Trên thực tế, không chỉ riêng ngành sư phạm, bất cứ một ngành nào nếu sau khi ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn, sinh viên sẽ phải tìm công việc khác để có thu nhập trang trải cuộc sống.

Thừa hơn 70.000 cử nhân sư phạm: Thực tế do thiếu cơ sở vật chất

01/06/2016, 12:36

Trên thực tế, không chỉ riêng ngành sư phạm, bất cứ một ngành nào nếu sau khi ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn, sinh viên sẽ phải tìm công việc khác để có thu nhập trang trải cuộc sống.

Vừa qua, tại hội thảo khoa học “Đào tạo giáo viên tại các trường ĐH đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay”, PGS.TS Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho biết: “Dự kiến đến năm 2020, hệ thống giáo dục không thể tuyển dụng hết số giáo viên mới tốt nghiệp ra trường, vẫn thừa khoảng 41.000 người đối với cấp tiểu học, 12.200 người đối với THCS và 16.900 đối với THPT (thừa khoảng 70.000 cử nhân). Với số liệu trên, hẳn không ít người giật mình vì cách đây gần 3 năm, vào tháng 8.2013, Bộ GD-ĐT công bố cả nước thiếu 27.000 giáo viên.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định để khắc phục tình trạng thừa cử nhân sư phạm trong thời gian tới, Bộ đã yêu cầu các cơ sở đào tạo giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm để khắc phục tình trạng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm.

Theo các chuyên gia giáo dục nhận định, lý do dẫn đến khủng hoảng thừa nhân lực ngành sư phạm là do hệ thống đào tạo giáo viên đang phát triển quá nhanh, không xuất phát từ nhu cầu. Rất nhiều trường cao đẳng sư phạm yếu cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên được nâng cấp lên đại học hoặc đổi tên để mở rộng tuyển sinh đào tạo trình độ đại học các ngành sư phạm, ngoài sư phạm.

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, sinh viên Trần Tuyết L. hiện đang học trường Cao đẳng sư phạm Trung ương (K14) cho biết dù biết hiện nay cử nhân sư phạm đang thất nghiệp rất nhiều, nhưng L. cũng như các bạn cùng lớp hoàn toàn không lo lắng hay muốn chuyển sang học ngành khác. Theo lý giải của L. thì ngành học của cô ở các trường mầm non tư thục hoặc ở các gia đình đang cần rất nhiều.

Khi được hỏi nếu không tìm được việc làm ở Hà Nội, L. có dự tính về quê để xin việc hay không thì cô cho biết: "Em sẽ không về quê vì nếu về quê sẽ phải "chạy chọt" xin vào làm ở một trường học nào đó với mức tiền chạy việc khá cao nhưng lương thì lại thấp. Bạn bè em ai cũng muốn ở lại Hà Nội để làm việc, kể cả làm việc ở các trường tư thục cũng được nhưng vẫn đảm bảo được cuộc sống của mình. Nếu không xin được dạy hợp đồng thì em sẽ xin dạy gia sư, dạy tại các trường tư thục, mầm non trên địa bàn Hà Nội vốn vẫn đang thiếu nhiều giáo viên".

Các cử nhân sư phạm sau khi tốt nghiệp không xin được việc làm thường đi dạy hợp đồng tại các trường tư thục.

Cùng ý kiến với sinh viên L., cô Nguyễn Thị T., hiện đang dạy hợp đồng tại Trường tiểu học Dịch Vọng A (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, bản thân cô tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội, khi trở về quê xin dạy hợp đồng thì mức lương chỉ có hơn 1 triệu đồng/tháng nên rất khó để chi tiêu trong gia đình. T. đã quyết định quay lại Hà Nội và xin đi dạy hợp đồng ở các trường tư thục và hiện vẫn đang là giáo viên thỉnh giảng ở Trường tiểu học Dịch Vọng A.

"Mức lương ở Hà Nội đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của số đông mọi người. Đối với sinh viên mới ra trường như chúng tôi, xin biên chế vào các trường mới khó chứ xin dạy hợp đồng hay dạy tại các trường tư thục cũng không quá khó khăn. Đổi lại, chúng tôi có cơ hội tiếp cận với sự đổi mới giáo dục nhanh hơn. Tôi nghĩ việc cân bằng giáo dục ở các tỉnh thành không đều mới dẫn đến tình trạng dư thừa 70.000 giáo viên trong thời gian tới", cô T. nhận định.

Một sinh viên năm cuối khoa Ngữ văn (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Em cũng đã biết thông tin sắp tới cả nước sẽ có hơn 70 nghìn cử nhân sư phạm dư thừa. Chính vì thế em đã chuẩn bị sẵn tinh thần nếu không xin dạy được ở các trường đúng với chuyên môn của mình thì sẽ xin đi làm ở các nhà xuất bản, nhà sách để làm biên tập nội dung, bổ sung thêm kiến thức ngoại ngữ. Em cũng có thể xin việc dịch thuật ở các tòa soạn báo chuyên mục quốc tế”.

Chia sẻ vào sáng 1.6 với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết tình trạng dư thừa giáo viên hiện nay một phần là do thực trạng Nhà nước cân bằng không đều, thiếu cơ sở vật chất ở các tỉnh thành. Theo ông Thuyết, ở thành phố thì giáo viên dư thừa nhưng ở vùng sâu vùng xa lại thiếu giáo viên trầm trọng. Nhà nước nên tạo điều kiện hơn nữa để các giáo viên cống hiến. Còn nếu giải quyết bằng việc thu hẹp cơ chế đào tạo giáo viên thì những trường sư phạm đã lập ra lâu nay biết đào tạo ai, đào tạo cái gì? Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần chú ý giảng dạy, truyền tải kiến thức giúp cho sinh viên năng động hơn, vốn kiến thức rộng hơn để có thể chủ động cho các công việc khác chứ không chỉ đơn thuần là giáo viên ở các ngành sư phạm.

Thực tế cho thấy, nghịch lý "thừa mà thiếu" không chỉ ở khâu tuyển dụng và công tác đào tạo của các trường, khoa sư phạm, mà còn bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa đó là ngành GD-ĐT chưa thực sự được phân cấp triệt để trong việc thực hiện các quy định liên quan đến việc phát triển đội ngũ nhà giáo. Thực trạng này hiện đang cần một giải pháp căn bản, cơ chế thoáng toàn diện, rõ tính định hướng và tầm nhìn xa mới có thể giải quyết triệt để.

Dạ Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thừa hơn 70.000 cử nhân sư phạm: Thực tế do thiếu cơ sở vật chất