hội khi có không ít người chạy theo thi cử, kiếm bằng cấp không thực chất để thăng tiến rất tệ hại. 

dai-hoc-dong-do.jpg
Đại học Đông Đô, Hà Nội

Theo tìm hiểu của tôi qua báo chí thì chỉ trong một trường như Đại học Đông Đô, họ đã tung ra 626 bằng cử nhân tiếng Anh giả trong một thời gian ngắn thì khủng khiếp quá! 

Điều đặc biệt đáng lưu ý, đó là những "khách hàng" mua bằng giả ấy đa số là cán bộ công chức. Rồi thì trong số này có tới 55 người dùng bằng giả để xin đăng ký, xét duyệt làm nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ. 

Thật không còn gì để nói về nhân cách, về trí tuệ của những vị "tiến sĩ tương lai" nói trên. 

Nhiều người cho rằng các cơ quan pháp luật phải công khai danh tính 55 người này để xem hiện nay họ đang công tác ở đâu, đảm nhiệm vị trí gì? Chỉ có cách công khai như vậy thì họ mới hết cửa làm bậy những năm sau một cách triệt để nhất và làm gương cho người khác đang có ý học theo...

Phải chăng cũng vì bệnh chạy theo bằng cấp giả tạo này đã khiến cho người xứng đáng là tiến sĩ trong xã hội ta đã bị tổn thương nghiêm trọng bởi họ đã và đang bị xúc phạm nặng nề? 

Tuy chưa thể khẳng định còn hay không những trường đại học nào khác nữa trong cả nước đã và đang làm chuyện tương tự như Đại học Đông Đô. 

Cũng chưa thể khẳng định có bao nhiêu phần trăm những tiến sĩ đã bảo vệ luận án có bằng ngoại ngữ giả (cả trình độ đại học hoặc thấp hơn đại học), đủ để "vượt vũ môn" cho phép làm luận án tiến sĩ...

Nhưng cho dù là thế nào thì những ví dụ này cũng là điều rất đáng báo động. 

Trong xã hội hôm nay, có rất nhiều tiến sĩ nhưng làm việc trái chuyên môn. Nếu như chỉ nhìn vào bằng cấp kiểu thuần túy cơ học để bố trí, thăng cấp cho ai đó thì sẽ thật tai hại cho đất nước. 

Một anh vẫn cố làm luận án tiến sĩ về sản xuất động cơ máy nông nghiệp chẳng hạn, khi anh này đã chuyển sang làm lãnh đạo cấp tỉnh về ngạch chính trị từ rất lâu thì liệu có cần nữa không và có làm nổi không khi công tác đã bận bù đầu? Lẽ ra anh ta phải chủ động xin chuyển sang làm đề tài khác gần gũi hơn trừ phi có ý định quay trở về ngành cơ khí hay nông nghiệp. 

Ngược lại, có những vị đang làm chuyên môn của một cơ quan khoa học kỹ thuật. Thế nhưng lại đăng ký xin làm tiến sĩ của ngành khoa học xã hội thì khó thuyết phục quá vì nó không giúp gì bao nhiêu trong công việc người đó đang làm...

Xã hội hiện đang có rất nhiều vị tiến sĩ làm trái nghề kiểu như vậy. Và phải chăng, họ cũng chỉ làm tiến sĩ để sau đó có lý do gắn thêm “cái mác”, “giải quyết khâu oai” và lòe thiên hạ? 

Đã đến lúc cần trả họ trở về đúng ngành nghề họ từng bảo vệ tiến sĩ thì tốt cho đất nước biết bao nhiêu...

Tôi vừa được nghe kể từ đại tá Nguyễn Nam, nguyên Phó trưởng phòng của Cục Bảo vệ An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an về chuyện nước Nga dưới thời Tổng thống Putin liên quan đến việc dùng người sính bằng cấp khá thú vị của vị tổng thống cứng rắn nhưng rất thâm sâu, tinh tế này.

Đó là vào năm 2016, Tổng thống Putin "ra đòn với một số quan chức cấp cao nhưng mắc bệnh háo danh, đã là quan chức mà còn tham gia làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Hình thức xử lý rất nhẹ nhàng nhưng thâm thúy. Đó là ông Putin quyết định cho họ thôi việc quản lý nhà nước "để chuyên tâm hơn trong công tác nghiên cứu khoa học".

Sau khi liệt kê các đại diện của các Bộ Khoa học và Đào tạo, Cục An ninh Liên bang, Bộ Nội Vụ, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, Tổng thống Putin đặt 2 câu hỏi cho Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Nga Fortove: Làm như vậy để làm gì, thực sự họ là những nhà khoa học lớn hay không? Tôi phải làm gì với họ bây giờ?

Viện trưởng nọ nói loanh quanh một lúc nên bị ông Putin hỏi lại, đành phải trả lời “họ là nhà khoa học được bầu” (ở VN gọi là “đúng quy trình”).  

Ông Putin đáp: Như vậy có nghĩa họ là những nhà khoa học lớn? Thế thì câu thứ 2 tôi không cần phải trả lời. Tôi sẽ phải tạo điều kiện cho họ nghiên cứu khoa học.

Và thế là Tổng thống Putin cho một loạt cán bộ quản lý cao cấp của Văn phòng Tổng thống, FSB, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ... có học hàm, học vị cao nghỉ việc. Một số người trong đó từng giữ chức Tổng cục trưởng, Cục trưởng bên Công an, Quân đội rồi cả Phó chánh Văn phòng Tổng thống... mà không một ai dám hé răng phản ứng.

Anh Nguyễn Nam còn nói vui rằng, nếu như nước mình mà cũng mạnh tay làm như vậy thì các vị tiến sĩ nói trên dù có đưa về trường dạy Trung học phổ thông đúng với bộ môn đó e cũng rất khó vì họ sẽ lòi cái đuôi học giả bằng thật ngay tức thì. Từ đó ắt sẽ dập tắt bệnh sính bằng cấp như ta thấy tràn lan trên cả nước. 

Không công khai những hành vi gian dối việc mua bằng để thăng tiến thì cũng không khác gì chúng ta đang vô tình hà hơi tiếp sức cho bọn người làm và mua bán bằng trắng trợn như chuyện vừa xảy ra tại Đại học Đông Đô, cũng như các ổ nhóm sản xuất phôi và in, bán bằng giả cho người có nhu cầu để leo cao vào các cơ quan nhà nước. Xã hội sẽ ra sao nếu những con người có quá khứ như thế ngang nhiên chiếm lĩnh những cái ghế trong bộ máy của hệ thống chính trị? Tôi thì khẳng định luôn, đó là hành vi góp phần đẩy xã hội xuống cấp vô cùng tai hại và nhanh chóng, không cần phải có thế lực thù địch nào phá hoại, vì chính những kẻ mua bán này sẽ phá nát chế độ của chúng ta.

Bài liên quan

(4) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiến sĩ ơi là tiến sĩ!