Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 đã chọn chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến hướng đến Chính phủ số - Mô hình và giải pháp”.

Thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến hướng tới Chính phủ số

17/09/2020, 15:32

Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 đã chọn chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến hướng đến Chính phủ số - Mô hình và giải pháp”.

Sự kiện quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành - Ảnh: BTC

Ngày 17.9, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam), Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT), Sở TT-TT TP.HCM tổ chức Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 15.

Theo Báo cáo xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc, năm 2020 Việt Nam tăng hạng 2 bậc, xếp thứ 86/193 quốc gia, trong khu vực Châu Á xếp thứ 23/47, trong khu vực ASEAN xếp thứ 6/11 quốc gia. Trong đó, chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) tăng 31 bậc, chỉ số dịch vụ công trực tuyến giảm đáng kể (22 bậc).

Tuy nhiên, chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến địa phương được Liên Hiệp Quốc ghi nhận và Việt Nam có TP.HCM là địa phương duy nhất, xếp hạng thứ 42/100 thành phố. Đối với cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong nước, tính đến tháng 9.2020, toàn quốc có 19,10% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (mục tiêu Chính phủ đặt ra năm 2020 tối thiểu 30%), trong đó có 9 bộ, ngành Trung ương và 15 tỉnh, thành phố đã cung cấp trên 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Theo bà Võ Thị Trung Trinh (Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM), TP.HCM đặt mục tiêu cơ bản đến năm 2025 có 90% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4, đa kênh; 90% hồ sơ công việc được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng và 100% các hệ thống thông tin kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

Để đạt được mục tiêu trên, bà Trinh cho rằng trước hết cần đổi mới tư duy, nhận thức; tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào góp ý, theo dõi và sử dụng kết quả của Chương trình chuyển đổi số của thành phố. Bên cạnh đó, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM cũng đề cập đến việc ban hành và thực thi Kiến trúc Chính quyền điện tử; trong đó tập trung vào mô hình, giải pháp về tổ chức dữ liệu, ứng dụng, công nghệ (hạ tầng), an toàn thông tin…

Ngoài ra, một số giải pháp khác được đại diện Sở TT-TT TP.HCM nêu ra trong Hội thảo chính là số hóa và sử dụng hiệu quả dữ liệu, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể, vận hàng chính thức nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung HCM LGSP, hình thành kho dữ liệu dùng chung, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng IoT, Open Data và các công nghệ khác…

Theo nhận định của các chuyên gia, dịch chuyển Chính phủ điện tử sang Chính phủ số là quá trình chuyển đổi tư duy quản lý, cung cấp dịch vụ từ cung cấp những gì cơ quan Nhà nước có sang cung cấp dựa trên nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ điện tử đo lường bằng số lượng dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ số đo lường bởi số thủ tục được cắt giảm, số dịch vụ mới tăng lên và số bộ dữ liệu mở được cơ quan nhà nước cung cấp.

Nhằm chuyển đổi số xây dựng Chính phủ số thời gian tới được đồng bộ, hiệu quả, Bộ TT-TT cũng đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, phiên bản 2.0 nền tảng cho xây dựng Kiến trúc tổng thể quốc gia, đồng thời hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kiến trúc tại các bộ, ngành, địa phương.

Thu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến hướng tới Chính phủ số