Các thương nhân phân phối xăng dầu muốn thời gian giá là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá; không dời ngày điều hành giá khi rơi vào các ngày nghỉ.

Thương nhân phân phối xăng dầu muốn tăng thời gian điều chỉnh giá lên 15 ngày/lần

Sơn Lam | 15/02/2023, 16:00

Các thương nhân phân phối xăng dầu muốn thời gian giá là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá; không dời ngày điều hành giá khi rơi vào các ngày nghỉ.

Bộ Công Thương và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu”.

Đề xuất 2 phương án về thời gian điều hành giá

Về thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu, trước đây theo quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, thời gian điều hành giá xăng dầu giữa 2 kỳ điều hành là 15 ngày. Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, thời gian điều hành giá xăng dầu giữa 2 kỳ điều hành đã được sửa đổi giảm từ 15 ngày xuống 10 ngày.

Theo Bộ Công Thương, qua đánh giá các đề xuất của doanh nghiệp về việc điều chỉnh thời gian của chu kỳ điều hành giá, chỉ khi giá tăng, các doanh nghiệp mới nêu mạnh vấn đề rút ngắn thời gian điều hành giá. Nhưng khi giá giảm, các doanh nghiệp lại có xu hướng đề xuất kéo dài thời gian điều hành giá (có một số ý kiến của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị thời gian điều hành giá nên quay lại quy định như trước đây là 15 ngày).

Quan điểm của liên bộ Công Thương - Tài chính là chu kỳ điều hành giá 10 ngày hiện vẫn cơ bản phù hợp và không phải là nguyên nhân của việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu thời gian vừa qua. Tuy nhiên, về định hướng sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án quy định về điều hành giá xăng dầu.

xang-dau.jpg
Các doanh nghiệp góp ý về thời gian điều chỉnh giá xăng dầu

Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành. Ưu điểm là không làm ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp và phù hợp với những nội dung đã phân tích ở trên về cơ sở của việc sửa đổi và quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP; có sự ổn định tương đối của giá xăng dầu để không ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ (do xăng dầu thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá nên rất cần có sự ổn định).

Nhược điểm là chưa phù hợp với đề xuất của một số đơn vị có ý kiến rút ngắn thời gian điều hành giá, nên khi giá xăng dầu thế giới vào giai đoạn tăng, các đơn vị này lại tiếp tục có kiến nghị (đề xuất này không phải là ý kiến của đa số các doanh nghiệp).

“Mặc dù đây không phải là nguyên nhân của việc thiếu nguồn cung xăng dầu cục bộ thời gian qua nhưng trong trường hợp các nguyên nhân trực tiếp của những khó khăn về nguồn cung xăng dầu (việc tính đủ chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính…) chưa được giải quyết dứt điểm, các đơn vị liên quan lại tiếp tục nêu vấn đề sửa đổi việc điều hành giá”, Bộ Công Thương nêu.

Phương án 2: Sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu xuống mức 7 ngày, quy định vào 1 ngày cụ thể là thứ năm hằng tuần. Trong giai đoạn giữa 2 kỳ điều hành, nếu giá cơ sở có biến động tăng trên 5%, liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ thực hiện điều hành giá.

Ưu điểm là giá xăng dầu trong nước sẽ biến động gần hơn với biến động của giá xăng dầu thế giới. Khi giá tăng sẽ được sự ủng hộ của các doanh nghiệp.

Nhược điểm, do thời gian để thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ lúc đặt hàng đến lúc hàng về đến cảng Việt Nam) thường cần khoảng 10 - 15 ngày nên thị trường có sự bất ổn theo xu hướng bất lợi cho doanh nghiệp. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có ý kiến về thời gian điều hành/công bố giá quá ngắn, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp khó đoán định được giá trong nước khi nhập khẩu xăng dầu (đặc biệt khi vào chu kỳ giá đi xuống, ví dụ có thể xảy ra sau khi chiến tranh Nga - Ukraine kết thúc).

Thương nhân phân phối muốn tăng chu kỳ thời gian lên 15 ngày

Theo các thương nhân phân phối xăng dầu, dự thảo Nghị định theo Văn bản số 62/BCT-TTTN ngày 6.1.2023 của Bộ Công thương thì thời gian điều hành giá xăng dầu vào ngày thứ năm hằng tuần (7 ngày) là không phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Lý do là kể từ khi ký hợp đồng nhập khẩu đến khi xăng dầu được vận chuyển về đến Việt Nam phải mất khoảng từ 10 - 15 ngày. Sau khi xăng dầu về đến Việt Nam thì với tình hình giao thông tại Việt Nam thì phải mất khoảng 5 - 7 ngày xăng dầu mới được vận chuyển đến các cửa hàng bán lẻ các vùng miền vùng sâu vùng xa…

xang-dau-cung-2.jpg
Hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu”

Do đó, thương nhân phân phối xăng dầu kiến nghị Bộ Công Thương không nên vội vàng sửa đổi, bổ sung mà nên tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trước mắt, giữ nguyên quy định thương nhân phân phối xăng dầu “được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác theo hợp đồng mua bán xăng dầu”.

Đồng thời giữ nguyên quy định thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá”; và không dời ngày điều hành giá khi rơi vào các ngày nghỉ như thứ bảy, Chủ nhật, ngày lễ tết.

Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) đánh giá Nghị định 95/2021 về cơ bản đã hoàn chỉnh, giai đoạn 2018-2021 chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng hoạt động của doanh nghiệp vẫn ổn định, chiết khấu tốt.

Tuy nhiên, một điểm chưa hợp lý là điều hành giá xăng dầu 10 ngày/lần thường xuyên trùng vào ngày cuối tuần, ngày lễ, tết… và phải lùi ngày.

Do đó, ông Dũng đề nghị quay lại điều hành giá xăng dầu 15 ngày/lần do chu kỳ nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc, Hàn Quốc về Việt Nam cần khoảng 15 - 20 ngày. Đồng thời nếu giá xăng dầu có biến động từ 5% trở lên, liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh sớm.

Đồng quan điểm, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Nai cũng đề xuất quay lại điều chỉnh giá xăng dầu 15 ngày/lần để đảm bảo cân đối giá, sổ sách.

Bài liên quan
Giá xăng dầu giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít
Giá xăng dầu tại kỳ điều hành hôm nay (21.11) được điều chỉnh giảm lần thứ 2 liên tiếp. Trong đó, giá xăng RON95 giảm về mức 20.520 đồng/lít.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương nhân phân phối xăng dầu muốn tăng thời gian điều chỉnh giá lên 15 ngày/lần