Đó là thông tin mà Viện Khoa học thủy lợi miền Nam vừa dự báo đối với tình hình mùa khô năm 2020-2021 đối với ĐBSCL.

Thủy điện Cảnh Hồng giảm xả, ĐBSCL vừa ăn tết vừa lo chống mặn

Nguyên Việt | 30/01/2021, 09:10

Đó là thông tin mà Viện Khoa học thủy lợi miền Nam vừa dự báo đối với tình hình mùa khô năm 2020-2021 đối với ĐBSCL.

dbscl-chong-xam-nhap-man.jpg
Việc giảm xả thủy điện Trung Quốc được xem là đã bắt đầu có ảnh hưởng đến dòng chảy về ĐBSCL. Mặn có thể lên cao nhất từ ngày 8-16.2, đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: Nguyên Việt

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, lưu vực sông Mekong đang ở thời kỳ mùa khô năm 2020-2021. Từ ngày 5-24.1 vừa qua, thủy điện Cảnh Hồng ở Trung Quốc giảm xả nước xuống hạ lưu để bảo trì lưới điện, lưu lượng xả giảm xuống còn khoảng 1.000m³/s. Ngày 28.1, nước xả ra từ thủy điện Cảnh Hồng vẫn thấp, chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Hai yếu tố thượng lưu quan trọng tác động đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến tỉnh Kratie ở Campuchia. Tại trạm Kratie, mực nước trong tuần qua giảm 0,04m so với tuần trước. Còn tại Biển Hồ, dung tích nước là 5 tỷ m3, mặc dù cao hơn so với năm 2020 và năm 2016 nhưng thấp hơn 2,67 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm (7,67 tỷ m3). Dự báo nguồn nước mùa kiệt 2020-2021 về đồng bằng thấp, khả năng hạn mặn lịch sử đã được dự báo từ sớm.

Việc giảm xả thủy điện Trung Quốc với thời gian kéo dài trong tháng 1 sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước và mặn lên cao nhất từ 8-16.2 (nhằm 27 tháng Chạp đến mùng 5 Tết Tân Sửu 2021). Trong thời gian này, mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 48-70km, 75-90km trên sông Vàm Cỏ và 50-55km trên sông Cái Lớn.

Với tình hình này, các chuyên gia khuyến cáo các địa phương chủ động các biện pháp phòng chống hạn mặn như vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về. Việc lấy và tích nước đủ muộn nhất trước 7.2 sẽ góp có hiệu quả để hạn chế thiệt hại khi mặn cao dịp Tết.

Trước đó, sau khi có thông tin đập thủy điện Cảnh Hồng ở Trung Quốc giảm lưu lượng xả nước, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo hỏa tốc giao Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT theo dõi chặt chẽ, dự báo kịp thời diễn biến dòng chảy sông Mekong và xâm nhặp mặn tại ĐBSCL, chủ động chỉ đạo, điều hành sản xuất phù hợp, hạn chế thiệt hại.

Còn tại ĐBSCL, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân trước, trong và sau Tết Tân Sửu 2021, các địa phương lên kế hoạch chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Lãnh đạo Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng Ban chỉ huy phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi, dự báo, cảnh báo sớm tình hình
xâm nhập mặn trước, trong và sau Tết. Phối hợp các địa phương nắm số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt để kịp thời thực hiện giải pháp hỗ trợ phù hợp thực tế. Khai thác hiệu quả số liệu từ 10 trạm đo mặn tự động để cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân ứng phó XNM hiệu quả, giảm bớt thiệt hại.

Còn UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2020-2021, với tổng vốn thực hiện ước tính gần 1.656 tỉ đồng. Trong đó, tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ 1.579 tỉ đồng để thực hiện nạo vét các kênh thủy lợi tạo nguồn cấp nước tưới phục vụ phòng chống hạn, mặn, đảm bảo yêu cầu sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân.

UBND tỉnh Tiền Giang cũng quyết định cho đầu tư xây dựng 8 đập ngăn mặn trên các tuyến kênh, rạch trên địa bàn, mục tiêu là đảm bảo nước tưới cho 128.250ha đất sản xuất nông nghiệp và nguồn nước bổ cấp cho 3 nhà máy nước phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu người dân của hai tỉnh Tiền Giang và Long An. Dự kiến các đập sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo Nguyên Việt
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủy điện Cảnh Hồng giảm xả, ĐBSCL vừa ăn tết vừa lo chống mặn